Tự “kiểm dịch” heo lậu
Thịt heo bày bán ngoài chợ đều có dấu kiểm dịch của ngành thú y. Nhưng một số nguồn thịt được đóng các con dấu này lại do các chủ lò giết mổ sử dụng bằng mộc giả để tự đóng
Ông Hoàng cầm cái mộc hình vuông nhanh tay ấn lên mặt miếng thịt. Thịt sau khi được đóng dấu có in dòng chữ K.S.G.M (kiểm soát giết mổ) và dòng chữ nhỏ hơn ở bên trên: “Chi cục Thú y TP.HCM”.
“Vô tư” đóng dấu
Hơn một năm nay, lò này mỗi ngày cho ra lò vài chục con heo được giết mổ hoàn chỉnh. Thương lái mua heo tại lò chỉ việc đến chọn heo là sau đó sẽ được làm thịt ngay. Bất kể heo lậu, heo bệnh từ khắp nơi đưa về, sau khi mổ xong đều được đóng mộc đã kiểm dịch của ngành thú y và công khai bày bán tại các sạp thịt ở các chợ lớn nhỏ, bỏ mối cho các nhà hàng, quán ăn... trong TP.
Ông Hoàng khẳng định: “Mộc này không phải ai muốn làm cũng được, không khéo đi tù như chơi. Phải là chỗ quen biết lắm mới có...”.
“Tâm lý người mua bây giờ rất sợ mua nhầm heo bệnh, heo lậu không rõ nguồn gốc. Do vậy có cái mộc đã kiểm dịch đóng ở trên thịt heo là “bửu bối” để khách yên tâm mua hàng” - ông ta nói thêm.
Ông Hoàng tiết lộ đường dây làm các con dấu kiểm dịch của thú y rất kín kẽ, thông thường do thương lái, chủ lò có mối quen là các tay chuyên khắc chạm dấu mới có thể đặt làm. Một con dấu kiểm dịch giả được đặt với giá trên dưới 10 triệu đồng. Ngay cả trong giới chủ lò heo thân cận với nhau cũng tuyệt đối không nói nơi nào đã làm con dấu cho mình vì sợ bị tố giác.
Tương tự, ông Hải, đầu nậu bỏ mối thịt heo quy mô lớn đã lâu năm ở khu vực chợ Đồng An 2, xã Thuận Hòa, Thuận An, Bình Dương, cũng luôn mang theo một con mộc màu đồng được khắc rãnh, mặt ngược của con dấu này có dòng chữ nổi: “Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai” và “Kiểm soát giết mổ”.
Con dấu kiểm dịch mà ông Hải đang sử dụng để tự “kiểm dịch” heo lậu - Ảnh: Khương Văn
Ông Hải nói: “Mộc này tui đặt một mối quen ở chợ Tam Bình, Q.Thủ Đức làm. Giống như đúc mộc của bên ngành thú y. Ngay cả khi heo bày bán ở chợ, lực lượng kiểm tra có đến cũng khó phát hiện đây là con dấu giả. Bất kể heo có nguồn gốc ở đâu đưa về, tui chỉ cần đóng mộc vào là tung ra thị trường bán trót lọt cả”.
Cũng theo ông này, một số lò khác cũng đặt con dấu kiểm dịch tại địa chỉ trên nhưng “họ chỉ nhận làm cho người quen biết hoặc có giới thiệu của các mối cũ. Dạo này giấy kiểm dịch được bán khống bị phát hiện nhiều quá nên các lò chuyển qua sử dụng đóng mộc kiểm dịch để dễ qua mắt khách hàng. Do vậy giá làm con dấu giả này lên đến hàng chục triệu đồng một cái”.
Trong khi đó hai lò mổ gia súc của ông Thước ở chợ Khiết Tâm, khu phố 5, P.Bình Chiểu, Q.Thủ Đức cũng với quy trình khép kín tự nhập heo lậu giết mổ rồi tự kiểm dịch và tuồn ra thị trường nguồn thịt từ vài chục con heo tại các chợ ở Bình Dương, TP.HCM...
Ông Thước nói: “Heo lậu, mổ lậu thiệt nhưng giấy tờ kiểm dịch đầy đủ hết. Việc mua giấy kiểm dịch quá dễ dàng, báo chí đã lên tiếng, chưa chắc người mua đã tin. Nhưng quan trọng là mình có luôn mộc kiểm dịch hẳn hoi của ngành thú y trên thịt thì khách làm sao còn nghi ngờ được”.
Trong lúc trò chuyện, thợ của lò khiêng một con heo vừa giết vào để pha (chặt ra) từng miếng nhỏ cho lái buôn tới lấy. Con heo gần một tạ được cạo lông sạch bóng. Ông Thước nói: “Đấy, loạt heo này tui mua dưới miền Tây về đâu cần kiểm dịch gì, nhưng nếu khách mua nhiều hay ít thì tui đều có thể cấp giấy chứng nhận kiểm dịch.
Sau khi giết xong, tui bao luôn việc đóng dấu kiểm dịch cho heo, mặc sức mà bán. Dịp cuối năm này ngành chức năng kiểm tra rất kỹ nguồn thịt heo bán ở các chợ, có được mộc này là qua cửa hết”. Cũng theo ông Thước, tùy thuộc yêu cầu của thương lái, lò của ông đều có thể đóng “dấu vuông hay lăn tròn” theo đúng quy chuẩn của ngành thú y.
Đủ chiêu đối phó
Vào dịp cuối năm như hiện nay, nhu cầu cung cấp thịt heo cho thị trường tăng cao, khá nhiều lò mổ tìm đủ mọi cách để “hợp thức hóa” nguồn heo lậu và cả heo bệnh. Theo tìm hiểu của chúng tôi, lò Út Hữu (ấp Tân Phú 1, Tân Bình, Dĩ An, Bình Dương) là một cơ sở có giấy phép hoạt động và có công suất giết mổ khá lớn. Mỗi ngày, trung bình tại đây giết mổ gần 200 con heo.
Ông Chính, một lái heo của lò này, khẳng định: “Heo tụi tui đi mua các nơi về chẳng cần kiểm dịch, cứ báo số lượng bao nhiêu cho bên thú y rồi cho vào chuồng tới đêm là giết mổ. Còn nếu khách cần đóng dấu thì cũng sẽ được đáp ứng”.
Còn tại lò giết mổ heo lậu Tính, đường Phạm Văn Bạch, P.15, Q.Tân Bình, TP.HCM, cảnh giết mổ heo diễn ra rất nhộn nhịp mỗi ngày ở phía sâu bên trong căn nhà. Bên ngoài, lò này được “ngụy trang” chỉ là một căn nhà đóng cửa khá im ắng để qua mắt các cơ quan chức năng. Màn giết mổ diễn ra rất nhanh chóng, tất cả đều được ném bừa bãi ra sàn nhà nhầy nhụa. Ông Tính huỵch toẹt: “Tui mổ lậu thì làm gì có giấy kiểm dịch hay con dấu kiểm dịch hợp pháp. Nhưng nếu cần vẫn có thể có được con dấu để tạo yên tâm cho khách hàng”.
“Vô tư” hơn, ông Đỉnh, chủ lò mổ heo lậu nằm trong hẻm thuộc đường Tân Kỳ Tân Quý (P.Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân), nói ông đã mổ heo lậu cả chục năm nay, chẳng cần giấy tờ gì, mổ bao nhiêu bán hết bấy nhiêu cho các đầu mối, có khi còn không đủ hàng.
“Cứ yên tâm đi, muốn có dấu kiểm dịch sẽ có ngay. Nhưng nếu khách hàng bán thịt ở khu vực Q.Bình Tân thì tui bao hàng luôn mà không cần con dấu hay giấy tờ gì cả. Khi có người kiểm tra giấy tờ, ông cứ nói lấy heo của tui là biết”.
Kiểm tra, xử lý việc sử dụng mộc giả Ông Nguyễn An Hòa - phó chánh thanh tra Chi cục Thú y TP.HCM - khẳng định như vậy khi xem những hình ảnh, thông tin về các lò mổ gia súc sử dụng con dấu để đóng lên thịt heo do Tuổi Trẻ cung cấp. “Chúng tôi xác định đây là con dấu giả và đây là hình thức giết mổ trong cơ sở không giấy phép” - ông Hòa nói. Theo ông Hòa, con dấu kiểm soát giết mổ về quy cách, nội dung phải theo quy định của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Con dấu này do chi cục thú y quản lý và được đăng ký với cơ quan công an theo quy định. Tại các cơ sở giết mổ gia súc hợp pháp, có cán bộ thú y thực hiện công tác kiểm soát giết mổ, chỉ có cán bộ thú y mới là người trực tiếp đóng dấu kiểm soát lên thịt heo đủ tiêu chuẩn vệ sinh thú y. “Từ thông tin này, chúng tôi sẽ báo ngay với đoàn kiểm tra liên ngành của địa phương (gồm nhiều cơ quan như cảnh sát kinh tế, quản lý thị trường, thú y, y tế, môi trường...) để thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm khắc tình trạng trên” - ông Hòa cho biết. |
Theo Khương Văn - Ngọc Khải
Tuổi Trẻ