1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tưng bừng lễ rước tượng song thân vua Đinh

(Dân trí) - Ngày 9/4, tại dòng tộc họ Đàm ở thôn An Trai, xã Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội), một buổi lễ tôn vinh thân phụ và thân mẫu vua Đinh Tiên Hoàng đã diễn ra hết sức long trọng

Lễ tôn vinh là lễ rước hai pho tượng song thân vua Đinh Tiên Hoàng đã thu hút hàng chục ngàn người dân địa phương cùng nhiều đại biểu đại diện các cơ quan ban ngành địa phương tham dự. 
 
Tưng bừng lễ rước tượng song thân vua Đinh - 1
Chuẩn bị đưa thân phụ vua Đinh Bộ Lĩnh lên kiệu rước
 
Sau màn tuyên bố khai mạc buổi lễ là những làn điệu chèo mượt mà để chuẩn bị cho lễ rước tượng. Điểm khởi kiệu rước tượng bắt đầu từ Từ đường Đàm Văn thôn An Trai, xã Vân Canh, Hoài Đức. Kết thúc hành trình rước tượng kéo dài hơn 100 km tại nhà Khải Thánh, đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, thuộc khu di tích lịch sử văn hóa cố đô Hoa Lư, Ninh Bình.
 
Hai pho tượng đồng mỗi pho nặng gần 200kg (cao 1,1m) được gia đình ông Đàm Quang Tám cùng các con là Đàm Quang Phong, Đàm Quang Phú và Đàm Quang Trung (Hậu duệ thứ 40 của bà Đàm Thị - thân mẫu vua Đinh Bộ Lĩnh, tự nguyện công đức).
 
Tưng bừng lễ rước tượng song thân vua Đinh - 2
Người dân địa phương nô nức đi rước tượng thân phụ và thân mẫu Vua Đinh
 
Ngày rước tượng cũng là ngày thôn An Trai như có lễ hội lớn. Nhà nhà, người người tạm hoãn lại công việc ngóng tượng, từ đầu làng đến cuối xóm, khắp mọi nơi, người dân trong làng tụ tập trông ngóng.
 
Bà Trần Thị Tài cho biết: “Hai pho tượng không những là niềm tự hào của dòng tộc Đàm Thị mà còn là niềm tự hào của cả thôn An Trai chúng tôi”. Trong tiếng múa lân, lễ rước tượng nhằm tôn vinh thân phụ và thân mẫu vua Đinh Tiên Hoàng đã diễn ra hết sức tưng bừng, náo nhiệt. 
 
Tưng bừng lễ rước tượng song thân vua Đinh - 3
Gia tộc họ Đàm Văn bên hai pho tượng quý
 
Chia sẻ về việc cung tiến hai pho tượng quý, ông Đàm Quang Tám cho biết: “Ý tưởng đúc tượng cho thân phụ và thân mẫu vua Đinh, đồng thời cũng là tổ tiên của dòng họ có từ lâu. Chúng tôi biết không phải ai muốn đóng góp cũng có vinh dự được đóng góp, vì thế từ trong tâm khảm chúng tôi đã ước ao hoàn thành được việc này”. 
 
Ông Nguyễn Đức Long - Phó Giám đốc Sở văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Ninh Bình nhận xét: “Đây là sự kiện nằm trong một chuỗi hoạt động hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Việc đặt tượng vua Đinh ở nhà Khải Thánh có ý nghĩa lớn, nhằm tôn vinh các bậc tiền nhân đầu tiên đã sinh ra vị hoàng đế đầu tiên của chế độ phong kiến tập quyền ở nước ta thế kỷ thứ X”. 
 
Quốc Đô - Anh Thế