1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tưng bừng lễ hội ở ngôi đền cổ nhất xứ Thanh

(Dân trí) - Trong các ngày từ 6 - 9 tháng 3 Âm lịch, hàng vạn du khách từ khắp miền nô nức đổ về Thọ Xuân (Thanh Hóa) dự lễ hội kỷ niệm 1.007 năm ngày mất vua Lê Đại Hành tại ngôi đền cổ nhất xứ Thanh.

Từ sáng sớm nay 29/3 (tức mùng 8/3 Nhâm Thìn), hàng vạn người dân và du khách đã có mặt tại đền thờ Lê Hoàn, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân để tham dự buổi lễ kỷ niệm 1.007 năm ngày mất Lê Đại Hành Hoàng Đế.

Tưng bừng lễ hội ở ngôi đền cổ nhất xứ Thanh
 

Hàng năm, cứ vào dịp này, du khách khắp mọi miền tổ quốc lại hành hương về đền thờ Lê Hoàn để dự Lễ hội tưởng nhớ công ơn Lê Đại Hành - vị vua đầu tiên của nhà Tiền Lê (trị vì từ năm 980 đến năm 1005). Lễ hội Lê Hoàn năm nay được tổ chức trong 4 ngày từ 27 đến 30/3 (tức mùng 6 đến mùng 9 tháng 3 Nhâm Thìn).

Lê Đại Hành là một trong những vị tướng tài ba, được người đời sau hết lời ca tụng. Tháng 7 năm 980, Lê Hoàn chính thức lên ngôi hoàng đế. Trong suốt 24 năm trị vì của ông, đất nước luôn bình yên, cuộc sống của nhân dân được ấm no, hạnh phúc bởi nhiều cải cách được coi là những tiến bộ vượt bậc so với các triều đại phong kiến.

Ngay từ thời đó, ông đã rất coi trọng vấn đề phát triển thủy lợi, xác định đây là nền tảng để sản xuất nông nghiệp bền vững. Lê Hoàn được xem là một trong những vị vua trọng nông trong các triều đại phong kiến, đích thân ông đã nhiều lần xuống đồng cày cấy cùng bà con.

Ông còn khuyến khích nhân dân mở rộng sản xuất tiểu - thủ công nghiệp, chủ yếu là nghề rèn, đúc và gốm. Đặc biệt, ông đã cho đúc tiền Thiên Phúc là đồng tiền riêng của Việt Nam để không phải lệ thuộc vào tiền nhà Tống (Trung Quốc).

Mặc dù đánh thắng quân Tống, giữ yên bờ cõi, nhưng ông vẫn giữ được mối hòa khí với nước Tống nhờ chính sách ngoại giao mềm dẻo. Lê Hoàn còn nổi tiếng là vị vua nhân đức và biết sử dụng nhân tài.

Lê Hoàn mất năm 1005, thọ 64 tuổi. Trong lịch sử Việt Nam, Lê Hoàn không chỉ là một vị hoàng đế có những đóng góp lớn trong chống quân Tống phương Bắc, quân Chiêm phương Nam, giữ gìn và củng cố nền độc lập dân tộc, mà còn có nhiều công lao trong sự nghiệp ngoại giao, xây dựng và kiến tạo đất nước Đại Cồ Việt.

Để ghi ơn những công lao to lớn của ông, nhân dân đã lập đền thờ Lê Hoàn tại làng Trung Lập, xã Xuân Lập (Thọ Xuân) quê hương ông. Đền thờ Lê Hoàn hiện được xem là ngôi đền cổ nhất xứ Thanh hiện nay.

Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, qua sự khắc nghiệt của thời gian, đến nay, đền thờ Lê Hoàn tại làng Trung Lập đã được tu bổ, tôn tạo khá khang trang, nhưng vẫn bảo tồn nguyên dáng vẻ cổ kính.

Đặc biệt, nơi đây còn lưu giữ được chiếc đĩa đá màu hồng của vua nhà Tống tặng Lê Hoàn gọi là “ngọc tuyết”. Trong đền hiện có 14 sắc phong của các triều đại phong kiến Việt Nam. Phía trước là hai tấm bia đá lớn trang trí hoa văn hình rồng chầu nguyệt, đường nét thanh thoát, khỏe khoắn. Nét độc đáo của ngôi đền còn ở chỗ tất cả các chạm trổ đều mang dáng dấp của sen.

Tưng bừng lễ hội ở ngôi đền cổ nhất xứ Thanh
Dòng người về dự lễ hội.

Ngày chính hội 29/3 (8/3 năm Nhâm Thìn), sau phần lễ kỷ niệm là những màn nghệ thuật sân khấu hóa tái hiện lại những tài năng, đức độ và công lao to lớn của vua Lê Đại Hành trong việc dẹp nội loạn, chống ngoại xâm giữ yên bờ cõi, xây dựng nền an ninh - quốc phòng vững mạnh, phát triển toàn diện kinh tế, văn hóa, xã hội...

Sau phần lễ là những trò chơi, trò diễn dân gian; hoạt động thể dục - thể thao khác như thi: đấu vật dân tộc, bóng chuyền, cờ tướng, kéo co... Đặc biệt, du khách đến đây còn được thưởng thức món bánh răng bừa - đặc sản của vùng quê Thọ Xuân.

Duy Tuyên