Trưởng phòng CSGT Hà Nội “vi hành” bằng… xe ôm
(Dân trí) - Mặc thường phục ra đường đi xe ôm, đi xe taxi chiều muộn hoặc buổi tối, có lúc đón xe khách liên tỉnh đi thử vào ngày nghỉ… Đó là cách kiểm tra cán bộ chiến sỹ đang làm nhiệm vụ của vị Trưởng phòng CSGT Hà Nội - Đại tá Đào Vịnh Thắng.
Chúng tôi tình cờ gặp Đại tá Đào Vịnh Thắng trong một buổi chiều cuối năm trên đường phố tấp nập. Khi đó, điều ấn tượng nhất đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh người đứng đầu Phòng CSGT thành phố (PC 67) ngồi trên xe ôm trong bộ thường phục giản dị với chiếc mũ bảo hiểm cài chặt quai. Vị Đại tá Cảnh sát lăn giữa dòng người ngược xuôi khiến chúng tôi không khỏi tò mò và đi tìm câu trả lời cho tình huống đặc biệt ấy.
Là người cởi mở, tâm huyết với công việc nên không ít người khi nhắc tới Đại tá Đào Vịnh Thắng đã biết rất rõ. Sự bận rộn của một con người vì công việc cũng là lí do chúng tôi phải đặt lịch hẹn rất nhiều lần mới có thể gặp được Đại tá Đào Vịnh Thắng tại trụ sở làm việc ở 86 Lý Thường Kiệt (Hà Nội).
Trưởng phòng PC67 Hà Nội - Đại tá Đào Vịnh Thắng
Với quan điểm làm việc là phải nghe thông tin 2 chiều và tự mình trực tiếp kiểm tra chiến sỹ của mình, Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng CSGT đường bộ-đường sắt, Công an TP Hà Nội (C67) được nhiều người biết đến với cái tiếng nghiêm khắc và nói đi đôi với làm.
Trong “vai” người dân bình thường, những chuyến “vi hành” đột xuất của người đứng đầu PC67 Hà Nội luôn thay đổi về giờ giấc và cách thức. Lúc thì Đại tá Thắng mặc thường phục ra đường bắt xe ôm, khi thì đi taxi buổi chiều tối, có hôm bất ngờ đón xe khách liên tỉnh vào ngày nghỉ, mượn xe của bạn bè đi kiểm tra dịp lễ Tết… Mục đích của Đại tá Đào Vịnh Thắng là muốn "tận mục" tai nghe, mắt thấy những hoạt động nghiệp vụ và tác phong làm việc của các chiến sỹ ở trên đường như thế nào, thái độ ứng xử với nhân dân ra sao…
“Mỗi lần đi kiểm tra, tôi lại biết thêm những điểm cần chấn chỉnh đối với chiến sỹ của mình từ lời ăn tiếng nói tới tư thế tác phong. Tôi có thể chủ động nắm được cách làm việc và quá trình công tác của cán bộ chiến sỹ chứ không cần chờ báo cáo gửi lên để đọc. Cũng qua những chuyến đi ấy, tôi lại biết thêm tấm gương chiến sỹ cần được ghi nhận và biểu dương cũng như xử lý kỷ luật và kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với những trường hợp cụ thể.
Tôi cảm thấy buồn mỗi khi nhận được thông tin của người dân phản ánh về cách làm việc không nghiêm túc của chiến sỹ, cảm thấy buồn trước bức xúc của nhân dân về cách ứng xử không hay của CSGT, nhưng tôi cũng rất hiểu và chia sẻ với những khó khăn vất vả của đồng chí, đồng đội mình. Bởi vậy, tôi muốn xây dựng một hình ảnh người CSGT đẹp, thân thiện trong mắt nhân dân và hết lòng vì nhân dân phục vụ” - Đại tá Đào Vịnh Thắng chia sẻ.
Tấm gương Đại tá Đào Vịnh Thắng được biết đến khi kinh qua ở nhiều vị trí công việc khác nhau nên có nhiều kinh nghiệm thực tế. Vì thế, ở vị Đại tá có sự trải nghiệm và thấu hiểu sâu sắc về tư tưởng, tác phong công tác từ chiến sỹ đến người quản lý.
Với tâm huyết công việc và sự cống hiến hết mình, liên tiếp trong nhiều năm qua, Đại tá Đào Vịnh Thắng đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen, thư khen, cờ thi đua, Huân chương chiến công của Chủ tịch nước, Chính phủ, Bộ Công an, TP Hà Nội trao tặng.
Người làm thay đổi hình ảnh CSGT Thủ đô
Nói về hình ảnh CSGT Thủ đô có lẽ nhiều người tham gia giao thông chưa thể quên cái cảm giác khó chịu và bức xúc khi thấy CSGT “núp” sau cột điện, gốc cây, quán nước rồi đột ngột lao ra dừng xe bắt lỗi. Nhưng nay, Đại tá Đào Vịnh Thắng được xem là người có công đầu khi xây dựng hình ảnh CSGT đẹp trong mắt nhân dân.
Cách làm mới đội ngũ CSGT như Đại tá Đào Vịnh Thắng nói thì không phải là phát kiến gì đặc biệt mà chỉ là làm tốt những việc xưa nay vẫn làm nhưng chưa tốt. Vị Trưởng phòng này thông suốt quan điểm, CSGT phải là người bạn đồng hành cùng người tham gia giao thông, phải nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân, phải giúp đỡ nhân dân trong mọi hoàn cảnh.
Năm 2013 - “Năm nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ và ý thức tự giác của người tham gia giao thông”, việc nữ CSGT tham gia điều khiển hướng dẫn giao thông trong giờ cao điểm là một hình ảnh đẹp đã lấy được nhiều thiện cảm của người dân Hà Nội.
“Cái đẹp luôn được nâng niu và trân trọng. Sự xuất hiện của nữ CSGT trên đường phố không chỉ góp phần làm đẹp Thủ đô mà còn góp phần làm đẹp hơn hình ảnh người phụ nữ Công an Nhân dân. Nữ CSGT được lựa chọn theo các tiêu chí là có ngoại hình cân đối, khuôn mặt đẹp, có lòng nhiệt tình, sức khỏe tốt, sẵn sàng xông pha… Sau khi được chọn, nữ CSGT tiếp tục phải trải qua các lớp tập huấn nghiệp vụ, quy trình về chỉ huy điều khiển giao thông, được trang bị các công cụ hỗ trợ khi làm nhiệm vụ.” - Đại tá Đào Vịnh Thắng cho hay.
Dù nắng hay mưa, nóng bức hay rét buốt thì người tham gia giao thông vẫn thấy sự hiện diện của những nữ CSGT trên các tuyến đường phố. Họ làm nhiệm vụ không khác gì CSGT là nam giới. Có một điều mà đến khi ngồi trò chuyện với Đại tá Đào Vịnh Thắng chúng tôi mới hay biết, đó là nhiều người tham gia giao thông có ý thức chưa cao nhưng khi gặp nữ CSGT hướng dẫn trên đường thì họ đã nâng cao tính tự giác để tuân thủ Luật giao thông.
CSGT béo bụng không được làm nhiệm vụ trên đường. Đại tá Đào Vịnh Thắng khẳng định CSGT béo bụng không phải là xấu hay có vi phạm gì, chỉ bởi người béo thì sẽ gặp nhiều khó khăn hơn người có "body chuẩn" khi làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát và hướng dẫn giao thông trên đường. Đặc biệt, CSGT béo bụng không thể có tác phong nhanh nhẹn trong trường hợp phải truy đuổi đối tượng vi phạm… Vì thế, tất cả CSGT béo bụng đang làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát đều được rút vào làm văn phòng, thay vào đó là những CSGT có sức khỏe tốt, tác phong nhanh nhẹn, ngoại hình đẹp, gương mặt sáng. Đây cũng là một điểm cộng cho CSGT Hà Nội trong mắt người dân.
Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc tới những nghĩa cử đẹp của CSGT Hà Nội khi quét đường, dọn rác; dắt người già qua đường, đưa trẻ em bị lạc tìm về với gia đình; cứu người tự tử trên cầu Long Biên - Chương Dương; giúp đỡ các thí sinh đi thi đại học bị mất giấy tờ, hỏng xe, không có tiền thuê trọ; phạt bố mẹ vi phạm giao thông nhưng chở con em của họ đến trường… Đó là những hành động nhỏ nhưng lại có ý nghĩa rất lớn.
Đại tá Đào Vịnh Thắng cho biết, sang năm 2014 việc xây dựng hình ảnh CSGT sẽ phải làm tốt hơn, nâng cao một bước nữa về chất lượng. Với khẩu hiệu: Chủ động, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả vì nhân dân phục vụ, vì Thủ đô bình yên, PC67 Hà Nội phát động trong toàn lực lượng CSGT “Mỗi ngày, mỗi người có một việc làm tốt phục vụ nhân dân”. Mỗi chiến sỹ có hành động tốt sẽ được thưởng 100.000 đồng/lượt và ghi tên trong sổ danh dự thi đua, ngược lại những chiến sỹ có thái độ và hành động không tốt sẽ bị xử lý kỷ luật nghiêm, điều chuyển công tác.
Trong năm 2013, đã có 353 chiến sỹ cán bộ của PC67 Hà Nội được vinh danh là gương người tốt việc tốt. Đơn vị này cũng nhận được 59 thư khen và thư cảm ơn của người dân gửi đến. Cùng với đó, PC67 nhận được 11 Huân chương Lao động Hạng 3 của Chủ tịch nước, 1 cờ thi đua của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và UBND TP Hà Nội, Bộ Công an tặng 492 bằng khen và giấy khen. |
Châu Như Quỳnh