1. Dòng sự kiện:
  2. Phá tòa "Hàm cá mập", cải tạo không gian quanh hồ Gươm

Tương ớt chứa Sudan xuất hiện trên thị trường?

(Dân trí) - Mới đây, Cục Quản lý thực phẩm của Trung Quốc một lần nữa chính thức công bố, gần 25% bột ớt, tương ớt trên thị trường Trung Quốc có chứa chất Sudan. Vậy những loại sản phẩm này có đang được bán nhan nhản trên thị trường Việt Nam?

Tương ớt muốn đỏ thế nào cũng được

 

Đó là nhận định của ông Nguyễn Thanh Phong, Cục Phó Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm (VFA), trước thông tin nhà chức trách Trung Quốc phát hiện chất Sudan trong chế biến bột ớt, tương ớt gia vị và thức ăn chế biến sẵn. Ông Phong cũng cho biết, trong thời gian tới, VFA sẽ tăng cường kiểm tra lấy mẫu nhằm thông tin chính xác tới người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi phải có thời gian.

 

Trong khi đó, qua khảo sát của phóng viên, tại các chợ đầu mối, cửa hàng thực phẩm... trên thị trường Hà Nội, có đủ các loại tương ớt với nhiều mẫu mã, nhãn mác khác nhau, xuất xứ từ nhiều nguồn, trong đó không ít loại được nhập từ Trung Quốc. Ngoài những thương hiệu tương ớt nổi tiếng như Trung Thành, Chinsu… còn có rất nhiều loại tương ớt mang nhãn mác Trung Quốc không rõ nguồn gốc, chữ viết nhập nhằng, được bán với giá rất rẻ.

 

Nếu như tương ớt Trung Thành có giá từ 12.500 - 13.000 đồng/lít thì loại tương ớt Trung Quốc mập mờ nói trên được bán chỉ với 6-7 ngàn đồng/lít, thậm chí có loại chỉ có giá 2.000 đồng/lít.

 

Tại cơ sở sản xuất tương ớt Hà Thành (Gia Lâm, Hà Nội), ngay phía cửa vào, hàng đống vỏ chai tương ớt xếp hàng dài dằng dặc. Dù chỉ mới là vỏ chai không nhưng nhãn mác trên chai đã in sẵn… hạn sử dụng “đến năm 2008”. Chị Hà (tên chủ cơ sở sản xuất) cho biết sản phẩm của cơ sở này chủ yếu tiêu thụ ở Hà Nội và các tỉnh lân cận.

 

Khi chúng tôi phàn nàn về màu sắc không đỏ đẹp của loại tương ớt này, chị Hà trấn an: “Màu sắc thì có gì quan trọng đâu, muốn đỏ thế nào cũng được. Thành phần các chất có trong sản phẩm được ghi trên nhãn mác là một chuyện, còn khi chế biến lại là chuyện khác”.

 

Dấm pha bằng axit, tương ớt làm từ cà chua thối!

 

Khi chúng tôi tìm hiểu về cách thức pha chế và làm tương ớt, chủ một cơ sở sản xuất tương ớt lâu năm tiết lộ, có những cơ sở sản xuất mua những loại ớt, cà chua thối từ các hàng buôn ế về để làm tương ớt. Sau đó, màu sắc của tương ớt thế nào tùy thuộc vào lượng phẩm màu pha chế.

 

Không chỉ tương ớt mới có “bí quyết” sản xuất. Chị Hà còn tiết lộ cho chúng tôi cách chế biến dấm hiện nay của một số cơ sở, đó là dùng… axit. Theo chị Hà, loại axit sunfuric (H2SO4) thường được khá nhiều cơ sở sản xuất dấm ưa chuộng. Giá mua chỉ từ 2.000 - 2.500 đồng/lít, mỗi lít có thể pha được hàng trăm chai dấm (Hiện trên thị trường, giá mỗi chai dấm gạo từ 2.000 - 2.500 đồng/chai).

 

Vừa qua, thanh tra Sở Y tế Hà Nội lập gửi một số mẫu tương ớt có bán trên thị trường tới Viện Dinh dưỡng nhằm tiến hành kiểm nghiệm chất lượng. Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết, để có kết quả chính xác, việc kiểm nghiệm sẽ được tiến hành nhiều lần và sẽ được thông báo trong vài ngày tới.

 

Năm 2005, sau khi mở cuộc điều tra ở 18 tỉnh, ngành chức năng của Trung Quốc phát hiện 88 loại thực phẩm và chất phụ gia có chứa Sudan 1 (còn gọi là Sudan đỏ), loại thuốc nhuộm gây ung thư.

 

Trong số các thực phẩm đó có tương ớt hiệu Meiweiyuan và các sản phẩm phụ gia có vị ớt. Những sản phẩm trên của 30 công ty chủ yếu đóng tại tỉnh Quảng Đông, Thượng Hải và Giang Tô.

 

Theo các chuyên gia, Sudan có dạng tinh thể màu nâu đỏ, được sử dụng để nhuộm màu, có chứa Triglycerides (có nhiều trong dầu thực vật, mỡ động vật). Trong công nghiệp, nó được sử dụng để nhuộm màu các chất không phân cực như dầu, mỡ, sáp và nhiều sản phẩm khác có chứa Hydrocarbon. Ở Anh, chất này được sử dụng để nhuộm một loại dầu đốt. Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã cấm sản xuất, tiêu thụ và sử dụng chất này từ năm 2005.

 

Phạm Thanh