"Tuyển dụng gần 100 giáo viên tiếng Anh nhưng hồ sơ nộp chưa đến 10"

Thế Kha

(Dân trí) - "Tỉnh chúng tôi tuyển dụng gần 100 giáo viên tiếng Anh nhưng hồ sơ nộp chưa đến 10. Trong khi hàng năm số giáo viên bỏ việc, chuyển việc nhiều" - Đại biểu tỉnh Lai Châu nêu thực trạng.

Thảo luận về kinh tế - xã hội tại hội trường Quốc hội sáng 28/10, đại biểu Lý Thị Lan (Hà Giang) phản ánh, trong năm qua, cử tri miền núi và trung du Bắc Bộ rất vui mừng, phấn khởi được Đảng, Chính phủ quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng, khởi công các tuyến đường cao tốc, tạo động lực cho việc kết nối, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế vùng.

Nguyện vọng của cử tri mong muốn tiếp tục được Chính phủ và các bộ ngành quan tâm đẩy nhanh tiến độ đầu tư, nâng cấp hệ thống các tuyến đường quốc lộ có tính chất kết nối các tỉnh, các tuyến cao tốc đã được xác định ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021-2030. Như ở Hà Giang là quốc lộ 4, quốc lộ 4C, 279, quốc lộ 34.

"Các tuyến đường này được đầu tư xây dựng đã lâu, tiêu chuẩn kỹ thuật thấp cấp 5 cấp 6 miền núi, nhiều đoạn đường thường xuyên bị sạt lở gây ách tắc giao thông về mùa mưa lũ, thường xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng"- bà Lan phản ánh.

Tuyển dụng gần 100 giáo viên tiếng Anh nhưng hồ sơ nộp chưa đến 10 - 1

Đại biểu Lý Thị Lan (Ảnh: Phạm Thắng).

Bên cạnh đó, các công trình điện nông thôn cho vùng sâu, vùng xa, biên giới, miền núi và hải đảo còn rất khó khăn và bất cập. Nhiều thôn, bản biên giới chưa có điện, để đạt được mục tiêu 100% số thôn bản được sử dụng điện rất cần nguồn vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước.

Hà Giang còn rất nhiều vùng lõm chưa được phủ sóng viễn thông và cáp quang Internet. Việc tiếp cận thông tin công nghệ khu vực vùng sâu biên giới còn rất nhiều bất cập và khó khăn.

"Phía bạn Trung Quốc phủ sóng tại các khu vực biên giới mạnh và toàn diện. Nhiều khu vực biên giới chỉ có sóng viễn thông của Trung Quốc. Theo dự báo tính toán tỉnh Hà Giang nếu dựa vào kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp và chương trình viễn thông công ích của Chính phủ thì ngân sách đầu tư công và ngân sách nhà nước không thể thực hiện được"- đại biểu tỉnh Hà Giang bày tỏ.

Vì vậy, bà Lan đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các tập đoàn, doanh nghiệp viễn thông như Viettel, VNPT thực hiện chương trình viễn thông công ích của Chính phủ để hỗ trợ các tỉnh miền núi biên giới phát triển hạ tầng viễn thông ở những thôn đặc biệt khó khăn bằng nguồn lực của Quỹ viễn thông công ích để không còn vùng trũng của viễn thông ở các tỉnh vùng cao, biên giới.

Cử tri tỉnh Hà Giang cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm sử dụng nguồn vượt thu, ưu tiên đầu tư các công trình đường tuần tra biên giới với quy mô công trình lưỡng dụng để phục vụ cả phát triển kinh tế - xã hội ở các tỉnh biên giới.

"Tỉnh Hà Giang nhận thức rằng đây không chỉ là công trình để đảm bảo cho công tác tuần tra, kiểm soát chủ quyền an ninh biên giới mà còn kết hợp cả phục vụ dân sinh cho việc phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc khu vực biên giới"- bà Lan nêu vấn đề.

Tuyển dụng gần 100 giáo viên tiếng Anh nhưng hồ sơ nộp chưa đến 10 - 2

Đại biểu Lê Văn Dũng, tỉnh Quảng Nam (Ảnh: Phạm Thắng).

Đại biểu Lê Văn Dũng (Quảng Nam) cũng cho rằng, vấn đề phát triển kinh tế miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng căn cứ cách mạng ATK vẫn còn nhiều, là bài toán rất khó. Tuy Đảng, Nhà nước đã dành rất nhiều sự quan tâm đặc biệt, nhưng hạ tầng thiết yếu ở khu vực miền núi vẫn chưa được tập trung đầu tư đồng bộ và thiếu tính kết nối.

Bên cạnh đó, do điều kiện khí hậu và thời tiết cực đoan trong những năm gần đây làm cho hầu hết hạ tầng thiết yếu, khu vực miền núi xuống cấp nhanh, hư hỏng nặng. Vì vậy, việc phát triển kinh tế - xã hội và đời sống ở vùng đồng bào miền núi, vùng cao, vùng biên giới đang tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao.

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu) khẳng định, tình trạng thiếu giáo viên với các tỉnh miền xuôi đã khó, miền núi còn khó khăn hơn nhiều. Nếu không có giải pháp căn cơ để giải quyết ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dạy và học, hiện nay thiếu nhất là giáo viên mầm non, giáo viên tiếng Anh, Tin học đối với cấp Tiểu học và môn Âm nhạc Mỹ thuật đối với THPT. Nguyên nhân là do không có nguồn để tuyển dụng.

Tuyển dụng gần 100 giáo viên tiếng Anh nhưng hồ sơ nộp chưa đến 10 - 3

Ông Hoàng Quốc Khánh - Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu (Ảnh: Phạm Thắng).

"Đơn cử như tỉnh chúng tôi, tuyển dụng gần 100 giáo viên tiếng Anh nhưng hồ sơ nộp chưa đến 10 hồ sơ. Trong khi hàng năm số giáo viên bỏ việc, chuyển việc nhiều. Ngoài lý do thu nhập thấp, áp lực yêu cầu đổi mới giáo dục ngày càng cao thì với tỉnh miền núi, điều kiện cuộc sống vùng sâu, vùng xa còn rất khó khăn. Trong khi đó, chính sách đặc thù thu hút, giữ chân giáo viên đã lạc hậu, chậm được điều chỉnh, bổ sung kịp thời, nhiều nơi không được hưởng do đã ra khỏi xã đặc biệt khó khăn"- ông Khánh nêu thực trạng.

Để từng bước tháo gỡ khó khăn, ông Khánh cho rằng việc nâng lương cơ sở thực hiện từ năm 2023 là hết sức cần thiết.

"Đề nghị Trung ương điều chỉnh thời gian tăng lương sớm hơn như dự kiến. Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát lại chính sách thu hút, hỗ trợ người học và người dạy đã lạc hậu để đề xuất sửa đổi. Chính sách đãi ngộ cần đặc biệt hơn, ưu đãi hơn đối với đội ngũ giáo viên công tác ở miền núi, biên giới. Trước tiên, để giữ chân người dạy và thu hút đội ngũ sinh viên tốt nghiệp vào các trường sư phạm lên công tác"- ông đề nghị.