Tử vong tại bệnh viện sau 9 ngày… “được cứu sống”
(Dân trí) - Sau 9 ngày được các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ “cứu sống”, bệnh nhân Lê Văn Dững đã bất ngờ tử vong trên bàn mổ. Cái chết của bệnh nhân Dững đang gây bức xúc cho gia đình nạn nhân và dư luận đòi hỏi phải sớm làm sáng tỏ.
Bà Vân bên quan tài anh Dững (chụp lúc 15h50 ngày 10/3).
“Niềm vui ngắn chẳng tày gang…”
Ngày 1/3, Bác sỹ Đặng Quang Tâm, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ (BVĐKTƯCT) cho biết, bệnh viện này vừa phẫu thuật thành công và cứu sống một bệnh nhân bị vật nhọn đâm xuyên gan, thủng động mạch chủ bụng. Đó chính là bệnh nhân Lê Văn Dững, 24 tuổi, ngụ ấp An Trạch, xã An Hiệp, huyện Châu Thành (tỉnh Sóc Trăng).
Bệnh nhân Dững nhập viện lúc 10h30 ngày 28/2 trong tình trạng đau bụng cấp. Qua chẩn đoán ban đầu, bệnh nhân bị vết thương thấu bụng. Tiến hành phẫu thuật, các bác sỹ phát hiện bệnh nhân bị một chiếc đũa đâm xuyên gan, thủng động mạch chủ bụng... nếu không can thiệp kịp thời có thể tử vong.
Tuy nhiên, niềm vui đó chẳng kéo dài được lâu, sau 10 ngày điều trị ở BVĐKTƯCT, ngày 9/3, bệnh nhân Dững bất ngờ tử vong. Vì sao bệnh nhân Dững tử vong là một câu hỏi đang được gia đình nạn nhân và dư luận quan tâm khi mà lãnh đạo BVĐKTƯCT đã công bố “được cứu sống” trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng?
Chiều 10/3, PV Dân trí có mặt tại nhà anh Lê Văn Dững khi thi hài anh đã được nhập quan. Trò chuyện với chúng tôi, bà Võ Thị Vân (53 tuổi, mẹ anh Dững) kể lại: Ngày 19/2, trong bữa nhậu tại nhà, do mâu thuẫn cá nhân nên Dững bị một người bạn cùng xóm dùng chiếc đũa đâm vào bụng.
Anh Dững lập tức được người nhà đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Sóc Trăng (BVĐKST) cấp cứu. Tại đây, anh Dững được các bác sĩ mổ một vết nhỏ rồi kết luận “bị xây xát vùng ngoài, không ảnh hưởng gì bên trong” rồi khâu lại.
Nhưng ngay sau đó anh Dững lên cơn sốt, đau dữ dội, không thở được. Thấy con bị đau, gia đình báo bác sĩ nhưng chỉ nhận được câu trả lời “không can gì”. Gia đình xin chuyển viện tuyến trên cũng không được chấp nhận.
Hết ngày thứ 8 ở BVĐKST, vết mổ trên người Dững sưng phù, máu từ bên trong tuôn ra xối xả. Lúc này các bác sĩ mới chụp CT rồi cho gia đình biết Dững bị tổn thương nội tạng, cần phải chuyển viện gấp. Lên đến BVĐKTƯCT, các bác sĩ ở đây phát hiện Dững bị cây đũa đâm vào gây tổn thương gan như đã trình bày ở phần đầu.
Một cái chết cần được làm sáng tỏ
Thông tin riêng của PV Dân trí, sau khi phẫu thuật lấy cây đũa trong gan Dững ra, bằng kinh nghiệm của mình, một bác sĩ ở BVĐKTƯCT đã tiên liệu tình trạng của bệnh nhân Dững không thể điều trị tại đây vì anh Dững bị tổn thương gan, động mạch chủ mà bệnh viện này hiện chưa có chuyên môn sâu về vấn đề này nên đã đề nghị lãnh đạo cho chuyển bệnh nhân lên tuyến trên (Bệnh viện Chợ Rẫy - TPHCM). Tuy nhiên đề nghị đó không được lãnh đạo BVĐKTƯCT chấp thuận.
Sau mổ vài ngày bệnh nhân Dững yếu hẳn đi, người nhà bệnh nhân năn nỉ cho anh Dững được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy nhưng cũng không được BVĐKTƯCT chấp thuận.
Bà Lê Thị Vân nói trong nước mắt: “Con tui chết oan quá chú ơi. Nếu các bác sĩ ở Sóc Trăng và Cần Thơ có tay nghề, có lương tâm thì con tui không thể chết được”. Được biết, trong những ngày Dững nằm điều trị ở BVĐKST, gia đình bà Vân phải trả tiền cho bệnh viện hết khoảng 6 triệu đồng, còn ở BVĐKTƯCT là 21 triệu đồng.
Chiều ngày 10/3, chúng tôi đến BVĐKST đề xuất gặp lãnh đạo bệnh viện để tìm hiểu về những ngày anh Dững điều trị tại đây nhưng không được vì “phải hẹn trước và phải được sắp xếp lịch chứ không phải muốn là được”.
Trao đổi với PV Dân trí vào lúc 21h ngày 11/3, Bác sỹ Đặng Quang Tâm, Giám đốc BVĐKTƯCT, cho biết: “Chúng tôi đã cố gắng hết sức để cứu chữa bệnh nhân Dững. Khi đưa lên Cần Thơ, động mạch chủ ở gan bệnh nhân đã bị tổn thương do đũa đâm vào, chúng tôi đã phẫu thuật lấy cây đũa ra. Tuy nhiên, đây chỉ là giai đoạn đầu, chúng tôi có kế hoạch sẽ tiếp tục phẫu thuật giai đoạn 2 để hoàn tất việc cứu chữa cho bệnh nhân và đã giải thích cho gia đình rõ điều này”.
Khi Dân trí đặt vấn đề là người nhà bệnh nhân Dững thấy con mình ngày càng yếu nên đã xin chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy nhưng không được chấp nhận? Bác sỹ Tâm giải thích: “Không phải không cho đi mà chúng tôi thấy nếu đưa đi thì chi phí gia đình phải trả là khá cao. Chúng tôi đã liên hệ với Bệnh viện Chợ Rẫy đề nghị trên đó cử đoàn cán bộ xuống phối hợp phẫu thuật lần 2 cho bệnh nhân Dững và đoàn Chợ Rẫy đang trên đường xuống chưa tới nơi thì bệnh nhân đã tử vong”.
Tuy nhiên bà Lê Thị Vân cho biết: Sau 9 ngày anh Dững nguy kịch tại bệnh viện bà mới được báo tin bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy xuống phẫu thuật. Ngày 9/3, lúc 8h Dững được đưa vào phẫu thuật lần 2 với chi phí khoảng 24 triệu đồng nhưng “con tui đã chết trên bàn mổ ngay sau đó nhưng chẳng thấy bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy đâu”.
Hiện người nhà của anh Dững rất bức xúc về cách làm việc của 2 bệnh viện, còn dư luận thì đặt vấn đề: Ai phải chịu trách nhiệm về cái chết của anh Lê Văn Dững, BVĐKST hay BVĐKTƯCT?
Bài, ảnh: Ngọc Khuê