1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Nghệ An:

"Tự nguyện" nộp 2 triệu đồng để khai sinh cho con thứ 3

(Dân trí) - Mấy ngày gần đây, trên mạng xã hội lan truyền thông tin một người dân ở TP Vinh (Nghệ An) đi khai sinh cho con thứ 3 phải “tự nguyện” đóng khoản phí 2 triệu đồng thì mới được cấp giấy khai sinh,


Để được khai sinh cho con thứ 3, anh Đạt phải đóng 2 triệu đồng.

Để được khai sinh cho con thứ 3, anh Đạt phải đóng 2 triệu đồng.

Qua tìm hiểu được biết, đó là trường hợp của anh Trần Khắc Đạt (33 tuổi, trú phường Vinh Tân, TP Vinh). Chiều 9/5, trao đổi với PV, anh Đạt cho biết, ngày 8/5 anh đến UBND phường Vinh Tân để làm giấy khai sinh cho con trai thứ 3.

Khi anh đến Phòng Tư pháp - Hộ tịch của UBND phường Vinh Tân thì được cán bộ hướng dẫn sang gặp cán bộ phụ trách dân số, kế hoạch hoá gia đình để “thực hiện nghĩa vụ tự nguyện” và đóng 2 triệu đồng mới làm được giấy khai sinh cho con.

Cho rằng việc này không đúng quy định, anh Đạt đã yêu cầu làm rõ thì cán bộ phụ trách dân số, kế hoạch hoá gia đình đã đưa cho anh xem bản cam kết thực hiện chính sách dân số kế hoạch hoá gia đình; trong đó có mục nội dung "tự nguyện đóng 2 triệu đồng".

Để tránh mất thời gian nên anh Đạt đã đồng ý đóng tiền và ký vào bản cam kết để được cấp giấy khai sinh cho con.

Anh Đạt cho biết: "Họ đưa tôi xem bản cam kết. Vì sợ mất thời gian nên tôi đóng tiền để làm thủ tục giấy khai sinh cho con. Họ nói là tự nguyện, nhưng sao lại buộc phải đóng tiền thì mới được làm giấy khai sinh cho con?".

Để rõ hơn vấn đề này, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch UBND phường Vinh Tân - ông Nguyễn Hoàng Mạnh. Ông Mạnh cho biết, vấn đề người dân vi phạm kế hoạch hóa gia đình và họ phải "tự nguyện" nộp 2 triệu đồng vào Quỹ Dân số của phường là thực hiện Nghị quyết 170 HĐND tỉnh Nghệ An.

“Chúng tôi thực hiện trên tinh thần Nghị quyết HĐND tỉnh và khoản tự nguyện 2 triệu đồng đóng vào Quỹ Dân số phường chứ chúng tôi không phạt. Vấn đề này chúng tôi thực hiện chỉ đạo từ trên xuống”, ông Mạnh cho biết.


Số tiền 2 triệu đồng anh Đạt phải nộp cho phường.

Số tiền 2 triệu đồng anh Đạt phải nộp cho phường.

“Chúng tôi không có khái niệm hoặc ban hành giấy tờ gì liên quan đến người sinh con thứ 3 phải phạt cả. Nhưng mà ở Nghệ An đang thực hiện dựa trên Nghị quyết số 170 của HĐND tỉnh ban hành 10/7/2015. Chúng tôi vận động các cặp vợ chồng đang trong độ tuổi sinh đẻ cam kết không sinh con thứ 3 theo tinh thần Nghị quyết 170.

Trong cam kết đó chúng tôi có một điều mở (sau khi sinh thêm con thứ 3) thì các gia đình vi phạm cam kết phải đóng một khoản kinh phí tự nguyện vào quỹ dân số của địa phương. Tuy nhiên, khoản đóng góp đó thì tùy thuộc vào quy định của từng địa phương. Ở Nghệ An có 21 huyện thành, thị và thành phố nên cả 21 đơn vị này đều có quy định riêng đối với người sinh con thứ 3”, một cán bộ Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Nghệ An xác nhận với PV Dân trí.

Liên quan đến vấn đề trên, bà Dương Thị Bích Ngọc - cán bộ dân số, kế hoạch hoá gia đình phường Vinh Tân xác nhận và cho biết, không riêng gì gia đình anh Đạt mà các hộ trong diện sinh con thứ 3 trở lên đều được phổ biến quy định "tự nguyện" đóng khoản 2 triệu đồng.

Được biết, trong năm 2016, một số trường hợp không nộp khoản tiền "tự nguyện" nhưng sau đó vẫn được phường cấp giấy khai sinh cho con.

Cũng theo bà Ngọc, trong năm 2016, phường Vinh Tân có 28 cháu bé thuộc diện con thứ 3 trở lên. Tổng số tiền "tự nguyện" mà phường thu được là hơn 50 triệu đồng. Trong 4 tháng đầu năm 2017, phường đã có 9 cháu thuộc diện con thứ 3.

QUYẾT NGHỊ 170 của HĐND tỉnh Nghệ An ngày 10/7/2015:

Điều 1, mục 4 quy định hình thức xử lý vi phạm với các trường hợp sinh con thứ 3 trở lên:

a) Các đối tượng vi phạm chính sách DS-KHHGĐ thì xử lý theo quy định của pháp luật; theo bản cam kết thực hiện chính sách DS-KHHGĐ (hình thức cụ thể do UBND tỉnh quy định) và quy ước, hương ước của địa phương, tổ chức đoàn thể ở cơ sở; không được xem xét danh hiệu Gia đình văn hóa.

b) Tập thể và cá nhân Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có thành viên thuộc cấp quản lý trực tiếp vi phạm chính sách DS-KHHGĐ thì bị hạ loại thi đua và không xem xét danh hiệu đơn vị văn hóa trong năm có vi phạm.

Điều 4, mục 2 quy định kinh phí đảm bảo cho công tác DS-KHHGĐ: UBND xã, phường, thị trấn được tiếp tục quản lý và huy động nguồn lực đầu tư cho công tác DS-KHHGĐ từ các khoản xử phạt vi phạm hành chính về chính sách DS-KHHGĐ, khen thưởng, hỗ trợ của Nhà nước, đóng góp của các tổ chức, cá nhân theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Giao cho Ban DS-KHHGĐ xã, phường, thị trấn trực tiếp quản lý, sử dụng đúng quy định.

Nguyễn Duy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm