Từ 20/5, áp dụng mức phạt giao thông “tăng nặng”
(Dân trí) - Từ 20/5, một số vi phạm về giao thông nói chung sẽ bị áp dụng mức phạt mới nặng hơn so với hiện hành. Riêng với Hà Nội và TPHCM sẽ thí điểm áp dụng mức phạt cao hơn mức phạt chung từ 40 - 200%…
Nghị định 34/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ vừa được Chính phủ ban hành. Nghị định có một phần riêng áp dụng thí điểm tại khu vực nội thành của Hà Nội và TPHCM.
Theo đó, tại nội thành của 2 thành phố này, lái xe vượt đèn đỏ, lái ôtô khi có nồng độ cồn vượt mức cho phép sẽ bị xử phạt từ 1 triệu đến 1,4 triệu đồng (mức chung là 600.000 - 800.000 đồng). Lái xe ô tô đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định cũng sẽ bị phạt 1 - 1,4 triệu (mức chung là 600.000 - 800.000 đồng).
Mức xử phạt từ 1,4 - 2 triệu đồng (tăng gần gấp đôi so với mức chung) trong trường hợp lái xe có các hành vi như: cho xe chạy trong hầm đường bộ không sử dụng đủ đèn chiếu sáng; lùi xe, quay đầu xe trong hầm đường bộ; đi vào đường cấm, khu vực cấm, điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10 km/h đến 20 km/h...
Các hành vi dừng xe, đỗ xe tại các vị trí như bên trái đường một chiều, song song với một xe khác đang dừng, đỗ hoặc dừng tại điểm dừng đón, trả khách của xe buýt cũng có thể bị xử phạt từ 600.000 đồng đến 1 triệu đồng (mức chung từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng) và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 30 ngày.
Các hành vi đỗ xe trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước; đỗ xe nơi có biển cấm dừng, cấm đỗ; để xe ở lòng đường, hè phố thậm chí quay đầu xe trái quy định; trả hành khách tại nơi cấm dừng, cấm đỗ… cũng bị phạt từ 600.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Người điều khiển xe máy vi phạm giao thông tại nội thành Hà Nội có thể bị phạt tới 500.000 đồng (Ảnh minh họa: HNM)
Đối với xe máy, phạt từ 300.000 - 500.000 đối với các hành vi: không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; điều khiển xe chạy tốc độ thấp mà không đi bên phải phần đường xe chạy gây cản trở giao thông; điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10 km/h đến 20 km/h.
Mức phạt này cũng áp dụng với các hành vi: không tuân thủ hướng dẫn của người điều khiển giao thông khi qua phà, cầu phao hoặc nơi ùn tắc giao thông; không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông; không nhường đường hoặc gây cản trở xe ưu tiên.
Đối với người đi bộ, có thể bị phạt từ 80.000 - 120.000 đồng khi mang, vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông; vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn; đu, bám vào phương tiện giao thông đang chạy.
Cũng theo Nghị định, nếu người đi bộ không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường hoặc hiệu lệnh của người điều khiển giao thông cũng sẽ bị xử phạt lên tới 80.000 đồng.
Việc thí điểm mức phạt mới tại khu vực nội thành của Hà Nội, TPHCM được thí điểm trong thời gian 36 (ba mươi sáu) tháng kể từ ngày 20/5/2010. UBND 2 thành phố này quy định cụ thể phạm vi khu vực nội thành của đô thị loại đặc biệt để thực hiện việc thí điểm.
Hàng năm, Bộ Giao thông Vận tải chủ trì phối hợp với Bộ Công an, Ủy ban nhân dân các thành phố là đô thị loại đặc biệt báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện thí điểm. Kết thúc thời hạn thí điểm, tổ chức tổng kết đánh giá việc thực hiện thí điểm và báo cáo Chính phủ đề xuất chủ trương thực hiện tiếp theo.
Nghị định 34/2010/NĐ-CP cũng đưa ra khung chế tài mạnh hơn đối với các vi phạm về giao thông nói chung.
Chẳng hạn, người điều khiển ô tô không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông như vượt đèn đỏ sẽ bị phạt từ 600.000 - 800.000 đồng (mức cũ là 200.000 - 400.000 đồng).
Người điều khiển mô tô bị phạt 60.000 - 80.000 đồng nếu không mang theo giấy đăng ký xe hoặc giấy phép lái xe. Bị phạt nặng hơn, từ 80.000 - 120.000 đồng, nếu không có hoặc không mang giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực.
Việc đội mũ bảo hiểm không cài quai đúng quy định khi đi xe máy cũng bị phạt từ 100.000 - 200.000 đồng. Người điều khiển, người ngồi trên xe đạp máy không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ không cài quai đúng cách cũng bị phạt, từ 100.000 - 200.000 đồng.
Kim Tân