1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thanh Hóa:

Từ ngủ thăm đến… ngủ thật

(Dân trí) - Tục ngủ thăm là một nét đẹp văn hóa của nhiều dân tộc vùng cao xứ Thanh. Tuy nhiên, những năm trở lại đây tục ngủ thăm có nhiều biến tướng. Nhiều thiếu nữ miền sơn cước sau đêm ngủ thăm đã trở thành những người mẹ không chồng âm thầm nuôi con.

Mường Lát là huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa, nơi đây có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống như: Thái, Mông, Dao… Những bản làng xa xôi tại các xã Mường Lý, Trung Lý, Pù Nhi… phải mất cả ngày đường đi bộ mới tới được.

Từ ngủ thăm đến… ngủ thật
Những bản làng trên những ngọn núi cao chót vót của huyện Mường Lát đến nay vẫn còn lưu giữ tục ngủ thăm.

Xã Mường Lý được coi là nơi vẫn còn nhiều bản làng lưu giữ tục ngủ thăm nhiều nhất của huyện Mường Lát. Nằm cách xa trung tâm huyện hơn 30km, phải đi hết hơn nửa ngày đường mới có thể đến được trung tâm xã Mường Lý. Con đường đến trung tâm xã là vậy, để đến được những bản làng nằm ở xa còn khó khăn gấp nhiều lần.

Hầu hết, các bản của xã Mường Lý đều nằm ở trên những ngọn núi cao chót vót, các con đường để vào các bản này chỉ là những lối mòn nên không có phương tiện nào có thể đi được. Cán bộ xã, huyện muốn đến được với bà con nơi đây phải đi bộ mất cả ngày đường. 

Bản Trung Tiến là địa bàn cách xa trung tâm xã Mường Lý nhất, muốn lên được đến đây phải mất cả ngày đi bộ. Đây là bản có nhiều người Thái sinh sống, chiếm hơn 95%. Chính vì điều này mà tục ngủ thăm ở đây hầu như còn nguyên vẹn. Ban ngày lên đây, cuộc sống của người dân diễn ra bình thường, nhưng tối đến bản làng lại trở nên nhộn nhịp chẳng khác gì ở phố. Từng tốp thanh niên bản đi tán tỉnh các cô gái, rồi chọn nhà để ngủ thăm.

Từ ngủ thăm đến… ngủ thật
Ông Đinh Công Đại, Chủ tịch UBND xã Mường Lý bên đứa con gái nuôi của mình chính là hệ lụy từ tục ngủ thăm.

Ở đây, có những cô gái chỉ khoảng 14 - 15 tuổi đã có người tới chọc sàn ngủ thăm. Theo quan niệm về tục ngủ thăm của người Thái thì bất cứ ai cũng đều được ngủ thăm. Điều quan trọng nhất là làm sao mà chàng trai đó chinh phục được lòng cô gái rồi sau đó mới được đồng ý cho ngủ thăm.

Ngủ thăm là phong tục của bản làng, của dân tộc, là nét đẹp văn hóa riêng. Tuy nhiên ở một số vùng phong tục này đã có những biến tướng. Điều này được ông Đinh Công Đại - Chủ tịch UBND xã Mường Lý khẳng định: “Từ việc ngủ thăm dẫn đến hậu quả “ăn cơm trước kẻng” là có và rất phổ biến ở những bản làng xa xôi này”.

Ông Đại chia sẻ: “Tục ngủ thăm là một nét đẹp văn hóa của đồng bào vùng cao nơi đây. Từ nét đẹp văn hóa này mà đến nay đã có những hệ lụy khôn lường. Từ ngủ thăm thành…ngủ thật khiến cho rất nhiều cô gái có bầu, bị lây bệnh tật truyền nhiễm…Tục ngủ thăm đã gây ra những hậu quả đến mức đáng báo động. Chỉ trong năm 2012, cả xã có đến gần chục trường hợp ở các bản làng sau đêm ngủ thăm đã có bầu hay bị lây nhiễm bệnh truyền nhiễm…”.

Ông Đại chia sẻ về những biến tướng của tục ngủ thăm: “Trai gái khi mà đã nằm bên nhau trong màn đêm thì không thể nào mà tránh khỏi. Những cô gái dân tộc thì thường hay ngại ngùng lúc ban đầu, nhưng sau đó thì chẳng còn e ngại điều gì. Có nhiều cô gái mạnh dạn với đối phương. Chính vì điều này không tránh khỏi mang thai ngoài ý muốn”.

Để lấy dẫn chứng về hệ lụy của tục ngủ thăm, ông Đại chỉ tay về cô con gái nuôi mới hơn 4 tuổi của mình nói: “Cháu bé là hệ lụy do tục ngủ thăm đó. Một cô gái ở bản Nàng sau đêm ngủ thăm đã dính bầu của một chàng trai nơi khác và đã sinh ra cháu. Thấy cảnh người mẹ trẻ mà phải nuôi con, không biết bố là ai nên gia đình tôi nhận về nuôi để cho mẹ cháu đi lấy chồng chứ không khổ cả một đời con gái”.

Để đến được những bản làng đang còn tục ngủ thăm này phải đi bộ cả ngày đường mới tới nơi.
Để đến được những bản làng đang còn tục ngủ thăm này phải đi bộ cả ngày đường mới tới nơi.

Điều làm ông Đại lo lắng nhất là hiện nay trên địa bàn xã có nhiều công trình đang thi công, công nhân thường lợi dụng tục ngủ thăm của bà con đồng bào để làm những chuyện bậy bạ. Những người này vào bản tán tỉnh, rồi giả vờ yêu, ngủ thăm làm cho con gái bản có bầu, sau đó thì “chuồn” mất tăm.

Điều này được thể hiện rõ nhất là ở bản Trung Tiến 1. Hai năm trước có một cô gái đã ăn lá ngón tự vẫn cũng vì hệ lụy từ tục ngủ thăm. Ngày đó, cô gái Lường Thị D, sau đêm ngủ thăm đã bị dính bầu. Cha đứa trẻ là một thanh niên dưới xuôi lên làm công nhân cầu đường. Vì tin vào lời “ong bướm” của người đàn ông này mà D đã trao thân gái trong đêm ngủ thăm. Sau đó, D mang thai, nhưng người đàn ông ngủ thăm đêm đó đã bỏ về xuôi để mặc cô gái với cái bụng ngày càng to ra. Quá tủi nhục, D đã ăn lá ngón kết liễu đời mình cùng đứa con đang mang trong mình. Câu chuyện đau lòng này đến nay nhiều người ở đây vẫn còn nhớ mãi…

Thái Bá - Duy Tuyên