1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Trường Sa có máu thịt của con tôi

(Dân trí) - Đã một phần tư thế kỷ trôi qua, xương cốt của liệt sỹ Lê Bá Giang (SN 1968) vẫn nằm lại ngoài biển khơi. Xen lẫn với nỗi đau là một niềm tự hào lớn lao khi người con của ông bà đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Bà Nguyễn Thị Nhị bên di ảnh của liệt sỹ Lê Bá Giang
Bà Nguyễn Thị Nhị bên di ảnh của liệt sỹ Lê Bá Giang

Phía trước ngôi nhà ông Lê Bá Nghị - bà Nguyễn Thị Nhị (khối Văn Trung, phường Hưng Dũng, TP Vinh, Nghệ An) là quán phở tấp nập người qua lại. Đó là nơi vợ chồng người con trai cả mưu sinh. Nơi ở của ông bà lùi sâu vào phía sau quán. Đôi mắt người phụ nữ có tuổi thâm quầng, có lẽ vì khóc quá nhiều. Thi thoảng trong câu chuyện về người con trai đã hi sinh ở Trường Sa, bà lại đưa vạt áo lên lau những giọt nước mắt. Ngày anh lên đường chiến đấu và không bao giờ trở về cũng là một ngày sát Tết như hôm nay…

Ông bà sinh được 4 người con, 3 trai, 1 gái. Ông Nghị đi công nhân, một mình bà Nhị ở nhà tần tảo công việc đồng áng và nuôi dạy các con. Giang là con thứ 2, hiền lành, chăm chỉ và rất biết vâng lời. “Ngoài giờ đi học, nó lại lăn ra đồng phụ mẹ. Bảo chi nó cũng làm, chẳng nề hà, ca thán chi cả”, bà Nhị nhớ về người con thứ của mình như thế.

Học hết cấp 3, nhà nghèo, Giang không đăng ký thi đại học mà ở nhà chờ cơ hội để đi làm kiếm tiền phụ cha mẹ. Cuối năm 1987, Giang trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, được phiên chế vào hải quân. Sau mấy tháng huấn luyện tại Quảng Ninh, Giang được về thăm nhà. Đó là vào tháng Chạp.

“Nó về, chỉ quanh quẩn ở nhà, mình nó bửa đống củi để Tết nấu bánh chưng, đào gốc cây để bố mẹ sưởi cho ấm. Nó bảo Tết này con không ở nhà, bố mẹ đừng buồn. Ở nhà được mấy ngày thì nó được lệnh về đơn vị để chuẩn bị hành quân vào Nam. Nó đi mãi đến bây giờ…”, ông Nghị nghẹn lại.

Bà Nguyễn Thị Nhị bên di ảnh của liệt sỹ Lê Bá Giang
Ông Lê Bá Nghị hồi tưởng về người con trai đã ngã xuống giữa trùng khơi để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc

Đơn vị của Lê Bá Giang được lệnh hành quân gấp bằng tàu hỏa vào cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) để chuẩn bị ra Trường Sa. Trên đường đi, Giang nhắn tin về nhà, báo đang ngồi ở toa thứ 2 của đoàn tàu. Nghe tin tối 29 Tết đoàn tàu sẽ đi qua Vinh, ông Nghị, bà Nhị cũng các con sắp vội cái bánh chưng chạy ra ga. Tàu dừng ở ga Vinh. Cả nhà nhảy lên tàu. Tìm mãi, chạy hết cả 4 toa tàu mà không thấy Giang đâu. Tàu chuyển bánh, ông bà lập cập bước xuống. Cái bánh chưng phải đưa về. Mãi khi vào Cam Ranh, điện về Giang mới bảo, do thay đổi đội hình hành quân, anh phải chuyển xuống toa gần cuối đường tàu.

“Nó vào Cam Ranh được 7 ngày thì được lệnh ra đảo. Đó là lần cuối cùng nó gửi thư về. Đến khoảng tháng 4 tháng 5 gì đó nghe đài Tiếng nói Việt Nam có phát đi bản tin về cuộc chiến đấu của hải quân ta ở Đảo Gạc Ma. 74 người hi sinh, trong đó có tên thằng Giang. Bà nhà tôi ngất lên ngất xuống nhưng vẫn hi vọng người ta báo tin nhầm. Lê Bá Giang có tên trên bản tin quê ở Hương Dũng, nhà mình ở Hưng Dũng kia mà? Bà ấy bảo thế. Dẫu không còn hi vọng nhưng gia đình tôi cứ bấu víu vào sự nhầm lẫn đó. Đến năm 1990, giấy báo tử được gửi về, bà Nhị mới chịu tin là thằng Giang không còn”, ông Nghị kể tiếp.

Từ đó, trên bàn thờ, ngoài di ảnh của người em trai liệt sỹ của bà Nhị, có thêm tấm ảnh của Giang. Cùng với giấy bảo tử, người ta chuyển ba lô của Giang về. Trong chiếc ba lô nhỏ ấy, chiếc áo len bà đan cho con vẫn được gấp cẩn thận. Bà chỉ biết ôm lấy chiếc áo mà khóc thương con nằm lạnh dưới đáy biển sâu.

Đau buồn rồi cũng nguôi ngoai nhưng trong lòng ông bà vẫn canh cánh nỗi niềm làm thế nào để tìm và đưa hài cốt của Lê Bá Giang về quê. Niềm hi vọng ấy nhen lên khi Đoàn cán bộ Bộ tư lệnh Hải quân tới nhà lấy mẫu máu, tóc của ông bà đi xét nghiệm AND. Họ bảo tìm được một số hài cốt trên chiếc tàu đắm, ông bà khấp khởi, biết đâu trong số những hài cốt đó có con trai mình.

Bà Nguyễn Thị Nhị bên di ảnh của liệt sỹ Lê Bá Giang

Bà Nhị: "Mất con, người mẹ nào không đau. Đau nhưng tự hào lắm bởi Trường Sa có một phần máu thịt của con tôi".

Hi vọng vừa nhen lên đã lụi tắt, không có thằng Giang bé bỏng, hiền lành của ông bà trong đó. “Giờ này xương cốt của Giang có lẽ đã tan hết vào biển rồi. 25 năm rồi còn gì nữa. Chỉ thương nó, vào quân ngũ chưa được bao lâu, đến bàn tay con gái cũng chưa được cầm. Nhưng làm thân nam nhi phải biết tòng quân vệ quốc. Mất con ai chẳng đau. Đau nhưng tự hào lắm. Nơi Trường Sa có máu thịt của con trai tôi…”, bà Nhị nghẹn ngào.

Niềm hi vọng được ôm đứa con của mình một lần nữa không còn nhưng ông bà vẫn nuôi hi vọng được ra Trường Sa một lần. Ra đó, để được gần con hơn. Ra đó, ông bà sẽ đứng trên tàu thả xuống cho Giang cái bánh chưng hương vị Tết quê nhà. Cái bánh chưng đã lỡ hẹn với Giang trên đường hành quân ngày Tết cách đây vừa tròn một phần tư thế kỷ. Cách đây ít lâu, trong lễ khánh thành đài tưởng niệm liệt sỹ Trường Sa, ông bà cũng được mời ra tham dự nhưng hoàn cảnh khó khăn, đi lại tốn kém nên ông bà đành từ bỏ ước mơ được ra thăm con.

“Vợ chồng tôi giở như lá cuối mùa rồi, chẳng biết sống được mấy hơi nữa. Chỉ ước mong duy nhất một điều duy nhất sớm tìm và đưa được hài cốt của Giang trở về, dẫu là một nắm xương tàn thôi cũng an ủi được phần nào”, ông Nghị cho biết.

Hoàng Lam