1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tượng đài cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ xuống cấp nghiêm trọng

(Dân trí) - 4 năm sau ngày khánh thành, tượng đài cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ tại Khu lưu niệm xã Phù Khê (Từ Sơn, Bắc Ninh) đã xuống cấp nghiêm trọng với rất nhiều vết thủng, nứt rạn chân chim… khiến ai trông thấy cũng không khỏi xót xa.

Công trình Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ được chia làm 5 gói thầu (Nhà lưu niệm; Nhà khách và khu trưng bày; Sân vườn, tường rào; Bãi đỗ xe, hồ nước; Tượng đài Nguyễn Văn Cừ), được UBND tỉnh Bắc Ninh giao cho UBND xã Phù Khê làm chủ đầu tư và Ban quản lý Dự án huyện Từ Sơn làm chủ Dự án công trình.

Công trình được triển khai xây dựng từ năm 2002, trên diện tích 4.000m2 với kinh phí 5 tỷ đồng do Trung ương và tỉnh Bắc Ninh đầu tư.
 
Tượng đài cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ xuống cấp nghiêm trọng  - 1

Vết thủng trên bàn tay bức tượng.

Tượng đài Nguyễn Văn Cừ (trị giá 2,5 tỷ đồng) nằm trong gói thầu thứ 5, được triển khai từ tháng 5/2003. Công ty cổ phần Mỹ thuật Việt Nam (CTCPMTVN) được giao thực hiện gói thầu này. Mẫu tượng Nguyễn Văn Cừ sau khi được phê duyệt có chiều cao 4,3m, nặng 7,2 tấn, chất liệu đúc là kim loại đồng. Vì không có chuyên môn về đúc nên CTCPMTVN đã hợp đồng với một cơ sở đúc tại Hà Nội thực hiện bức tượng này. Ngày 9/7/2004, nhân kỷ niệm 92 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, tượng đài được cắt băng khánh thành cùng toàn bộ công trình Khu lưu niệm.

Điều khiến nhiều người dân thất vọng là ngay sau ngày khánh thành, mỗi lần ngắm nhìn bức tượng lại thấy xuất hiện thêm những vết thủng, vết nứt rạn mới.

Ông Nguyễn Văn Hoành (là cháu đời thứ ba của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ) cho biết: “Ngày khánh thành tôi chứng kiến từ đầu đến cuối, tượng nặng gần 7 tấn mà lại chở trên chiếc xe 3,5 tấn về làng thì kể cũng lạ. Đã thế, khi dựng tượng lên ai cũng nhìn thấy một lỗ thủng bằng bao diêm sau lưng tượng. Vì tôi là người trông nom ở Khu lưu niệm này, nên tôi khẳng định đã có 5 lần thợ về sửa, hàn bức tượng này. Mỗi khi sửa, họ thường che bạt kín xung quanh khiến người dân trong thôn không khỏi nghi ngờ”.

Chúng tôi quan sát kỹ bức tượng, quả thật có vô số những vết nứt, rạn chân chim màu xanh do đồng bị ô xy hóa. Riêng ở phần bàn tay trái bức tượng có một lỗ thủng có thể đút vừa một ngón tay. Một thực tế khác là không ai biết độ dày, mỏng của bức tượng vì trong thiết kế phê duyệt không ghi rõ.
 
Tượng đài cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ xuống cấp nghiêm trọng  - 2

Ngày 7/1/2009, PV Dân trí đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Thịnh - Trưởng ban Quản lý dự án (BQLDA) thị xã Từ Sơn để làm rõ sự xuống cấp của bức tượng. Tuy nhiên, ông Thịnh đã từ chối trả lời những câu hỏi của PV, đồng thời ông Thịnh đưa ra lý do bận phải đi thăm người thân đang cấp cứu nên không tiếp PV được.

Khi chúng tôi trao đổi việc này với ông Nguyễn Đình Thắng - Chủ tịch UBND thị xã Từ Sơn – thì ông Thắng lại giới thiệu chúng tôi tới làm việc với BQLDA thị xã Từ Sơn, đồng thời cũng cáo bận.

Theo lời nhà điêu khắc Phạm Sinh (đồng tác giả mẫu tượng đài trên): “Khi bàn giao mẫu thiết kế, tôi đã yêu cầu tượng cần được đúc trong thời gian 3 tháng để đảm bảo kỹ thuật, chất lượng công trình. Nhưng thực tế công trình chỉ được làm trong 2 tháng để kịp kỷ niệm”.

Một sự thật hiển nhiên là tượng đài cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đang xuống cấp từng ngày mà trách nhiệm thuộc về ai, xử lý như thế nào thì vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Vũ Văn Tiến