1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Nga Putin thăm Việt Nam
  3. Metro số 1 TPHCM

Bình Thuận:

Trường THPT "cấm đẻ" một cách tuỳ tiện

Tại Trường Trung học phổ thông (THPT) bán công Phan Chu Trinh (Bình Thuận), các giáo viên nữ phải tuân thủ những quy định rất gắt gao của nhà trường về kế hoạch hoá gia đình… không phù hợp với Pháp lệnh Dân số. Nếu vi phạm, người lao động có thể bị mất việc.

Phân biệt đối xử với phụ nữ có thai?

Quy định đầu tiên trong một loạt quy định về sinh đẻ có kế hoạch của trường là không hợp đồng lao động với người có thai ở nơi khác về. Nếu phụ nữ có thai cố tình giấu nhà trường để được hợp đồng, khi nhà trường phát hiện sẽ bị chấm dứt hợp đồng giữa chừng. Giáo viên, nhân viên nữ muốn sinh con phải tuân thủ những quy định gắt gao.

Trong đó, có ghi rõ: "Những người từ 30-34 tuổi sau 1 năm công tác tại trường mới được có thai, nếu đã có 1 con thì sau 2 năm công tác mới được sinh con lần 2. Những người dưới 30 tuổi, nếu chưa có con thì sau 1 năm công tác mới được có thai, nếu đã có con thì sau 3 năm công tác mới được có thai".

Để áp dụng các quy định này, hằng năm các CB-VC nộp bản đăng ký sinh đẻ. Tổ công đoàn và ban nữ công xem xét lập kế hoạch dựa trên một số tiêu chí về số người được sinh trong năm, những đóng góp trong quá trình công tác...

Nếu tuân thủ đúng quy định của nhà trường, thì một phụ nữ về công tác ở trường vào tuổi 34 phải đến tuổi 36 mới được sinh con lần 2. "Như vậy là quá ngặt nghèo - cô N - một giáo viên - nhận xét, ai cũng biết rằng phụ nữ càng lớn tuổi càng khó sinh con và khó đảm bảo an toàn sức khoẻ khi sinh".

Sai quy định về hợp đồng lao động

Bên cạnh việc áp dụng các biện pháp thi đua khen thưởng, không tăng lương, nhà trường còn áp dụng biện pháp không tiếp tục ký hợp đồng lao động vào năm sau đối với những người vi phạm các quy định nội bộ KHHGĐ kể trên. Những người sinh con thứ ba sẽ bị chấm dứt hợp đồng lao động giữa chừng.

Từ nhiều năm qua, các giáo viên thuộc diện hợp đồng ở trường không được ký hợp đồng dài hạn, mà chỉ được ký ngắn hạn theo từng năm, mặc dù họ thực hiện công việc mang tính chất thường xuyên.

Có những giáo viên làm việc từ năm 2002-2003 cho đến nay vẫn phải ký hợp đồng lao động có thời hạn đến 3-4 lần liên tục. Nhờ cách làm "phá luật" này mà nhà trường mới có thể thực hiện quy định nội bộ về việc không tái hợp đồng với bất cứ giáo viên nào vi phạm về KHHGĐ.

Theo phản ánh của một số giáo viên nữ, những quy định của nhà trường về KHHGĐ, cũng như cách hợp đồng lao động đang tạo cho họ áp lực rất nặng nề về tâm lý, khiến họ không an tâm công tác.

Một giáo viên xin giấu tên, cho biết: "Trong các cuộc họp, những người lỡ bị vỡ KH thường xuyên bị nhắc nhở hoặc doạ sẽ không tái ký hợp đồng lao động, khiến họ mặc cảm như người phạm tội và bị phân biệt đối xử".

Ông Nguyễn Đình - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: Nhà trường có 90 CB-GV, trong đó đến 75,6% là nữ. Nếu số giáo viên nữ sinh con hằng năm quá đông sẽ ảnh hưởng đến công tác chuyên môn, nhà trường không đủ giáo viên đứng lớp và dẫn đến chất lượng giáo dục sút kém. Về việc ký hợp đồng lao động ngắn hạn theo từng năm, ông Đình cho biết thực hiện theo hướng dẫn của Sở GDĐT tỉnh.

Cho dù có những đặc thù và những khó khăn riêng, nhà trường cần phối hợp với Sở GDĐT có những sửa đổi để áp dụng đúng Bộ luật Lao động và Pháp lệnh Dân số.

Theo Trung Phương
Báo Lao động