1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Từ hôm nay, tài xế sử dụng điện thoại khi lái xe bị phạt tới 2 triệu đồng

(Dân trí) - Nghị định 100/2019 của Chính phủ có hiệu lực từ hôm nay (1/1/2020) quy định phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng đối với người điều khiển xe ô tô, các loại xe tương tự xe ô tô, dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị định 100/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt thay thế Nghị định 46/2016 của Chính phủ với nhiều điểm mới. Đáng chú ý, Nghị định mới quy định tăng nặng mức xử phạt đối với hành vi sử dụng điện thoại khi lái xe với mức cao nhất lên đến 2 triệu đồng.

Cụ thể: Điểm a Khoản 4 Điều 5 của Nghị định quy định: Phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường. Cũng hành vi này, Nghị định 46/2016 trước đây chỉ phạt tiền từ 600.000 - 800.000 đồng.

Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm mà gây tai nạn giao thông sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng.

Từ hôm nay, tài xế sử dụng điện thoại khi lái xe bị phạt tới 2 triệu đồng - 1

Sử dụng điện thoại khi đang điều khiển xe ô tô sẽ bị phạt tới 2 triệu đồng (ảnh minh họa)

Đối với xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy, Nghị định mới xử phạt tiền từ 600.000 - 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe sử dụng ô (dù), điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính. Hành vi này tại Nghị định 46/2016 chỉ phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng. Thực hiện hành vi này mà gây tai nạn giao thông sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có hơn 1,25 triệu người thiệt mạng và từ 20 đến 50 triệu người khác bị thương do TNGT. Những người thường xuyên sử dụng điện thoại có nguy cơ gặp tai nạn cao gấp 4 lần so với những người tập trung điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Trước đó, Bộ Công an đề xuất xây dựng Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ và có nội dung cấm tài xế sử dụng điện thoại khi điều khiển ô tô.

Cũng trong Nghị định 100 vừa ban hành, lần đầu tiên Chính phủ quy định mức phạt đối với người đi xe đạp, xe đạp điện vi phạm nồng độ cồn; với mức phạt 80.000 đến 100.000 đồng khi lái xe có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.

Nghị định quy định xử phạt từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng khi người đi xe đạp, xe đạp điện có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở; từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất (mức 3), Nghị định phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX 22 - 24 tháng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Nghị định 46/2016 trước đây quy định xử phạt từ 16 - 18 triệu đồng và tước GPLX 4 - 6 tháng.

Đối với người điều khiển xe mô tô từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng. Người điều khiển xe đạp, xe thô sơ từ 400-600 ngàn đồng. Đối với người điều khiển ô tô mà trong cơ thể có chất ma túy Nghị định tăng mức phạt tương tự.

Châu Như Quỳnh