"Từ Trạm Vũ trụ Quốc tế cũng sẽ nhìn thấy đường vành đai 4 Vùng Thủ đô"
(Dân trí) - Đại biểu HĐND TP Hà Nội nhấn mạnh, dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô rất quan trọng, từ trạm vũ trụ cũng nhìn thấy được tuyến đường này.
Phát biểu nêu trên được đại biểu Nguyễn Tiến Minh (huyện Thường Tín; địa phương có đường vành đai 4 đi qua) đưa ra tại kỳ họp của HĐND TP Hà Nội nhằm xem xét, quyết định chủ trương bố trí, cân đối vốn cho Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 Vùng Thủ đô, diễn ra sáng 20/5.
Từ góc độ địa phương, ông Minh cho rằng, đường vành đai 4 là công trình rất lớn về quy mô và tổng mức đầu tư từ trước đến nay của Hà Nội. Ông Minh cho hay, hiện cây cầu Cổng Vàng của Mỹ, dài khoảng 2.700 mét nhưng nhìn thấy được từ Trạm Vũ trụ Quốc tế. "Cây cầu cạn đường vành đai 4 đi qua 3 tỉnh, trong đó đi qua Hà Nội là 58,2km với mặt cắt 120m. Phần cầu cạn có tổng chiều dài khoảng 72km, từ Trạm Vũ trụ Quốc tế cũng sẽ nhìn thấy được" - ông Minh nói. Vì vậy, ông kiến nghị đường vành đai 4 với các cây cầu bắc qua sông phải xứng tầm, gắn với phát triển du lịch và dịch vụ.
Bên cạnh đó, để huyện Thường Tín phát triển, ông Minh đề nghị cần thiết kế cầu bắc qua sông theo kiến trúc extradosed (cầu dầm - cáp hỗn hợp) để có điểm nhấn cho du lịch.
Đại biểu Nguyễn Thanh Nam (huyện Phú Xuyên) nhận định, tuyến đường vành đai 4 sẽ giảm ùn tắc, áp lực cho vành đai 3, thúc đẩy phát triển đô thị 2 bên đường. Vì vậy, ông đề nghị thành phố lựa chọn các nhà thầu có đủ năng lực, đảm bảo chất lượng dự án và chỉ đạo chính sách bồi thường tái định cư thống nhất giữa các địa phương tránh để khiếu nại, ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Tại kỳ họp, báo cáo thẩm tra của HĐND TP thể hiện, việc thành phố tiếp tục ưu tiên cân đối bố trí 3.825 tỷ đồng để thi công hoàn thành Dự án đường vành đai 4 Vùng Thủ đô trong kỳ kế hoạch trung hạn 2026-2030 là cần thiết và có tính khả thi. Trong trường hợp tổng mức đầu tư của dự án tăng, việc đảm bảo nguồn vốn tăng đáp ứng nhu cầu và tiến độ thực hiện dự án là cần thiết.
Đồng thời, Ban Kinh tế - Ngân sách cho rằng, trong trường hợp tăng tổng mức đầu tư, nhu cầu vốn bổ sung cho dự án sẽ chủ yếu được cân đối trong kế hoạch đầu tư công trung hạn kỳ sau 2026-2030 và không vượt quá khả năng huy động của ngân sách thành phố.
Về kế hoạch bố trí vốn hàng năm cho dự án, HĐND TP đề nghị, việc này phải đảm bảo đủ điều kiện về thủ tục đầu tư theo quy định, phù hợp với khả năng hấp thụ vốn và yêu cầu tiến độ công việc triển khai.
Để đảm bảo tính khả thi và cân đối vốn cho dự án, đồng thời thực hiện theo yêu cầu của Ủy ban Thường trực Quốc hội, HĐND TP Hà Nội đề nghị UBND TP làm rõ dự kiến phân kỳ nhu cầu vốn đầu tư theo từng năm trên cơ sở tổng vốn đầu tư thực hiện dự án thuộc trách nhiệm của thành phố.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn, thành phố đã chỉ đạo cơ quan tư vấn và các đơn vị liên quan rà soát cập nhật lại số liệu tính toán, bổ sung thêm nội dung dự kiến kế hoạch, tiến độ bố trí vốn và giải ngân các năm.
Thành phố đã hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án này trình Chính phủ, theo đó xác định chủ trương nguồn vốn triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 Vùng Thủ đô được dự kiến bố trí từ Ngân sách thành phố khoảng 23.500 tỷ đồng, trong đó: Giai đoạn 2021-2025 là gần 19.500 tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 là hơn 4.000 tỷ đồng.
Dự kiến bố trí vốn và giải ngân các năm trong giai đoạn 2021-2025 theo kế hoạch tiến độ triển khai của dự án như sau: Năm 2022 khoảng 100 tỷ đồng; năm 2023 khoảng 8.400 tỷ đồng; năm 2024 khoảng 5.955 tỷ đồng và năm 2025 khoảng hơn 5.000 tỷ đồng.
Cuối kỳ họp, 100% đại biểu có mặt đã thống nhất thông qua Nghị quyết về việc bố trí, cân đối vốn cho dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 Vùng Thủ đô.
Tuyến đường Vành đai 4 vùng Thủ đô dài 112,8km (gồm 103,1km đường vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long). Trong đó, đoạn qua Hà Nội 58,2km, qua Hưng Yên 19,3km, qua Bắc Ninh 25,6km và tuyến nối 9,7km.
Quy mô đường gồm 4 làn xe cao tốc, tốc độ 80 km/h; có 8 nút giao liên thông hoàn chỉnh cắt ngang với đường hiện trạng và các lối ra vào cao tốc. Dự kiến 65% tuyến đi trên cao.
Tại địa bàn Hà Nội, tuyến đường này đi qua địa phần của 7 quận, huyện, gồm: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Oai, Thường Tín.
Tiến độ và thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 đến năm 2027.