Tự ý mở đường, "tạo điều kiện" cho lâm tặc phá rừng
(Dân trí) - Hạt Kiểm lâm huyện Đà Bắc (Hòa Bình) vừa ra quyết định xử phạt hành chính ông Xa Văn L. (43 tuổi, ở xã Tân Minh, huyện Đà Bắc) vì có hành vi tự ý mở đường vào rừng tái sinh và rừng phòng hộ, với số tiền phạt là 25 triệu đồng.
Trước đó, một số phương tiện truyền thông đưa tin về thực trạng rừng phòng hộ, rừng tái sinh ở địa bàn xã Tân Minh và Đoàn Kết (huyện Đà Bắc, Hòa Bình) bị các đối tượng khai thác lâm sản trái phép. Ngoài ra, tại khu vực này, các đối tượng còn ngang nhiên tự ý dùng máy móc mở một con đường dài hơn 1km. Các đối tượng đã sử dụng chính con đường này để vào khai thác và vận chuyển lâm sản trái phép.
Dự luận xã hội bức xúc, tại sao các đối tượng tự ý mở đường và khai thác lâm sản trái phép gần như công khai mà chính quyền địa phương lại không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, chỉ đến khi rừng đã "chảy máu" thì mới vào cuộc?
Liên quan đến vụ việc trên, sáng 20/12, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Văn Đinh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đà Bắc cho biết, số cây gỗ bị các đối tượng khai thác, qua xác minh, kiểm đếm được 52 gốc bị cắt, chủng loại gỗ chủ yếu là bồ đề, trảu. Kiểm tra hiện trường còn lại 120 lóng gỗ tròn có chiều dài từ 1,3 - 5m, đường kính từ 12 - 34cm, khối lượng là 5,615m3, chủ yếu là gỗ bồ đề và một số gỗ tạp tái sinh.
Toàn bộ số gỗ trên Hạt Kiểm lâm đã tổ chức lực lượng, phương tiện, phối hợp với UBND xã Tân Minh tiến hành thu gom và đưa về Hạt Kiểm lâm để xử lý theo quy định của pháp luật.
Về đối tượng vi phạm san ủi, mở đường để thuận tiện ra vào khai thác gỗ trái phép, cơ quan chức năng đã xác định được là ông Xa Văn L. (SN 1976). Ông L. đã có hành vi dùng máy cơ giới đào, múc làm đường vào đất rừng. Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đà Bắc ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Xa Văn L. với tổng mức tiền phạt là 25 triệu đồng, yêu cầu khắc phục lại hiện trạng ban đầu.
"Về đối tượng khai thác lâm sản trái phép nói trên, theo nắm bắt thông tin từ người dân, thì một số đối tượng là người địa phương đã lợi dụng con đường để khai thác gỗ ở rừng trồng và rừng tái sinh tự nhiên. Hạt Kiểm lâm vẫn đang phối hợp để điều tra, xử lý theo quy định hiện hành" - ông Đinh cho biết.
Cũng theo ông Đinh, khu rừng bị các đối tượng khai thác lâm sản trái phép là rừng trồng, rừng tái sinh tự nhiên sau nương rẫy do UBND xã quản lý. Hiện nay, khu rừng này đang được khoanh nuôi lại để tái sinh tự nhiên, mọi hành động người dân tự ý vào đây khai thác lâm sản đều là vi phạm quy định pháp luật.
"Khu vực rừng này một số diện tích được quy hoạch làm rừng sản xuất, một số diện tích làm rừng phòng hộ. Rừng này có tác dụng phòng hộ, phòng chống lũ, xói lở đất đai khi có thiên tai" - ông Đinh nói.
Theo ông Đinh, để đảm bảo về an ninh rừng, thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng trên địa bàn, Hạt Kiểm lâm huyện Đà Bắc đề nghị hai xã Tân Minh và Đoàn Kết trong thời gian tới bố trí lực lượng, phối hợp tổ chức kiểm tra, giải quyết dứt điểm các tụ điểm phá rừng và khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật.
Ngày 19/12, tại Hà Nội, phát biểu tại hội nghị toàn quốc về công tác quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, thời gian tới, Bộ tiếp tục phối hợp với các địa phương rà soát đánh giá quy mô, diện tích quy hoạch thành lập mới các khu rừng theo quy định; xây dựng đề án tổng thể phát triển hệ thống rừng đặc dụng, phòng hộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; phấn đấu đến năm 2025 có 50% khu rừng đặc dụng, phòng hộ của cả nước được cung cấp thiết bị và áp dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý, giám sát đa dạng sinh học, cứu hộ và tái thả tự nhiên thành công một số động vật hoang dã quý hiếm…
Bộ sẽ tăng cường quản lý quy hoạch sử dụng đất rừng; nghiêm cấm lấn chiếm rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp để nuôi trồng thủy sản; xử lý nghiêm trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích, làm tổn hại đến rừng...
Nguyễn Dương