1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Truy “động cơ” khi làm hầm chui đường Láng - Hoà Lạc

(Dân trí) - Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng đã giải đáp lo ngại của một số cử tri về việc “ai đó” có quyền lợi ở Thiên đường Bảo Sơn nên đã xử lý hầm ngầm tại điểm giao giữa đường Láng - Hoà Lạc với đường sắt để tiện vào “Thiên đường” này.

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng, đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) cho rằng, trên đường Láng - Hòa Lạc, việc làm hầm chui tại điểm giao cắt với đường tàu khiến thi công kéo dài, đội giá thành lên cao hơn.
 
Theo ông Phong, nhiều chuyên gia và nhân dân cho rằng nếu làm cầu vượt để đi qua đường tàu này hiệu quả kinh tế sẽ tốt hơn, thời gian thi ông sẽ nhanh hơn. “Đáng tiếc khuyến cáo này không được ngành giao thông tiếp nhận, nhân dân khá bức xúc và người ta cho đây là một sự lãng phí lớn”, ông Phong nói.
 
Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) bổ sung  thêm, đoạn thiết kế hầm chui là điểm ngập sâu nhất trong đợt mưa lịch sử năm 2008 khiến giao thông bị cắt đứt trong hai ngày.
 
“Cử tri có suy ngẫm, tại sao không làm cầu trên cao, cầu vượt mà lại làm cầu chui. Lý do thứ nhất, cử tri cho rằng, việc tốn kém kinh phí và thất thoát rất khó giám sát so với làm cầu vượt. Lý do thứ hai là đầu vượt lên trên bên kia cầu chui rất tiện vào khu du lịch sinh thái Thiên Đường Bảo Sơn. Chắc là có ai đó có cổ phần ở công ty đó phải không?”, ông Hà nêu lên.
 
Truy “động cơ” khi làm hầm chui đường Láng - Hoà Lạc - 1
Đại biểu Chu Sơn Hà: điểm làm hầm chui là điểm bị ngập nặng nhất trong trận lụt 2008 (Ảnh: Việt Hưng)
 
Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết, xử lý hầm chui hoặc cầu vượt tại vị trí đường sắt trên đường Láng - Hoà Lạc là vấn đề tranh luận trong giới kỹ thuật, trong nội bộ của bộ và trong các nhà tư vấn.
 
Theo đó, một quan điểm cho rằng, làm cầu vượt sẽ đơn giản hơn và tiết kiệm hơn, nhưng lại có một loạt ý kiến khác lập luận, phải kết hợp với mỹ quan đô thị, không thể để giữa Thủ đô một chiếc cầu vượt đường sắt lớn như vậy.
 
“Chúng tôi cho rằng giải pháp làm hầm chui qua đường sắt cho đến giờ phút này đang là giải pháp thích hợp và thực hiện được”, ông Dũng khẳng định. Ông Dũng cũng cho rằng, tuy chưa kiểm tra và so sánh một cách chi tiết, nhưng đây là một giải pháp kỹ thuật kèm theo nhiều yếu tố khác, không phải có động cơ hay sự vô trách nhiệm để gây ra lãng phí.
 
Theo ông Dũng hai giải pháp hầm chui và cầu vượt luôn luôn phải xem xét, tùy những vị trí cụ thể và đặc điểm công trình. Kể cả Hà Nội và TPHCM, những dự án sắp tới cũng có những chỗ làm cầu vượt, cũng có những chỗ phải hầm chui.
 
Về lo ngại có mối liên hệ với Thiên đường Bảo Sơn thông qua việc thiết kế hầm chui, ông Dũng khẳng định: “Đến giờ này tôi chưa được có thông tin và chắc rằng chúng tôi cùng những người cộng sự của chúng tôi làm dự án này không có cái động cơ đó”.
 
Về việc có tiêu cực trong xây dựng cơ bản ở hầm chui này hay không, ông Dũng cho rằng, Bộ không bao giờ chủ quan. Theo ông, mọi việc đều có thể xảy ra ở bất cứ dự án nào, bất cứ chỗ nào nên phải luôn luôn cảnh giác và phải siết chặt tất cả các giải pháp quản lý để hạn chế tối đa những tiêu cực nó có thể xảy ra.
 
Được biết, cách đây vài ngày hầm chui tại một làn đường của đường Láng - Hoà Lạc đã được đưa vào lưu thông.
 
Cấn Cường