1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Truy tố về tội suy đồi đạo đức

(Dân trí) - Bản cáo trạng thứ nhất: Đơn của một công dân tố cáo Phó viện trưởng Viện kiểm sát của một quận, mặc sắc phục của ngành ngồi uống bia ôm. Khủng khiếp hơn là trong bàn tiệc có màn bắt tiếp viên thay nhau khỏa thân nhảy múa, trác táng đến thế là cùng.

Một quan chức công tác trong ngành bảo vệ pháp luật, được giao nhiệm vụ truy tố các hành vi phạm tội của công dân, người chấp pháp lại có hành vi phạm pháp, có lối sống sa đọa như vậy, thử hỏi còn tâm đâu nữa, tài đâu nữa để nhân danh pháp luật chấn chỉnh kỷ cương phép nước.

Sinh mệnh chính trị, sức khỏe, danh dự và sự tự do của con người, nếu rơi vào bàn tay quyền lực của những vị quan này, quả thực quá mong manh.

Bản cáo trạng thứ hai: Thầy phó trưởng khoa báo chí của một trường cao đẳng, ép học trò hiến thân cho mình để đổi lấy điểm thi một môn học. Đơn tố cáo của cô nữ sinh này chất chứa nhiều nỗi bức xúc, người ta có thể thấy được rất nhiều nước mắt nén chặt trong từng câu chữ.

Không khóc sao được, khi những thầy giáo lại đi “cưỡng hiếp” học trò của mình, khi hình ảnh người thầy đáng kính trở thành một con yêu râu xanh. Những giọt nước mắt của cô nữ sinh không chỉ khóc cho nỗi đau của riêng mình, mà đang khóc cho một nền đạo đức bị tuột dốc thảm hại.

Sinh viên bước vào giảng đường bảng đen phấn trắng với ước mơ được giáo dục, rèn luyện để thành người. Thầy cô giáo là người trực tiếp làm công việc thiêng liêng đó, là tấm gương sáng về đạo đức, nhân cách cho học trò noi theo. Nhưng không ít người đã lấy tiền của học trò, bán bằng cấp, không cần biết học trò là ai, chỉ biết cầm tiền là cho điểm, cho bằng.

Tha hóa và vô lương tâm hơn, ép nữ sinh hiến thân lấy điểm. Những người thầy này đã tước đoạt đi niềm tin của thế hệ trẻ và hủy hoại thanh danh của một nghề nghiệp cao cả.

Hai lá đơn tố cáo trên thuộc hai đối tượng khác nhau, là hai bản cáo trạng khác nhau nhưng cùng truy tố một tội - suy đồi đạo đức xã hội. Hai vị bị tố cáo trên chỉ là hai cá nhân cụ thể của sự suy đồi.

Pháp luật hiện hành có thể điều chỉnh hành vi vi phạm của ông thầy và ông quan này, nhưng sự suy đồi đạo đức xã hội thì không pháp luật nào can thiệp được.

Lê Chân Nhân