1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. Cháy nhà trọ 14 người chết

“Đu dây qua sông là sáng tạo không ngờ!”

(Dân trí) - Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng cho rằng, việc người dân “đu dây” qua sông Pô Kô là sáng tạo “không ngờ tới” và ông đã nhận khuyết điểm ở khía cạnh không phát hiện được sự việc...

Không nắm được việc “đu dây”
 
Bắt vào vấn đề đang thời sự, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết đặt vấn đề, Bộ Giao thông Vận tải chịu trách nhiệm như thế nào về việc giải quyết phương tiện đi lại cho người dân ở Kon Tum sau cơn bão số 9 do nhiều cầu bị cuốn trôi, người dân phải… “đu dây”.
 
“Đu dây qua sông là sáng tạo không ngờ!” - 1
Đại biểu truy nhiều vấn đề thời sự trong phần chất vấn Bộ trưởng GT-VT.
 
“Khi có thông tin trên báo chí về tình trạng xảy ra như vậy, Bộ trưởng đã cử người đi kiểm tra chưa và Bộ có biện pháp giải quyết việc này như thế nào?”, ông Thuyết “truy”.
 
Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết, sau cơn bão số 9, 11, các lực lượng đã nỗ lực tiếp cận Kon Tum và bản thân ông Dũng cũng tới làm việc với Chủ tịch tỉnh. Theo ông Dũng, việc thông xe tại các con đường cũng như việc làm cầu phao, cầu tạm sau đó được thực hiện khá nhanh…
 
Với chiếc cầu trên sông Pô Kô (xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum), ông Dũng cho biết, không được địa phương đề cập tới và sau này khi ông hỏi, tỉnh cũng không nắm được.
 
“Bộ chỉ quản lý các tuyến sông quốc gia, tuyến sông địa phương dài hàng trăm ngàn km phân cấp cho địa phương quản lý, nhưng địa phương không nắm được vấn đề trên”, ông Dũng cho biết.
 
Cũng theo ông Dũng, trước đây ở địa điểm này có cầu tre, cầu tạm, dân đi lại thưa thớt, nhưng sau khi bị cuốn trôi, người dân có những sáng tạo “chúng ta không ngờ tới”.
 
Thừa nhận khuyết điểm không phát hiện được, ông Dũng cho biết, Bộ đang phối hợp với địa phương khắc phục và phương án vẫn là cầu treo.
 
“Đu dây qua sông là sáng tạo không ngờ!” - 2
Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: "Đối tác làm đường sắt cao tốc vẫn bỏ ngỏ".
 
Chuyển sang một vấn đề đang được quan tâm khác là dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết “giả sử” tình huống, Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư mà Nhật Bản và ngân hàng thế giới không cho vay, một đối tác khác cho vay và làm với giá rẻ hơn, chúng ta có giao cho công ty của nước đó không?
 
Đáp lại, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng khẳng định, dự án đường sắt cao tốc chưa chọn đối tác cụ thể. Bộ cũng không tham mưu là đối tác cụ thể của nước nào, công nghệ của nước nào. Nếu Quốc hội đồng ý chủ trương, Bộ và Chính phủ sẽ tiến hành thoả thuận về hợp tác.
 
“Chính phủ chưa cố định một đối tác nào và việc lựa chọn vẫn đang bỏ ngỏ. Những doanh nghiệp có công nghệ tương thích, có điều kiện về vốn, chúng ta hoàn toàn có thể kêu gọi tham gia”, ông Dũng nói.
 
Tập đoàn Vinashin thua lỗ vì đầu tư ra ngoài quá khả năng
 
Đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên) đề nghị Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng giải trình trách nhiệm về việc thua lỗ của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) mua tàu chở khách Hoa Sen hơn 1.000 tỷ đồng nhưng hoạt động không mang lại hiệu quả.
 
Việc “tậu” tàu của Vinashin, thời điểm mua Vinashin vấp rủi ro là khủng hoảng tài chính, nhu cầu vận tải giảm 100 lần. Bộ trưởng GT-VT nhận định, DN chưa tính hết các vấn đề khi đầu tư nên con tàu hoạt động không hiệu quả. Đây là vấn đề phương án làm ăn của một DN, HĐQT Vinashin quyết định và phải chịu trách nhiệm.
  
“Đu dây qua sông là sáng tạo không ngờ!” - 3
ĐB Lê Quốc Dung: "Nhiều DN vốn điều lệ chỉ 150 - 200 tỷ đồng nhưng “ôm” những dự án hàng nghìn tỷ".
 
“Khi nghe tình hình khó khăn mà đơn vị còn định đầu tư tiếp một con tàu nữa, chúng tôi đã yêu cầu dừng, xem lại phương thức làm ăn và trách nhiệm thua lỗ” - ông Dũng cho rằng Bộ chủ quản đã làm “hết lẽ”.
 
Đại biểu Lê Quốc Dung (Thái Bình) “phản pháo” cho rằng Vinashin mua tàu chỉ chạy được 1 tuyến rồi hỏng chứ không phải “xui xẻo” vì kinh tế suy giảm.
 
Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng thừa nhận, tập đoàn “con cưng” thua lỗ vì chủ trương đầu tư ra ngoài lĩnh vực quá nhiều, vượt quá khả năng tài chính. Khủng hoảng kinh tế chỉ góp tay làm trầm trọng hơn vấn đề tài chính của đơn vị.
 
Đại biểu Vũ Quang Hải “tấn công” sang việc thua lỗ của một Tổng Công ty khác thuộc Bộ GTVT, đó là Tổng Công ty xây dựng đường thủy Vinawaco. DN này "sở hữu" khoản lỗ gần 1.200 tỷ đồng và hàng năm lỗ do lãi phải trả trên số nợ hơn 2.500 tỷ đồng cũng lên đến 130 tỷ đồng, đang bị đặt trong tình trạng giám sát đặc biệt của Bộ Tài chính.
 
Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng giải trình, khoản lỗ của Vinawaco là do đi vay ngoại tệ (Euro) để mua 3 tàu hút bùn công suất lớn từ năm 1998 mà không khai thác được. Lãi suất đẻ ra hàng năm mà không khai thác được để bù nên thâm hụt vốn càng lớn. Ông Dũng xác nhận việc giải quyết công nợ của đơn vị rất vất vả và cần thời gian.
 
Về việc xử lý trách nhiệm HĐQT và Tổng Giám đốc Vinawaco, ông Dũng cho biết đã kỷ luật điều chuyển công tác một số cán bộ và thừa nhận việc xử lý chậm, chưa kịp thời.
 
Đại biểu Dung khái quát chung nỗi băn khoăn về năng lực tài chính của các DN về giao thông hiện nay. Thẩm tra của UB kinh tế cho thấy, năng lực vốn của nhiều đơn vị quá yếu, vốn điều lệ chỉ 150 - 200 tỷ đồng nhưng “ôm” những dự án hàng nghìn tỷ, không đủ năng lực thực hiện nên phải chia nhỏ, “bán cái” dự án.
 
Bộ trưởng GT-VT một lần nữa xác nhận năng lực tài chính yếu kém của các DN trực thuộc nhưng đẩy lỗi cho cơ chế cũ, lạc hậu. Giải pháp Bộ trưởng đưa ra là gỡ thoáng nguồn vay ngân hàng cho DN. Về lâu dài, ông Dũng thừa nhận còn “đau đầu” với chương trình xử lý công nợ và cổ phần hóa để huy động thêm vốn.
 
Cấn Cường - Phương Thảo
(Ảnh: Việt Hưng)