1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Tượng đài Tiếng sấm đường 5 sắp khánh thành

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Sau hơn 1 năm thi công, tượng đài Tiếng sấm đường 5 ở xã Tuấn Việt, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, đã hoàn thành các hạng mục và sắp khánh thành.

Dự án xây dựng tượng đài Tiếng sấm đường 5 được khởi công xây dựng từ ngày 19/8/2023 tại xã Tuấn Việt, huyện Kim Thành (tỉnh Hải Dương), với tổng vốn đầu tư 55,5 tỷ đồng.

Tượng đài Tiếng sấm đường 5 sắp khánh thành - 1

Dự án xây dựng tượng đài Tiếng sấm đường 5 đã hoàn thành phần xây dựng (Ảnh: Nguyễn Dương).

Theo ghi nhận, đến nay toàn bộ các hạng mục của dự án đã hoàn thành. Đơn vị thi công đang tổng vệ sinh và hoàn thiện nốt các chi tiết nhỏ còn lại của dự án.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương cho biết, phần xây dựng của dự án trên đã hoàn thành và đã được nghiệm thu phần nghệ thuật.

Cũng theo vị lãnh đạo trên, sau khi dự án được nghiệm thu các hạng mục khác, tỉnh này sẽ tổ chức lễ khánh thành công trình trong thời gian tới.

Còn theo Ban quản lý dự án đầu tư tỉnh Hải Dương, mục tiêu xây dựng tượng đài nhằm để dâng hương, tri ân đối với các chiến sĩ bộ đội, du kích đã ngã xuống trong các chiến dịch đánh mìn trên tuyến đường 5 và đường sắt Hà Nội - Hải Phòng vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Đồng thời, theo Ban quản lý dự án, tượng đài sau khi hoàn thiện còn tạo điều kiện cho nhân dân có nơi tưởng niệm, tham quan, tìm hiểu về những chiến công oai hùng của quân và dân ta.

Theo ghi nhận, xung quanh tượng đài được trồng cỏ, cây xanh và hoa. Phía sau tượng đài được đơn vị thi công đắp đất cao tạo thành những triền đồi nhân tạo và được trồng cỏ, cây xanh.

Những bậc thềm lên xuống được xây dựng với kích thước lớn và thấp, rất thuận tiện cho người dân đến đây dâng hương và vãn cảnh. Tường rào của dự án được thiết kế, thi công một cách thẩm mỹ.

Ngoài ra, những đoạn đường đi dạo trong dự án đã hoàn thành, bên cạnh là những ô đất cũng được đơn vị thi công trồng cỏ, hoa và các loại cây xanh.

Tượng đài Tiếng sấm đường 5 sắp khánh thành - 2

Công trình nhằm tri ân đối với các chiến sĩ bộ đội, du kích đã ngã xuống trong các chiến dịch đánh mìn trên tuyến đường 5 và đường sắt Hà Nội - Hải Phòng vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc (Ảnh: Nguyễn Dương).

"Tiếng sấm đường 5" là phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp trên đường 5 và đường sắt Hải Phòng - Hà Nội của quân và dân 3 tỉnh Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta lần 2. Nhận thấy đường 5 là tuyến giao thông huyết mạch quan trọng bậc nhất ở chiến trường Bắc Bộ, chúng đã lập nhiều đồn bốt, tháp canh, mở nhiều cuộc tuần tra, càn quét dọc tuyến đường này và các vùng phụ cận, gây nhiều tội ác với nhân dân ta.

Để bảo vệ tuyến giao thông có vị trí chiến lược, trọng yếu, đồng thời ngăn chặn địch, quân và dân Hải Dương cùng với quân dân Hải Phòng, Hưng Yên đã kiên cường chiến đấu, bám đất, bám làng, tiêu diệt từng tên địch.

Du kích Kim Thành đã có nhiều sáng kiến đánh mìn trên đường sắt phù hợp với từng thời kỳ.

Lúc đầu, ta dùng chiến thuật đánh mìn thô sơ là "giật dây". Sau đó, lực lượng du kích Kim Thành đã tìm ra cách đánh mới "mìn điện tự động", không cần người điều khiển, không cần vị trí ẩn nấp ở gần đường, có thể đặt mìn ở bất cứ đoạn nào trong điều kiện thuận lợi.

Những hình thức đánh giặc tuy đơn giản nhưng đã góp phần không nhỏ vào phong trào chống thực dân Pháp của nhân dân cả nước.

Trận đánh "mìn điện tự động" đầu tiên được du kích Kim Thành đánh thí điểm tại đoạn đường gần ga Phú Thái sáng 28/12/1951. Cách đánh này sau đó được áp dụng nhiều nơi, đặc biệt trong thời gian phối hợp với chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tượng đài Tiếng sấm đường 5 sắp khánh thành - 3

Công trình đã hoàn thiện các hạng mục (Ảnh: Nguyễn Dương).

Tiêu biểu là trận đánh "mìn điện tự động" diệt quân tiếp viện trên đường 5 tại ga Phạm Xá (Kim Thành) ngày 31/1/1954.

Trận đánh trên quân ta đã lật đổ toa chở binh lính, thiết bị quân sự từ Hải Phòng lên chi viện cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tiêu diệt hơn 1.000 tên địch cùng hàng tấn vũ khí, quân trang, quân dụng và phương tiện chiến tranh của giặc Pháp.

Thông tin về dự án, Ban quản lý dự án đầu tư tỉnh Hải Dương cho biết, bố cục tượng đài gồm 2 phần: Phần tượng đài và nhóm tượng nhân vật, tổng chiều cao 21m, chất liệu đá tự nhiên.

Toàn bộ diện tích sử dụng của dự án là gần 15.000m2 (trong đó, hành lang đường sắt hơn 3.300m2, khu tượng đài là hơn 10.300m2).