Tuyến đường sắt cao tốc 8,5 tỉ USD
(Dân trí) - Hôm nay 30/3, Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) chính thức công bố báo cáo cuối kỳ dự án nghiên cứu khả thi xây dựng mới đường sắt đôi điện khí hóa đoạn Nha Trang - TPHCM. Theo đó, hành trình tuyến tàu này sẽ chỉ còn 2 giờ.
Tuyến đường sắt đôi điện khí hóa đoạn Nha Trang - TPHCM nằm trong “Quy hoạch tổng thể phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2020”, với mục điêu giảm thời gian lữ hành từ Hà Nội đi TPHCM xuống dưới 10 giờ
Điểm khởi đầu của tuyến đường sắt là TPHCM, đi qua các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận, Ninh Thuận và Khánh Hoà. Toàn tuyến có 6 nhà ga (Nha Trang, Phan Rang Tháp Chàm, Tuy Phong, Phan Thiết, Long Thành, Hồ Chí Minh).
Theo mục tiêu đưa ra, nền đường thiết kế dành cho tàu có vận tốc 350 km/h; hệ thống kỹ thuật đáp ứng tàu có vận tốc 200 km/h. Như vậy, thời gian chạy tàu Nha Trang - TPHCM là 2 giờ. Tổng chi phí lên tới hơn 8,5 tỉ USD, dự tính sẽ khánh thành bước đầu và đi vào hoạt đồng từ năm 2015, đủ sức phục vụ 24 ngàn hành khách mỗi năm.
Về việc huy động vốn, ông Vũ Xuân Hồng, Cục trưởng Cục đường sắt Việt Nam, cho rằng việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam - mà trước hết là đoạn Nha Trang - TPHCM - sẽ là động lực phát triển các vùng kinh tế, các khu du lịch; chúng ta có thể thực hiện cơ chế thu hồi vốn thông qua việc thu thuế từ các lĩnh vực được hưởng lợi từ đường sắt cao tốc.
Tuy nhiên, trong cuộc gặp giữa các ban ngành, đơn vị có liên quan đến dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam, đại diện Bộ xây dựng, Bộ Kế hoạch - Đầu tư lại thống nhất: Việc huy động nguồn vốn xây dựng đường sắt cao tốc nên thực hiện theo hình thức BOT (Xây dựng - Khai thác - Chuyển giao).
Dự kiến, đến tháng 4/2008, đơn vị tư vấn Hàn Quốc sẽ hoàn thiện việc nghiên cứu và có báo cáo cuối cùng về việc xây dựng đường sắt cao tốc đoạn Hà Nội - Vinh.
Phúc Hưng