Tù nhân “đặc biệt” và tâm nguyện hiến xác để trả nợ đời
(Dân trí) - Bao nhiêu ước mơ về cuộc sống lương thiện Chương chuyển tải hết vào các tác phẩm. Nhìn những phạm nhân khác say sưa diễn những tiết mục do mình dàn dựng, Chương lại ngồi thu lu một chỗ. Ngày Chương ra trại vẫn còn lâu lắm.
Chương được xem là phạm nhân nổi tiếng nhất trại giam số 3 (đóng tại huyện Tân Kỳ, Nghệ An). Nổi tiếng bởi một lẽ, vào thời điểm năm 1998, số tiền mà Chương lừa đảo chiếm đoạt của người khác đã lên tới 1,4 tỷ đồng. Nổi tiểng bởi Chương là "hạt nhân" của Đội văn nghệ phạm nhân và là tác giả của nhiều ca khúc, nhiều vở kịch đầy tình người và khát vọng hướng thiện luôn cháy bỏng. Đó là Trần Hồng Chương - Đội trưởng đội văn nghệ phạm nhân.
Vết trượt dài của một cử nhân đại học
Giữa những người tù nhân đang ra sức luyện tập một tiết mục văn nghệ để chào mừng năm mới, Trần Hồng Chương tất bật hướng dẫn, uốn nắn từng động tác thật dẻo. Thế nhưng khi nhìn những bạn tù sắp sửa cởi bộ quần áo tù để trở về với xã hội, Chương lại đứng lui vào góc phòng trầm mặc. Gặp Chương, nếu không phải trong bộ áo sọc dọc, ít ai có thể ngờ rằng con người này lại có thể mang trên mình cái án “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” với mức án 24 năm tù. Chương khá kiệm lời khi chúng tôi nhắc đến quá khứ.
“Vì khát vọng đổi đời nhanh chóng, muốn thoát khỏi cái cảnh túng thiếu triền miên, tôi đã đánh mất quá nhiều thứ. Không chỉ là 24 năm tù đằng đẵng mà cả tương lai xán lạn của một cử nhân đại học và cả hạnh phúc gia đình, lòng tin yêu của tất cả những người thân yêu”, Chương mở đầu câu chuyện cuộc đời mình như thế.
Trần Hồng Chương sinh năm 1972 tại vùng quê nghèo Can Lộc (Hà Tĩnh). Cái vùng đất quanh năm nghèo khó và những bữa đói triền miên chính là động lực lớn nhất để thôi thúc gã thi đậu vào Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Thời sinh viên của Chương cũng trôi qua trong thiếu thốn nhưng được cái gã sáng dạ nên học hành khá ổn. Tốt nghiệp đại học với tấm bằng đẹp, Chương quyết định vào Sài Gòn lập nghiệp. Với bộ hồ sơ sáng chói, chẳng mấy khó khăn để gã chen chân vào được một cơ quan nhà nước ngang bộ, công tác ở một trung tâm văn hoá trực thuộc.
Gã nhớ lại, thời ấy cái gì gã cũng có, từ kiến thức, học thức đến sự liều lĩnh, táo bạo nhưng chỉ độc mỗi thứ quan trọng nhất là tiền thì gã lại cháy túi. Chàng trai tỉnh lẻ, lại mới chân ướt chân ráo bập bõm bước ra khỏi cánh cổng trường đại học nên cái gì cũng bỡ ngỡ, có trăm ngàn thứ để lo toan. Một công chức quèn, lương ba cọc ba đồng không đủ để chi tiêu vào hàng tá khoản phải cần đến tiền. Gánh nặng cơm áo gạo tiền khiến gã quay quắt trong tùng thiếu triền miên, nhất là khi cái gia đình con con của gã có thêm thành viên mới.
Và rồi, gánh nặng cơm áo quá sức chịu đựng của đồng lương công chức, được người quen gợi ý tham gia vào đường dây tổ chức đưa người ra nước ngoài trái phép. Cứ mỗi vụ trót lọt, số tiền “hoa hồng” gã được chia chác sẽ gấp cả chục lần tháng lương làm việc quần quật.
“Hồi đó trong đầu tôi không thể nghĩ được gì khác ngoài tiền. Cơ cực vì phải quay quắt với mấy đồng tiền tiêu vặt hằng ngày đã giục bước đôi chân dấn vào tội lỗi. Thế rồi, phi vụ đầu tiên trót lọt, cầm trong tay một đống tiền bằng cả năm làm việc của mình, tôi như người mộng du, cứ tiếp tục dấn vào. Đến khi không dừng lại được nữa thì bước chân vào đây”, Chương buồn bã nói.
Đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma, đường dây tổ chức đưa người đi nước ngoài bị vỡ lở cũng là khi những “đồng minh” của gã ôm tiền cao chạy xa bay. Những người không xuất ngoại được đã bấu víu vào “người nhà nước” là gã. Và khi số tiền 1,4 tỷ đồng không có khả năng thanh toán, Cơ quan điều tra vào cuộc. Với số tiền khổng lồ ấy (thời điểm năm 1998), Trần Hồng Chương bị kết án 24 năm tù giam về tội “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”
Khúc hát người lầm lỗi
Hơn 10 năm sống cách biệt với thế giới bên ngoài, bây giờ gã đã là một con người khác, nhiều suy tư và già dặn hơn khi nghĩ chuyện đời, chuyện người. Thời gian gã “nhập trại” cũng là khi Ban Giám thị trại giam có ý định thành lập một đội văn nghệ phạm nhân để phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho những người đã một thời lầm lỗi. Vốn có năng khiếu và kiến thức, lại đúng chuyên ngành của gã trước khi vào đây nên Trần Hồng Chương được tin tưởng giao trọng trách xây dựng phong trào. Từ bấy đến nay, gã luôn là một trụ cột không thể thiếu và phụ trách tất cả các khâu dàn dựng, biểu diễn và dẫn chương trình.
Đặc biệt, phần lớn các tiếu mục văn nghệ của đội đều do gã tự sáng tác và dàn dựng. Những đứa con tinh thần của Chương luôn thấm đẫm tình đời, tình người và khát vọng hướng thiện. Những bài hát do Chương sáng tác đã trở thành bài ca nằm lòng của nhiều phạm nhân, cứ như thể, gã đưa hết gan ruột của mình và của những phạm nhân khác mà trút vào từng câu, từng chữ như “Khúc hát người lầm lỗi”, “giữ trọn niềm tin”, “chuyện của tôi”, “tình nghĩa”…
"Là những người một thời lầm lỗi đi trong màn đêm lầm đường lạc lối/ Sau những cơn mê tỉnh dậy sẽ thấy sáng lên, trọn vẹn niềm tin đất nước còn ôm ta vào lòng/ Hỡi những người lầm lỗi/ Từ giã quá khứ hướng về tương lai/ Vẫn còn trong ta hơi ấm quê hương/ Và bao người thân nâng bước ta trên đường hoàn lương". Những ca từ thấm đẫm chất nhân văn và khát vọng hướng thiện trong bài “khúc hát người lầm lỗi" này đã được chính Trần Hồng Chương thể hiện và giành được giải cao trong Hội thi “Tiếng hát tình đời” được tổ chức tại Trại giam số 5 (Thanh Hóa) hồi tháng 7/2011.
Gã có một may mắn hơn bất cứ phạm nhân nào khác là được cầm bút, được cất lời ca và nhờ vậy mà có thể sáng tác. 14 năm ở trại, gã sáng tác được rất nhiều. Từ văn xuôi, thơ ca đến nhạc kịch, tất cả đều xoay quanh cuộc sống của đất trại, từ một cán bộ quản giáo tận tình chăm sóc phạm nhân bị nhiễm HIV/AIDS đang quằn quại, tuyệt vọng trong giai đoạn cuối đến cảnh người mẹ già lọ mọ khăn gói thăm gặp con ở trại giam… tất thảy đều là những lát cắt chân thực của cuộc sống ở trại giam dưới cái nhìn của một phạm nhân thiết sống.
Đứa con đầu của gã năm nay cũng đã 17 tuổi. Còn vợ gã, 14 năm qua vẫn vò võ chờ chồng. 14 năm của một người phụ nữ đang ở độ tuổi xuân sắc, Chương thương vợ ghê gớm nên quyết định giải thoát cho cô ấy. Nhưng người phụ nữ đã cùng Chương quăng quật ở Sài Gòn để kiếm kế sinh nhai và nay lại về Hà Tĩnh để được thỉnh thoảng sang thăm gặp chồng, nhất quyết không chịu sự sắp xếp ấy. “Cô ấy vẫn ở vậy nuôi con, hy vọng là mình vẫn còn cơ hội để bù đắp cho vợ con”, mắt Chương ầng ậc nước.
Bên cạnh những tác phẩm đẫm tình người, mặc dù đang ở độ tuổi sung sức nhất của cuộc đời nhưng Chương đã viết di chúc với tâm nguyện hiến thi thể của mình cho y học. "Tội lỗi của tôi quá lớn, bao nhiêu gia đình đã khánh kiệt, khốn cùng vì tôi. 14 năm ở tù chưa ngày nào tôi hết day dứt. Chỉ mong được hiến xác cho y học để bù đắp cho những lồi lầm đã qua và trả ơn cho đời", Trần Hồng Chương quả quyết.
Hoàng Lam