Truy tố đại tá quân đội “lỡ tay” bắn chết người
(Dân trí) - Viên đạn từ khẩu K59 của vị đại tá quân đội về hưu khiến người đàn ông lạ mặt gục chết. Với sự giúp tay của người hàng xóm là trung tá công an, xác người xấu số được đưa khỏi hiện trường, khẩu súng gây án bị tháo nòng, vứt xuống sông. Vụ nổ súng được xoá dấu vết.
Theo kết quả xác minh của cơ quan công an, khoảng 2h sáng 30/8/2005, ông Lê Văn Kiền (đại tá quân đội về hưu, quận Ngô Quyền, Hải Phòng) thấy có người kéo cửa sổ nhìn vào trong nhà. Nghi là kẻ trộm, ông cầm khẩu K59 chạy lên ban công tầng 2, trèo sang nhà hàng xóm quan sát và nổ súng. Người đàn ông lạ mặt lảo đảo, chạy được vài mét thì gục ngã.
Thấy người này đã chết, viên đạn xuyên trúng vai, ông Kiền gọi người hàng xóm Nguyễn Văn Dũng (trung tá, cảnh sát kinh tế Công an Hải Phòng), nói: “Ngoài ngõ có một thằng nghiện bị sốc thuốc đã chết, nhờ chú chở xác đi nơi khác để sáng mai đỡ ảnh hưởng tới tâm lý hàng xóm”.
Giữa đêm tối, hai người đàn ông chở người chết bằng xe máy ra con mương ở gần đó. Ông Kiền bê xác nạn nhân đặt tại bờ mương, thi thể rơi ngay xuống dưới vì bờ mương quá dốc. Sau đó, ông bảo ông Dũng đưa về nhà.
Tại hiện trường, ông Kiền nhanh chóng thu dọn vỏ đạn và lau chùi dấu tích. Khẩu súng được tháo nòng, mang về quê vợ vứt xuống sông. Chiều 30/8/2005, tại con mương, xác người đàn ông được nhân dân phát hiện. Đó là Dương Trọng Lưu, 37 tuổi, trú quận Ngô Quyền, Hải Phòng.
Gần 40 ngày sau, 6/10/2005, ông Kiền và vợ đến Công an quận Ngô Quyền tự thú. Theo khai nhận, khẩu súng gây án được ông cất từ năm 1974, do đồng đội tặng.
Xác minh vai trò của viên công an trong vụ án, Cơ quan điều tra Công an Hải Phòng nhận định, ông Dũng không biết nạn nhân chết do bị bắn. Bản thân ông Dũng là người cầm lái, cũng không trực tiếp vứt xác nạn nhân xuống mương. Hành vi của người này có dấu hiệu của tội che giấu tội phạm nhưng chưa cấu thành.
Hơn nữa, khi được ông Kiền nói lại sự thật, ông Dũng đã động viên ông đại tá ra đầu thú; đồng thời tích cực cùng cơ quan điều tra làm rõ vụ án. Do vậy, Công an Hải Phòng không truy cứu trách nhiệm hình sự với ông Dũng. Tuy nhiên, trách nhiệm của viên trung tá khi thấy có người chết không trình báo cơ quan chức năng, lại tham gia chở xác (dù tin là chết do sốc ma túy) đi phi tang, đã không được các cơ quan tố tụng Hải Phòng xem xét.
Còn với ông Kiền, cơ quan điều tra cho rằng lời khai súng bị cướp cò là không có cơ sở. Một tháng sau kết luận của công an, tại cáo trạng ký ngày 17/8/2006, VKSND Hải Phòng nhận định, ông Kiền tham gia quân đội nhiều năm, sử dụng súng thành thạo, vì vậy không chấp nhận lời khai súng bị cướp cò. Theo VKS, đủ tài liệu kết luận, anh Lưu chết là do ông Kiền dùng súng bắn. Từ những phân tích trên, VKS ra quyết định truy tố ông Kiền về 2 tội giết người và tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng.
Tuy nhiên, 8 tháng sau (tháng 2/2007), VKSND Hải Phòng ra cáo trạng khác, nội dung vụ án giữ nguyên nhưng quan điểm về nguyên nhân viên đạn găm vào người anh Lưu lại thay đổi. Tội danh truy tố giết người giờ được chuyển sang sử dụng trái phép vũ khí quân dụng.
Nhận định “anh Dương Trọng Lưu bị chết là do Lê Văn Kiền dùng súng ngắn quân dụng K59 bắn” được thay bằng “Lê Văn Kiền lên đạn, làm súng nổ dẫn đến việc anh Lưu bị chết do trúng đạn”. Tại bản cáo trạng mới, VKS Hải Phòng đánh giá, tài liệu điều tra không chứng minh được mục đích giết người của Lê Văn Kiền, do vậy không truy tố về tội này.
Phương Thảo