Tư liệu Hán Nôm qua 5 thế kỷ thể hiện Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam

(Dân trí) - PGS.TS Trịnh Khắc Mạnh (nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Hán Nôm) khẳng định, tài liệu viết bằng chữ Hán Nôm sớm nhất thể hiện chủ quyền của Việt Nam với 2 quần đảo là từ thế kỷ 17. Các tài liệu thu thập được đến nay phải chở bằng nhiều… xe tải nặng.

Tư liệu Hán Nôm qua 5 thế kỷ thể hiện Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam
Buổi giới thiệu sách được tổ chức trang trọng, đặc biệt thu hút sự quan tâm của dư luận do những diễn biến căng thẳng trên Biển Đông.
Ngày 3/6, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức cuộc họp báo giới thiệu cuốn sách “Một số tư liệu Hán Nôm về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở biển Đông”. Đây là cuốn sách do Viện nghiên cứu Hán Nôm thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam thực hiện.

Đây là kết quả nghiên cứu, triển khai đề tài Thư mục Hán Nôm về biển, đảo Việt Nam do Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam chủ trì thực hiện từ năm 2009 đến 2012 với 50 cán bộ tham gia biên soạn. Đề tài khảo sát toàn bộ kho sách Hán Nôm của Viện và tuyển chọn những đoạn ghi chép hoặc vẽ về biển, đảo thuộc chủ quyền Việt Nam trong lịch sử.
PGS.TS Trịnh Khắc Mạnh giới thiệu cụ thể từng tấm bản đồ được vẽ từ nhiều thế kỷ trước.
PGS.TS Trịnh Khắc Mạnh giới thiệu cụ thể từng tấm bản đồ được vẽ từ nhiều thế kỷ trước.
 
Bản thảo đề tài dài khoảng 3.000 trang đều là những tư liệu hết sức có giá trị, cung cấp căn cứ khoa học và pháp lý khẳng định chủ quyền đối với biển, đảo Việt Nam. Cuốn sách với gần 500 trang là một phần của công trình đó đã được tuyển chọn kỹ càng về tính khoa học và sự tiêu biểu của những tài liệu được công bố. Nội dung cuốn sách giới thiệu 46 đơn vị tư liệu Hán Nôm (là các bộ sử, tập bản đồ, địa chí, hội điển, văn bản hành chính…) trong đó có 18 bản đồ và 17 bộ sử khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
 
Cụ thể, đó là các tập bản đồ: “Nam Việt bản đồ,” “Địa đồ” (bản đồ vẽ thời Minh Mệnh), “Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư” (bản đồ do tác giả Đỗ Bá soạn vẽ năm 1686), tư liệu khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được ghi chép trong các bộ sử như “Đại Việt sử ký tục biên” (do chúa Trịnh Sâm sai biên soạn vào năm 1775), “Đại Nam nhất thống chí” (Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn)…
 
Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam Nguyễn Xuân Thắng cho biết, trước những căng thẳng ở Biển Đông, việc xác định biên giới, chủ quyền quốc gia là vấn đề quan trọng hàng đầu, nhất là trong tình hình hiện nay khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.
 
PGS.TS Trịnh Khắc Mạnh giới thiệu cụ thể từng tấm bản đồ được vẽ từ nhiều thế kỷ trước.
Rất nhiều bản đồ, thư tịch, tư liệu cổ bằng chữ Hán Nôm được Viện Viễn đông bác cổ lưu giữ trong thời Pháp thuộc.
 
Các tài liệu được công bố thể hiện rõ ràng Hoàng Sa, Trường Sa là hai quần đảo nằm ở biển Đông thuộc lãnh thổ Việt Nam do các triều đại nhà nước phong kiến Việt Nam quản lý. Hai quần đảo này từ rất lâu đã trở thành nơi cư dân Việt Nam sinh sống và khai thác sản vật, thành đối tượng ghi chép và nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam.
 
Căn cứ vào các tư liệu Hán Nôm, Việt Nam có đủ bằng chứng giá trị, chứng minh một cách thuyết phục về chủ quyền của nhà nước Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở biển Đông là của Việt Nam. Đây là những căn cứ vững chắc về lịch sử, về khoa học và về pháp lý về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
 
Thiên tải nhàn đàm, kí hiệu A.2006,
Thiên tải nhàn đàm, kí hiệu A.2006, vẽ Bãi Cát Vàng thuộc chủ quyền Việt Nam. Ảnh Tư liệu
 
Trao đổi với báo chí trong buổi giới thiệu sách, PGS.TS Trịnh Khắc Mạnh khẳng định việc phía Trung Quốc viện dẫn bản đồ 2.000 năm lịch sử của Trung Quốc để khẳng định tính pháp lý của đường 9 đoạn là hoàn toàn không có thật. Qua nghiên cứu, các nhà khoa học của Viện nghiên cứu Hán Nôm khẳng định là không có những bản đồ đó.  
 
Những bản đồ của phía Trung Quốc được in vào thời kỳ cận đại và đầu thế kỷ 20 đều vẽ biên giới của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam. Mới đây trong quá trình sưu tầm, ông Mạnh đã phát hiện một ấn bản sách giáo khoa tiểu học của Trung Hoa Dân Quốc cũng vẽ biên giới chỉ đến đảo Hải Nam.
 

Trong khi đó, những tài liệu của Việt Nam đề cập đến chủ quyền, tính thực thi pháp luật, khai thác tài nguyên của Nhà nước Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa là có rất sớm, hiện nay vẫn được lưu giữ. Ngay từ thế kỷ 17, những tài liệu Hán Nôm của Việt Nam đã đề cập đến vấn đề này rất nhiều.

P.Thảo