1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Truy tìm “thủ phạm” khiến hàng không chậm, hủy chuyến bay

(Dân trí) - Hàng không Việt Nam đang đối mặt với tình hình các chuyến bay bị chậm, hủy “dồn dập” nhất từ trước đến nay. Tình trạng này chủ yếu xảy ra với hàng không giá rẻ mà nguyên nhân vì yếu tố con người, phương tiện, kỹ thuật và các lí do bất khả kháng.

Chuyện chậm, hủy chuyến bay không phải bây giờ mới xảy ra. Tuy nhiên, thời gian gần đây, việc các chuyến bay chậm, hủy chuyến tăng cao cả về mức độ, số lượng và ảnh hưởng đến phát triển kinh tế nói chung. Tình trạng này chủ yếu xảy ra với hàng không giá rẻ, trong đó VietJet Air là hãng hàng không đứng top đầu, cứ 4 chuyến bay thì có 1 chuyến bị chậm.

Người đứng đầu ngành giao thông vận tải (GTVT) - Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng - từng chia sẻ với PV Dân trí rằng, hàng ngày ông nhận được rất nhiều tin nhắn điện thoại của hành khách đi máy bay phản ánh bị chậm chuyến. Rất nhiều hành khách hỏi Bộ trưởng làm thế nào để hàng không không chậm, hủy chuyến nữa?

Chiều qua (9/7), Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) đã tổ chức họp với 4 hãng hàng không nội địa là Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, VietJet Air, Vasco và các đơn vị liên quan để tìm nguyên nhân, giải pháp khắc phục. Cuộc họp kéo dài hơn 4 tiếng đồng hồ với những “mổ xẻ” về tình hình chậm, hủy chuyến của từng hãng vận chuyển và năng lực cung ứng của các đơn vị mặt đất, điều hành bay.

Việc chậm hủy các chuyến bay đang gây nhiều nhức nhối

Việc chậm, hủy các chuyến bay đang gây nhiều bức xúc cho hành khách

Đại diện VietJet Air cho biết, trong 6 tháng vừa qua, hãng có 32 chuyến bay phải hủy vì lỗi kỹ thuật, gây chậm dây chuyền đến 200 chuyến bay khác. Chỉ riêng trong ngày 9/7, 8 chuyến bay đi/đến Đà Lạt buộc phải hủy vì lí do thời tiết. Hành khách là một trong những nguyên nhân làm máy bay của hãng này phải 9 lần quay lại sân đỗ trong tháng 6.
 
Ngoài ra, đại diện VietJet Air cho rằng tình trạng này cũng xuất phát từ những nguyên nhân khác như: hệ thống check in ở các sân bay chưa đồng bộ, việc tiếp xăng dầu chuyến bay chậm, thời gian soi chiếu an ninh lâu (15 - 20 giây), khả năng cung cấp dịch vụ khai thác mặt đất ở một số sân bay chưa đáp ứng được tốc độ phát triển của VietJet Air…
 
Trong khi đó, ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Tổng Giám đốc Jetstar Pacific - nói lên vấn đề nội tại của hãng là số lượng máy bay chỉ có 6 chiếc, mỗi chuyến bay được điều hành cách nhau 15 phút, nếu 1 trong số này phải đưa vào bảo dưỡng kỹ thuật thì khả năng khai thác cũng giảm đi 1/6.
 
Theo vị này, thời gian chậm chuyến của Jetstar Pacific thường xảy ra vào lúc đầu ngày và mỗi chuyến chậm khoảng 20 phút.

Ông Hoàng Văn Mạnh - Giám đốc Trung tâm Điều hành khai thác của Vietnam Airlines - cho biết, để đạt được tỷ lệ chuyến bay đúng giờ cao nhất và chậm hủy thấp nhất, Vietnam Airlines đã phải đầu tư trong nhiều năm cả về con người, phương tiện, thiết bị, kỹ thuật, đặc biệt là số lượng máy bay dự phòng tại các đầu sân bay nhằm đảm bảo thay thế vận chuyển kịp thời khi cần thiết…

Hành khách vật vờ ở sân bay vì bị chậm chuyến 

Hành khách vật vờ ở sân bay vì bị chậm chuyến 

Với kinh nghiệm là một phi công lâu năm, ông Mạnh cũng dẫn chứng về nhiều trường hợp cả chuyến bay bị chậm chỉ vì 1 hành khách đến muộn hoặc “mất tích” vì những lí do rất trời ơi.
 
“Đến giờ bay nhưng tìm mãi không thấy khách đâu, khi tổ bay quyết định cắt khách thì lại tìm mãi không thấy hành lý để trả vào ga, tìm thấy hành lý rồi thì lại thấy khách xuất hiện nên phải làm thủ tục cho khách lên máy bay, bởi thế chuyến bay bị chậm” - ông Mạnh nói.

1 ngày thay đổi kế hoạch bay 10 lần

Nói về sự chậm, hủy chuyến, đơn vị cung cấp dịch vụ mặt đất tại sân bay Tân Sơn Nhất - TPHCM cũng thẳng thắn nêu lên việc thay đổi kế hoạch bay liên tục và cách khó hiểu của hãng hàng không, trong đó có những thời điểm chỉ trong 1 ngày hãng thay đổi kế hoạch bay tới 10 lần. Điều này gây khó khăn cho công tác điều hành và quản lý bay cũng như hoạt động khai thác của chính hãng vận chuyển.
 
Bằng chứng mới nhất là việc VietJet Air chở nhầm 200 khách đi Đà Lạt tới Cam Ranh hôm 19/6. Nguyên nhân là thay đổi kế hoạch bay nhưng các thành viên liên quan lại không nhận được thông tin đầy đủ.
 
Tại cuộc họp, đại diện Phòng Tiêu chuẩn An toàn bay - Cục HKVN cũng nhấn mạnh đến thời gian quay đầu của hãng vận chuyển quá ngắn nên khi máy bay hạ cánh, buộc phải chờ các máy bay khác và phục vụ mặt đất. Do đó các chuyến bay kế tiếp của hãng cũng bị chậm dây chuyền.
 
Ngoài ra, việc dự báo thời tiết ở các sân bay hiện nay tính chính xác không cao, phần nào ảnh hưởng đến việc máy bay phải chuyển hướng khi nhận thông tin hoặc hoãn/hủy chuyến bay “oan”.

Về các giải pháp khắc phục, các hãng cho biết sẽ bố trí máy bay dự phòng để thay thế kịp thời, trong đó VietJet Air sẽ có 1 chiếc, Jetstar Pacific thuê máy bay và toàn bộ tổ bay của Vietnam Airlines. Việc kéo dài thời gian quay đầu mỗi chuyến bay cũng được đề nghị tăng thêm tối thiểu 5 phút (hiện thời gian quay đầu của VietJet Air là 30 phút, Jetstar Pacific là 40 phút, Vietnam Airlines từ 50-60 phút - PV) để điều hành giãn cách giữa các chuyến bay.

Kiểm tra an ninh tại sân bay Nội Bài

Kiểm tra an ninh tại sân bay Nội Bài

Cục phó HKVN Võ Huy Cường khẳng định sẽ giám sát chặt chẽ và rà soát lại tất cả các khâu liên quan đến quy trình khai thác bay, cơ sở hạ tầng ở các đầu sân bay, khả năng cung ứng của dịch vụ mặt đất, công tác dự báo thời tiết, hệ thống check in và an ninh soi chiếu tại sân bay, đồng thời khuyến nghị hành khách thực hiện đầy đủ các quy định khi tham gia các chuyến bay…
 
Cục HKVN sẽ công khai số liệu chuyến bay bị chậm/hủy hàng tuần, hàng tháng của các hãng hàng không, đây là cơ sở để nâng cao tính cạnh tranh giữa các hãng và giúp hành khách có sự lựa chọn dịch vụ của hãng bay phù hợp với mình.

“Sai ở đâu, thiếu sót ở đâu chúng tôi sẽ tháo gỡ bằng mọi cách. Chúng tôi cam kết sẽ giải quyết tốt hơn tình hình này và chuyện chậm, hủy chuyến bay sẽ giảm chứ không nhức nhối như hiện nay. Đối với các hãng hàng không, nếu tỷ lệ chậm chuyến không giảm thì Cục sẽ có các biện pháp mạnh, như không cho mở đường bay mới, không cho tăng tần suất khai thác… Chúng tôi xin lỗi hành khách về tình hình hàng không bị chậm, hủy chuyến, cách chúng tôi thực hiện lời hứa của mình là sẽ cố gắng hết sức để hoạt động hàng không tốt hơn, nếu tình hình không cải thiện, chúng tôi xin chịu mọi hình thức kỷ luật” - ông Võ Huy Cường khẳng định.

Được biết, sáng mai 11/7, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng sẽ chủ trì cuộc họp với Cục HKVN, các hãng hàng không và các đơn vị liên quan đến hoạt động hàng không nhằm tháo gỡ, giải quyết tình trạng chuyến bay chậm, hủy chuyến, Bộ trưởng cho biết sẽ kiên quyết giải quyết tận gốc vấn đề này.

Số liệu thống kê mới nhất của Cục HKVN cho thấy 6 tháng đầu năm, các hãng hàng không nội địa thực hiện 74.000 chuyến bay. Trong đó tỷ lệ chậm chuyến là 20,9%, tỉ lệ hủy chuyến là 3,2% tăng tương ứng 5,2% và 0,5% so với cùng kỳ năm 2013. Đây là một tỷ lệ khá cao và gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại của hành khách, chi phí khai thác của các hãng hàng không và sự phát triển của nền kinh tế.

Châu Như Quỳnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm