Truyền nhân “Bát quái côn” trong giới võ thuật cổ truyền Việt Nam
“Bát quái côn” đã trở thành một trong 10 bài quyền bắt buộc tại các cuộc thi quyền của võ cổ truyền Việt Nam sau một cuộc nghiên cứu, bình chọn rất cẩn trọng của gần 100 võ sư, huấn luyện viên tại Hội nghị chuyên môn toàn quốc lần thứ 3 do Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam tổ chức ở TP Hồ Chí Minh cuối 4-1995.
Vượt qua giới hạn nội tộc từ thời xa xưa,“Bát quái côn” đã trở thành một trong 10 bài quyền bắt buộc tại các cuộc thi quyền của võ cổ truyền Việt Nam sau một cuộc nghiên cứu, bình chọn rất cẩn trọng của gần 100 võ sư, huấn luyện viên tại Hội nghị chuyên môn toàn quốc lần thứ 3 do Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam tổ chức ở TP Hồ Chí Minh cuối 4-1995.
1. Tình cờ nghe đến bài quyền “Bát quái côn” với nhiều tình tiết giàu sức hấp dẫn sau cuộc trò chuyện bên ly cà phê với một bậc “lão làng” trong giới võ cổ truyền Việt Nam, tôi tìm về thôn Mỹ Thạnh Đông, xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên để gặp võ sư (VS) Trương Hùng – người được coi là truyền nhân chính thức và đã có công quảng bá “Bát quái côn” trong giới võ thuật cổ truyền Việt Nam.
Sau vài phút trầm tư, VS Trương Hùng kể lại: “Bậc sư tổ đã truyền dạy bài quyền “Bát quái côn” là cụ Hoàng Dền, quê ở Nghệ An, ông còn có tên gọi khác là Huỳnh Sáu. Cách đây hơn bảy thập kỷ, trong hành trình vào phương Nam mưu sinh giữa năm 1945, chàng trai Hoàng Dền lúc bấy giờ đã dừng lại làng quê phía tả ngạn hạ lưu sông Đà Rằng.
Khi đó ông kết duyên với một cô gái chân quê ở nơi này, là cô ruột của tôi - bà Trương Thị Thanh, người con thứ sáu của cụ Trương Đống ở thôn Đông Phước, xã Hòa An, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên bây giờ. Theo lời kể của cha và chú tôi thì từ thời xưa, cụ Dền đã từng học ở trường võ Thiếu Lâm Tự bên Trung Quốc.
Với khả năng ứng biến nhanh nhạy, thể lực tốt nên chẳng bao lâu ông trở thành một võ sĩ có kỹ năng cao cường, lão luyện, nội công thâm hậu. Trong thời gian dài mấy chục năm sinh sống ở vùng quê Hòa An, ban ngày ông cùng người vợ lặng lẽ mưu sinh bằng nghề trồng dâu, ươm tơ, dệt lụa, ban đêm mở lò võ để truyền dạy nhiều bài quyền thế, binh khí cho một số võ sinh là thanh niên trong làng nhưng tuyệt nhiên không hề đề cập đến bài quyền “Bát quái côn”.
Mãi đến sau này - khi đã nhập môn võ cổ truyền từ người thân hơn chục năm, tôi mới biết trong số những bài quyền thế nổi bật như “Bát quái côn”, “Bát quái kiếm”, “Dương hoa côn”, “Lệ hoa thương”, “Song long kiếm”, “Long vương xuất thế”…
Chỉ tay về phía bức vách trưng bày hình ảnh, văn bằng chứng nhận chuyên môn võ thuật, VS Trương Hùng kể tiếp: “Tôi đến với nghiệp võ năm mười tuổi nhưng không thụ giáo từ cha ruột là Trương Ngổ, mà chú ruột Trương Hường là người trực tiếp truyền dạy những bài võ đã học của cụ Hoàng Dền bằng tất cả tâm huyết và khát vọng bảo tồn bài quyền “Bát quái côn” trong nội tộc. Với niềm đam mê võ thuật kết hợp với những nỗ lực khổ luyện, đến ngày 11-12-2011 tôi đã được Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam cấp bằng VS”.
Cho tới nay đã gần chín thập kỷ trôi qua nhưng những câu chuyện về cố VS Trương Hường – cây đại thụ trong làng võ cổ truyền ở Phú Yên vẫn được truyền tụng trong giới võ thuật bằng sự kính phục tài năng và tinh thần võ sĩ đạo của ông gắn liền với nhiều bài quyền thuật, binh khí, trong đó có “Bát quái côn”. Giới võ cổ truyền ở Phú Yên từng kể rằng, vào tầm giữa năm 1930, ông Trương Hường bước lên sàn đài với tư cách võ sĩ khi mới 16 tuổi nhưng đã “hạ gục” nhiều võ sĩ tên tuổi đến từ một số tỉnh, thành ở miền Trung lúc bấy giờ.
Những năm đầu thập kỷ 60, Bảy Cọp là võ sĩ nổi tiếng ở miền Nam, từng “hạ gục” nhiều võ sĩ cứng cựa trên sàn đài. Có lẽ vì thế nên Bảy Cọp luôn tỏ thái độ ngạo mạn, tự coi mình là người không có đối thủ.
Chạm tự ái khi vấp phải cá tính của Bảy Cọp, VS Trương Hường tự tin và bản lĩnh khi bước lên sàn đài với 10 hiệp đấu theo quy định. Tài năng và sự khổ luyện của ông đã khiến cho Bảy Cọp rơi xuống khỏi sàn đài ở hiệp thứ 6 bởi cú “Song long cước” hết sức ngoạn mục.
Lần khác, Sư đoàn Mãnh Hổ của Đại Hàn tổ chức thi đấu võ đài biểu diễn ở sân vận động Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên để tạo uy thế cho môn võ Taekwondo. Trận đấu vừa khép lại, đám binh lính, sĩ quan kéo nhau lên một quán giải khát ở công viên Diên Hồng dưới chân núi Nhạn – nay thuộc địa bàn phường 1, TP Tuy Hòa.
Chứng kiến hình ảnh họ ngồi hí hố, lớn tiếng tự bốc phét với nhau về trình độ võ thuật của người này, kẻ kia trong môn phái Taekwondo nhưng lại giở chiêu “quỵt nợ” mấy chai Coca của người chủ quán hiền lành, ông Trương Hường ngồi cạnh đó không kiềm chế nổi cơn bực tức nên túm cổ một gã ngạo mạn nhất để dằn mặt.
Bị quê mặt, gã lính cao to rút dao lê ra đâm, nhưng ông Hường đã kịp né tránh bằng một động tác rất nhẹ nhàng rồi bất ngờ tung thế “Song hầu triệt chưởng” khóa tay đối phương nhanh gọn, khiến đám lính Mãnh Hổ phải nể phục.
Trước đó, vào năm 1969, với bài quyền “Bát quái côn” và một số thế võ khác, ông Trương Hường đã “hạ gục” một võ sư Tam đẳng Thái cực đạo người Đại Hàn đang dạy võ cho đám sĩ quan Mỹ ở sân bay quân sự Đông Tác lúc bấy giờ– nay là sân bay hàng không dân dụng Tuy Hòa.
Huấn luyện viên Trương Dương - con trai của cố VS Trương Hường biễu diễn “Bát quái côn”.
Có thể nói trong “Thập bát ban võ nghệ” mà sư phụ tôi truyền dạy, nhiều đệ tử tỏ ra lo ngại khi luyện “Bát quái côn” vì bài quyền này có nhiều đòn thế phức tạp. Riêng tôi thì đam mê “Bát quái côn” bởi sự biến hóa phong phú, đa dạng mà hiểm hóc và dễ dàng gây ra bất ngờ cho đối phương”.2. VS Trương Hùng chia sẻ: “Trong những bài võ đã thụ giáo từ cố VS Trương Hường được truyền dạy bởi cụ Hoàng Dền, “Bát quái côn” là bài quyền có nét độc đáo chuyên biệt đã khiến tôi luôn say mê và trăn trở nhiều năm liền trước khi “trình làng” trong giới võ cổ truyền Việt Nam.
Mới nghe thấy tưởng chừng đơn giản lắm, nhưng muốn học được bài quyền này một cách trọn vẹn thì người nhập cuộc phải đến với nghiệp võ ít nhất từ năm đến bảy năm, phải có niềm đam mê, kiên tâm, chuyên luyện và phải có thể lực, công lực thật tốt may ra mới thành đạt.
Chính vì vậy, “Bát quái côn” được đánh giá là bài quyền khó học và khó thuộc nhất trong 10 bài quyền cơ bản thống nhất toàn quốc. Khi đã học được rồi, nếu không chuyên luyện thường xuyên rất dễ quên.
Theo VS Trương Hùng, có hai nét độc đáo của “Bát quái côn”. Một là lấy nghịch chế thuận, nên khi bị phản công, đối phương dễ trúng đòn hiểm bất ngờ. Hai là người tinh thông bài quyền này có thể vận dụng hiệu quả trong trường hợp chạm trán vài ba đối thủ.
Ngoài VS Trương Hùng còn có huấn luyện viên Trương Dương, Trương Vương Nguyên – con trai của cố VS Trương Hường, rất tinh thông nghệ thuật “Bát quái côn”.
Theo VS Trương Hùng, khi tư tưởng võ thuật nội tộc đã “cởi trói” thì “Bát quái côn” được truyền dạy cho một số môn sinh có đẳng cấp, nhưng do tính phức tạp của bài võ và yêu cầu kỹ thuật cao nên không ít người thiếu kiên tâm đã phải bỏ cuộc giữa chừng.
Theo Hữu Toàn
Công an nhân dân