Tướng Lê Quý Vương: Sẽ thống kê cụ thể các vụ sàm sỡ, xâm phạm trẻ em
(Dân trí) - “Tới đây sẽ có báo cáo, thống kê cụ thể các vụ xâm phạm trẻ em, đặc biệt là hành vi có tính chất dâm ô đối với người dưới 16 tuổi. Còn về hướng xử lý, Bộ Công an đang đề xuất sửa luật xử lý vi phạm hành chính để có chế tài tương xứng với những hành vi vi phạm tương tự” – Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an nói.
- Liên tiếp những vụ sàm sỡ xảy ra tại thang máy các khu chung cư những ngày qua mà khi bàn tới việc xử lý thì đều vướng dù tính chất hành vi xâm hại khiến nạn nhân , dư luận bất bình. Ý kiến của Thứ trưởng về vấn đề này?
- Trước hết phải nói, các hành vi xâm hại đối với phụ nữ, trẻ em cần phải xử lý thật nghiêm khắc. Bộ luật Hình sự đã quy định rất rõ về những hành vi này và cần căn cứ theo đó để xử lý.
- Thứ trưởng nhắc tới việc áp dụng pháp luật hình sự nhưng thực tế, vụ thiếu nữ bị “cưỡng hôn” trong thang máy tại Hà Nội, đối tượng chỉ bị phạt hành chính 200.000 đồng. Còn vụ mới nhất, bé gái bị “vồ” trong thang máy ở TPHCM thì nhiều ý kiến cũng đang bức xúc, không biết có thể xử lý hình sự hay không?
- Việc xác định hành vi trong vụ việc này thì cần phải có cơ quan điều tra.
Còn việc xử phạt hành chính thì tôi thấy cần phải sửa lại luật xử lý vi phạm hành chính. Có rất nhiều vấn đề cần phải sửa trong các quy định xử phạt hành chính này, không chỉ ở khía cạnh xúc phạm danh dự, nhân phẩm con người.
- Có ý kiến cho rằng, quy định về hành vi dâm ô không rõ nên với các vụ việc xảy ra, điều tra viên rất khó trong việc xác định hành vi này?
- Nội dung này có quy định trong Bộ luật Hình sự, cứ căn cứ vào đó, nếu cần thì chỉ phải thêm hướng dẫn, giải thích luật của UB Thường vụ Quốc hội trên cơ sở đề nghị của cơ quan bảo vệ pháp luật.
Hiện tại Việt Nam tham gia rất nhiều công ước của Liên hợp quốc về quyền tự do của con người, về chống tra tấn, bảo vệ nhân phẩm con người, bảo vệ quyền lợi phụ nữ, trẻ em… nhưng quy định về tội “dâm ô” trong pháp luật của mỗi nước là khác nhau, nói luật Việt Nam khó xử thì cần bàn thảo cụ thể.
Tóm lại, lúc nào đó chúng ta phải rà soát lại các quy định pháp luật để tiếp cận với những tư tưởng tiến bộ của quốc tế, để có thể phân định rõ vi phạm nào thuộc về hình sự, vi phạm nào thuộc về hành chính. Còn trước hết thì phải sửa đổi bổ sung luật xử lý vi phạm hành chính.
- Cụ thể, Bộ Công an đề xuất sửa đổi thế nào với luật xử lý vi phạm hành chính để xử lý tương xứng những hành vi vi phạm như các vụ sàm sỡ trong thang máy này?
- Chúng tôi đang đề nghị sửa luật này theo hướng để xử lý được nhiều hành vi hơn. Bộ Công an đặt vấn đề là hiện nay, chế tài, biện pháp xử lý, mức phạt áp dụng vẫn quá nhẹ, chưa tướng xứng với các hành vi vi phạm nên rất khó giải quyết khi có vụ việc cụ thể.
- Thực tế liên tiếp những vụ xâm hại, sàm sỡ xảy ra trong thang máy như vậy , cơ quan công an có số liệu thống kê cụ thể số lượng các vụ việc được xử lý, nhất là các vụ sàm sỡ trẻ em?
- Tới đây sẽ có báo cáo, thống kê cụ thể vấn đề này. Nói chung, các vụ xâm phạm trẻ em, đặc biệt là hành vi có tính chất dâm ô đối với người dưới 16 tuổi, nhất là với trẻ em, cần phải được rà soát lại thật kỹ. Đây là vấn đề quan trọng mà dư luận cũng rất quan tâm, bức xúc vì tất cả các gia đình đều có trẻ em, người nào cũng có con, có cháu, phải đảm bảo cho người dân không bị lo lắng tại chính môi trường sống của mình. Đó là yêu cầu đặt ra với các cơ quan nhà nước, phải làm quyết liệt cái này.
Tốt nhất trong thang máy cũng cần lắp đặt hệ thống camera an ninh. Ở nhiều nước, thang máy còn được lắp cửa kính đảm bảo an toàn, trong suốt để nhìn là có thể thấy các hoạt động bên trong để có thể kịp thời ứng cứu. Còn thang máy ở chung cư, rõ ràng không gia đình, bố mẹ nào mà theo sát con từng bước, giám sát suốt, nhất nhất dẫn con mỗi lần lên xuống được. Vấn đề là phải đảm bảo nền tảng đạo đức xã hội, con người. Và sau nữa, mức phạt với những hành vi vi phạm phải tăng lên, phải thật nghiêm.
- Xin cảm ơn Thứ trưởng!
P.Thảo