1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Từ vụ thanh niên say rượu xả lũ: Đằng sau hồ chứa là mạng sống của dân

(Dân trí) - Sau khi xảy ra vụ 3 thanh niên say rượu vào mở van xả lũ ở tỉnh Phú Yên gây thiệt hại nghiêm trọng, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định đang tăng cường công tác giám sát, quản lý đảm bảo an toàn tuyệt đối và theo quy trình chặt chẽ.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định, hiện nay tại địa phương này có khoảng 165 hồ chứa với tổng dung tích 585 triệu m3 khối nước, trong đó có 162 hồ thủy lợi lớn nhỏ. Lớn nhất là hồ Định Bình với dung lượng nước có thể chứa lên đến 226 triệu m3.

Đằng sau hồ chứa thủy lợi lớn là cả mạng sống của nhân dân nên quy trình vận hành phải đảm bảo chặt chẽ (ảnh hồ Định Bình, hồ chứa lớn nhất tỉnh Bình Định)
Đằng sau hồ chứa thủy lợi lớn là cả mạng sống của nhân dân nên quy trình vận hành phải đảm bảo chặt chẽ (ảnh hồ Định Bình, hồ chứa lớn nhất tỉnh Bình Định)

Theo ông Nguyễn Văn Phú - Giám đốc Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định, hiện nay, đơn vị đang trực tiếp quản lý 10 hồ thủy lợi và mỗi hồ thủy lợi thường có từ 2 đến 10 nhân viên (tùy theo diện tích hồ) để trực, quản lý việc vận hành.

“Nguyên tắc muốn xả nước, theo thông lệ vào mùa tưới tiêu thì có lệnh của giám đốc công ty, còn mùa lũ thì phải có lệnh của trưởng ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh hoặc chủ tịch UBND tỉnh thì mới được vận hành xả nước từ đập tràn. Đồng thời, khi xả nước xuống hạ du phải thông báo trước ít nhất 5 tiếng để cho dân nắm được thông tin”- ông Phú cho biết.

Ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở NNPTNT Bình Định, cho rằng, đằng sau hồ chứa là cả sự sống, nhà cửa, hoa màu của nhân dân. Cho nên công tác bảo vệ van xả nước trong hồ chứa phải được an toàn tuyệt đối và thực hiện theo quy trình.

Trên thực tế, quy trình vận hành van xả nước dù được thực hiện chặt chẽ nhưng mỗi hồ chỉ có 1-2 nhân viên trực kỹ thuật chứ không có lực lượng bảo vệ riêng biệt, canh trực tiếp để bảo vệ van xả nước (trừ khi có lụt bão). Vì vậy, lực lượng tại chỗ không thể đảm bảo an toàn khi có đối tượng từ bên ngoài, cố ý muốn phá hoại.

“Các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh được quản lý chặt chẽ theo phân cấp: Do công ty khai thác công trình thủy lợi quản lý (khoảng 15 hồ có dung tích lớn), còn những hồ chứa nhỏ do địa phương trực tiếp quản lý. Sau vụ việc ở Phú Yên, chúng tôi giao cho anh em quản lý hồ dự thảo văn bản tăng cường công tác giám sát, quản lý. Khi phát hiện người lạ mặt vào khu vực quản lý hồ, phải nhanh chóng báo cho công an địa phương, đề phòng tình huống bất ngờ xảy ra. Nếu có tình huống bất thường thì công an xử lý ngay. Tại khu vực van xả nước, bắt buộc phải có ánh sáng đầy đủ để cảnh giác vào ban đêm”- ông Hổ cho hay.

Doãn Công