Tường trình của phi công bị nghi “ngủ quên”
Chuyện về 2 phi công trên chuyến bay VN545 hành trình Hà Nội-Frankfurt (Đức) bị nghi “ngủ quên” đang gây nhiều chú ý của dư luận. Theo cơ trưởng Đào Mạnh Quân, đây là “tì vết” đầu tiên trong 28 năm theo nghề, thực hiện hơn 10 nghìn giờ bay của họ.
Tính đến hôm nay, 13/6, tổ bay 2 người gồm Đào Mạnh Quân (cơ trưởng) và Đào Nguyên Sơn đã bị “treo bay” 2 tháng. Suốt 3 tuần gần đây, hai người này phải học lại quy trình khai thác bay, các phương thức liên lạc tại Phòng Huấn luyện kết hợp an toàn tiêu chuẩn đoàn bay (TPHCM). Trước đó họ phải viết tường trình, kiểm điểm cá nhân, bị ghi vào lý lịch bay và trải qua việc bỏ phiếu kín để đánh giá cán bộ.
Cơ trưởng Quân kể lại: Chuyến bay hôm đó là bay đường dài nên có 2 tổ bay (4 người gồm 2 lái chính, 2 lái phụ) để thay ca (sau 6 tiếng thay ca một lần). Anh Quân và anh Sơn bắt đầu ca của mình khi máy bay đang ở trên bầu trời Kabul (Afghanistan). Sự việc xảy ra khi máy bay vừa qua không phận Ba Lan sang CH Czech được khoảng 10 phút.
Tại thời điểm này, lái phụ Bùi Xuân Hùng (tổ bay khác) cũng vừa thay anh Sơn được mấy phút. Bỗng nhiên, tổ lái phát hiện phía bên trái có một chiếc chiến đấu cơ (không phải 2 chiếc) đang phát tín hiệu hỏi.
Lúc này cơ trưởng Quân mới giật mình và vẫy tay ra hiệu máy bay vẫn bình thường. Ngay lập tức, anh Hùng gọi vào tần số liên lạc và anh Quân gọi vào tần số khẩn cấp để hỏi có phải máy bay bị chặn hay không. Chiếc chiến đấu cơ trả lời là lên để kiểm tra tình trạng an toàn của máy bay. Khi đó là 23 giờ 59 phút (giờ quốc tế) và tổ bay đã được gửi cho tần số liên lạc của CH Czech (mỗi nước có tần số liên lạc riêng-PV).
Thời gian để tổ bay liên lạc với chiến đấu cơ đó mất khoảng 2 phút. Bấy giờ, cơ trưởng Quân mới biết máy bay đã mất liên lạc với mặt đất trong nhiều phút.
Theo anh Quân thì chiến đấu cơ lên để kiểm tra máy bay có bị không tặc hoặc tổ lái bị đột tử hay không vì máy bay của VNA vẫn đang bay đúng khu vực kiểm soát.
Chúng tôi thắc mắc được biết máy bay Boeing 777 rất hiện đại, khó có thể xảy ra việc mất sóng? Cơ trưởng Quân giải thích trên thực tế đã từng xảy ra tình trạng tương tự với một số hãng hàng không.
Gần đây nhất là hãng hàng không của Trung Quốc cũng đã bị như vậy trên không phận Việt Nam. Sau khi xảy ra sự cố mất tín hiệu, cơ trưởng Quân đã báo cáo ngay vụ việc về VNA.
Anh Quân cho biết, quy trình bay đường dài ban ngày là cứ 30 phút tiếp viên lên kiểm tra buồng lái một lần (buổi tối là 15 phút). Với loại máy bay Boeing 777, nếu trong buồng lái không có hoạt động gì trong vòng 15 phút, hệ thống quản lý nhân tố bay sẽ phát tín hiệu báo động. Có thể nói, mọi thao tác của tổ lái đều được hệ thống truyền tin gửi về trung tâm kỹ thuật tại Việt Nam.
Đã qua 2 tháng, nhưng VNA vẫn chưa tìm ra nguyên nhân sai tần số dẫn tới mất liên lạc.
Cơ trưởng Quân nói: “Lỗi là do tôi quá chủ quan. Đáng lẽ, khi không thấy mặt đất gọi cung cấp tần số liên lạc, tôi phải đôn đốc anh em gọi lại. Thế nhưng, tôi đã quá ỷ lại mặt đất… Nếu tổ bay ngủ quên thì chắc chắn thông tin này sẽ được chuyển về trạm kiểm soát mặt đất rồi. Tôi đã viết kiểm điểm xin chịu mọi trách nhiệm về việc này”.
Theo Đình Thắng
Tiền Phong