1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Truy tố 8 kẻ "câu" lao động sang Malaysia lừa tiền

Với "chiêu bài" đưa lao động sang nước ngoài làm việc theo đường du lịch, đường dây lừa đảo này đã nhận 1.500 - 2.500 USD/người rồi bỏ mặc họ bơ vơ không tiền bạc, giấy tờ nơi đất khách, quê người.

VKSNDTC vừa tống đạt cáo trạng truy tố thêm 8 bị can trong vụ "Lừa đảo người lao động sang Malaysia làm việc"  mà kẻ cầm đầu là Đào Phong Nhã với tội danh "Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản".

8 bị can là Phạm Thị Mý (SN 1951), Quách Trọng Ba (SN 1947), Khúc Thị Thuận (SN 1949), Đỗ Mạnh Tuấn (SN 1963), Hồ Sỹ Hùng (SN 1982), Dương Văn Chiến (SN 19970), Nguyễn Thị Bích Thuỷ (SN 1969) và Chu Thị Thuý Hằng (SN 1972).

Từ "bay" đường du lịch...

Lợi  dụng quy định người Việt Nam sang Malaysia du lịch không phải xin visa nhập cảnh, trong lúc nhu cầu xuất khẩu lao động tăng vọt tại Việt Nam, Phạm Thị Mý và vợ chồng Đào Phong Nhã, Quách Trọng Ba (nguyên là cán bộ CA) đã tổ chức đường dây lừa đảo đưa người đi lao động tại Malaysia. Đường dây này đã móc nối với một số đối tượng người Malaysia như Hamit, Halim làm nhiệm vụ đón người lao động tại sân bay và đưa về chỗ ở tại Malaysia.

Đường dây lừa đảo này "giăng lưới" tại nhiều tỉnh thành, trực tiếp tuyển lao động hoặc cấu kết với nhiều đối tượng ở các địa phương này để tuyển người. Chúng vẽ ra một "viễn cảnh" mà người lao  động nào cũng mơ ước (ngành nghề thông dụng, mức lương tối hấp dẫn,... ).

Điều kiện để sang Malaysia, theo quảng cáo của những kẻ "dắt mối" này, vô cùng đơn giản: Người lao động chỉ cần có hộ chiếu và giấy khám sức khoẻ là có thể thực hiện ước mơ "đổi đời" tại nước ngoài. Khoản lệ phí người lao động phải nộp là 1.500 USD đến 2.450 USD. Số tiền này có thể nộp đủ tại Việt Nam nhưng cũng có thể giữ lại một phần để khi xuống sân bay Malaysia sẽ đưa tiếp cho người trong đường dây.

Những người "mắc câu" của đường dây lừa đảo này đều là dân lao động nghèo, phải đi vay mượn, bán nhà đất lấy tiền nộp phí môi giới lao động và các khoản cho giấy tờ xuất cảnh, vé máy bay.

Người lao động khi phát hiện visa của mình là loại "du lịch", có thắc mắc, đều được giải đáp "thoả đáng": "Để bay cho nhanh, khi sang tới nơi mới ký hợp đồng lao động và gia hạn visa".
Thế là họ được đưa sang Malaysia bằng nhiều con đường khác nhau: Hàng không Thái Lan, bay thẳng sang Malaysia, theo đường bộ qua Campuchia - Thái Lan rồi vào Malaysia.

... đến cư trú bất hợp pháp rồi thành... con nợ

Theo lời khai của Phạm Thị Mý thì mỗi trường hợp "bay" được sang Malaysia, "phía Malaysia"  nhận từ 300 - 1.000 USD/người để được nhà chức trách các nước cho khai báo là khách du lịch. Ngoài ra, Mý còn chi 525 USD cho việc ăn ở, đi lại, vé máy bay và hướng dẫn viên du lịch.

Tuy nhiên với chứng cứ của cơ quan CSĐT và lời khai của các đối tượng khác thì người lao động phải cầm theo khoảng 1.000 USD sang Malaysia, nộp cho người của "phía Malaysia" 400 USD (gọi là chi phí "bay").

Không chỉ vậy, khi xuống tới sân bay, người trong đường dây này sẽ thu hết tiền và vé máy bay khứ hồi của họ, rồi mới đưa họ về nơi ở đã được sắp xếp trước.

Chỉ đặt chân tới Malaysia, người lao động mới "ngã ngửa" trước bao khó khăn và tủi nhục. Không việc làm, không nơi ăn chốn ở ổn định và nhất là phải sống chui lủi để trốn tránh cảnh sát nước sở tại bắt, trục xuất vì can tội cư trú bất hợp pháp (visa du lịch chỉ được tối đa 30 ngày).

Đáng buồn hơn, nhiều người lao động đã bị cảnh sát Malaysia bắt giữ rồi đánh  roi, phạt tiền và truy tố theo pháp luật của nước họ.

Nhiều lao động đã không thể chịu đựng nổi, tìm đến Đại sứ quán Việt Nam để tố cáo bọn lừa đảo, xin giúp đỡ để trở về quê hương.

Chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn, từ tháng 6/2002 đến tháng 3/2003 đường dây lừa đảo này đã tổ chức nhiều đợt tuyển dụng và đưa người lao động ra nước ngoài. Cụ thể chúng đã đưa 74 người lao động sang Malaysia với tổng số tiền là 115.100 USD và 136 triệu đồng.

Đến bây giờ, những người lao động bị lừa đã trở về nước đang mang gánh nặng nợ nần trên vai không biết bao giờ mới trả hết.

Theo Vân Giang
Vietnamnet