1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hà Nội:

Trường tiểu học bán trú tại... nhà dân

Do tiến độ tách cấp THCS và Tiểu học Bế Văn Đàn quá chậm, buộc phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm và nhà trường cùng phối hợp thuê nhà dân, tổ chức các lớp "bán trú" (thực chất chỉ là trông giữ trẻ) cho các em học vào buổi sáng.

 
Trường tiểu học bán trú tại... nhà dân - 1

Một lớp học bán trú nhà dân của Trường Tiểu học Bế Văn Đàn.
 
Cô giáo Mai Tố Quyên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bế Văn Đàn đã cho biết: Trường Tiểu học Bế Văn Đàn  (Hà Nội) có 1.267 học sinh, 30 lớp, khoảng 60% học sinh phải học “bán trú nhà dân” theo hình thức nhóm trẻ gia đình. Phụ huynh muốn con em học 2 buổi/ngày nhưng trong điều kiện chung cơ sở vật chất như hiện nay thì ước muốn đó vẫn còn xa vời.

 

Do đó, phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm và nhà trường cùng phối hợp thuê nhà dân, tổ chức các lớp "bán trú" (thực chất chỉ là trông giữ trẻ) cho các em học vào buổi sáng. Giáo viên có trách nhiệm trông giữ, dạy dỗ các cháu và nhà trường sẽ phối hợp giám sát vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn thân thể cho các cháu. Cũng may là được người dân tạo điều kiện nên hầu hết các nhóm trẻ đều thuê được ở khu vực quanh nhà trường, có một nhóm xa nhất thuê ở Gò Đống Đa, buổi chiều các em được chở bằng ôtô đến trường.

 

"Dù chúng tôi quản lý chặt chẽ, phụ huynh nhiệt tình và giáo viên chủ nhiệm rất có trách nhiệm, nhưng ngày nào còn để các em học ở ngoài thì chúng tôi còn lo lắng" - cô Mai Tố Quyên chia sẻ.

 

Cũng giống như Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, học sinh Trường Tiểu học Bế Văn Đàn đang phải chịu bao thiệt thòi. Các em không được học 2 buổi/ngày trong trường, không có thời gian để tham gia các hoạt động ngoài giờ, vui chơi. Học chung với các anh chị cấp 2 nên bàn ghế quá cao, em nào quá bé có khi phải đứng mới có thể viết được (trong khi nhiều em học sinh lớp 9 của THCS Bế Văn Đàn lại phải cúi mới viết được). Ở nhiều trường tiểu học, trường sở, lớp học trang trí rất đẹp, theo đúng mô hình giáo dục tiểu học, ở đây thì không.

 

Khắc phục khó khăn này, giữa hai nhà trường thống nhất giải pháp, bàn ghế năm nay cấp 1 thay thì năm sau cấp II thay, tiền điện nước thay nhau trả luân phiên. Mặc dù vậy đã học chung thì vẫn có những cái bất tiện.

 

Sáng 9/12, chúng tôi đến thăm nhóm học của cô giáo Nguyễn Kim Oanh ở ngõ 14 phố Hồ Đắc Di. Căn nhà 3 tầng này là của bố mẹ chồng cô giáo Oanh, ông bà tạo điều kiện cho các em học ở tầng 3. Lớp học có gần 30 em. Vì điều kiện chật chội, các em không được ra chơi, buổi trưa thì kê bàn lại làm giường.

 

Cô Oanh tâm sự, dù cơ sở vật chất khang trang thế này nhưng đây là phương án bất đắc dĩ và giáo viên chịu nhiều áp lực, từ chuyện hằng ngày phải chợ búa cơm nước cho các cháu đến chuyện đảm bảo an toàn tính mạng. "Các em học 2 buổi/ngày trong trường thì giáo viên sẽ chỉ phải lo chuyên môn thôi" - cô giáo Oanh băn khoăn.

 

Cách lớp học của cô Oanh vài chục mét là lớp học của cô Nguyễn Thị Hà. Chị Tâm chủ nhà đang chuẩn bị bữa trưa cho các em. Bàn học cũng là bàn ăn của các em. Nhưng cô Hà cho hay, học bán trú như thế này chắc chắn học sinh không được giáo dục toàn diện như các trường khác, đó cũng là thiệt thòi của các em!

 

Trao đổi với chúng tôi về tiến độ tách cấp của Trường Bế Văn Đàn, ông Nguyễn Duy Long, Trưởng phòng Giáo dục quận Đống Đa cho biết, nghị quyết của HĐND đã đề cập tới vấn đề này từ nhiều năm nay rồi và đây cũng là quyết tâm của toàn quận. Hiện UBND TP Hà Nội cũng đã có quyết định giao đất 6.480m2 ở 181 Nguyễn Lương Bằng (Hà Nội) để xây Trường THCS Bế Văn Đàn. Khu đất này thuộc quản lí của Công ty Xe đạp Thống Nhất.

 

Đến nay, các thủ tục về công tác chuẩn bị đầu tư đã hoàn thành và đang đợi Ban Quản lý dự án quận tiếp nhận bàn giao mặt bằng của Công ty Xe đạp Thống Nhất là sẽ khởi công xây trường. Nhưng công ty hứa đầu năm 2009 sẽ bàn giao mặt bằng, đến tháng 6/2009 lại hứa tiếp và cho đến bây giờ mặt bằng vẫn chưa bàn giao được. Ông Long còn cho biết, mới đây khi kiểm điểm tiến độ tách cấp, các đồng chí lãnh đạo quận đã ráo riết yêu cầu trong quý I-2010 phải bàn giao xong mặt bằng, sau đó sẽ xây trường ngay!

 

Như vậy, vấn đề bây giờ là chờ đợi! Có lẽ cả thành phố giờ duy nhất chỉ còn 2 Trường Bế Văn Đàn và Lê Ngọc Hân là chưa thể tách cấp được. Theo ông Nguyễn Duy Long thì ngoài việc học sinh không được học 2 buổi/ngày, cả hai nhà trường đều không đủ phòng học chức năng, chuyên môn, phòng thư viện, phòng đựng đồ dùng dạy học, phòng giáo dục thể chất, phòng học đa năng. Chung cơ sở vật chất thì mọi thứ sẽ xuống cấp nhanh, bàn ghế không đạt chuẩn còn ảnh hưởng tới sức khỏe học đường của các em học sinh cả 2 cấp. Cả 2 trường chỉ còn 1 buổi học nên giáo viên không thể làm được gì vào buổi thứ 2 do quá thiếu quỹ thời gian...

 

Nhưng trong điều kiện khó khăn như vậy, cả hai Trường Tiểu học và THCS Bế Văn Đàn đã có nhiều nỗ lực, đều là trường xuất sắc cấp thành phố và đứng trong tốp đầu của quận Đống Đa (riêng Tiểu học Bế Văn Đàn dẫn đầu về phong trào bồi dưỡng học sinh giỏi). "Mặc dù vậy, chuyện tách cấp không thể chậm trễ hơn được nữa, tất cả đều phải nghĩ tới lợi ích của con em chúng ta" - ông Long cho biết!

 

Theo Thu Phương

Công An Nhân Dân