1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Trường bỏ hoang, học sinh đi “ở nhờ”

(Dân trí) - Năm học mới đã bắt đầu, 250 học sinh trường THCS Gia Vân, xã Gia Viễn, huyện Gia Viễn (Ninh Bình) phải "bỏ trường" đi học nhờ vì ngôi trường đã xuống cấp nghiêm trọng.

Trường THCS xã Gia Vân được khởi công xây dựng từ năm 1994 và hoàn thành, được đưa vào sử dụng năm 1998, bao gồm một dãy nhà hai tầng với 12 phòng học. Tổng diện tích khoảng 3.600 m2. Tuy nhiên tính đến thời điểm này, mới chỉ sau 13 năm đưa vào sự dụng, ngôi trường đã xuống cấp nghiêm trọng.

Trường bỏ hoang, học sinh đi “ở nhờ” - 1
Trường THCS Gia Vân đang bị bỏ hoang

Trường bỏ hoang, học sinh đi “ở nhờ” - 2
Trần nhà xuất hiện những vết nứt và bong tróc

Khi chúng tôi có mặt tại trường THCS xã Gia Vân, quang cảnh im lìm không khác gì một tòa nhà đã bị bỏ hoang, cỏ cây mọc um tùm, rác rưởi tràn ngập khắp lối đi.

Dãy nhà 2 tầng nhếch nhác với những khung cửa bị khóa trái xiêu vẹo. Vữa trên trần, sàn nhà nhiều chỗ nứt nẻ, bong tróc, trơ cả lõi sắt gỉ. Hệ thống dầm bê tông cũng có hiện tượng nứt lún rất nguy hiểm. Thậm chí trên khu vực sàn nhà tầng 2 còn xuất hiện lỗ hổng có thể nhìn xuyên xuống tầng một.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Đào Anh Tuấn, Hiệu trưởng trường THCS xã Gia Vân cho biết: “Chúng tôi đã báo cáo tình hình trên lên xã, huyện và Phòng Giáo dục để cùng tập trung tìm cách tháo gỡ. Huyện đã mời Chi cục Kiểm định chất lượng các công trình xây dựng của tỉnh về khảo sát và kiểm tra, đánh giá độ an toàn của 12 phòng học. Theo kết luận ban đầu của đoàn kiểm tra, cơ sở hạ tầng của nhà trường đã bị xuống cấp nghiêm trọng, quá nguy hiểm để có thể tiếp tục sử dụng”.

Trường bỏ hoang, học sinh đi “ở nhờ” - 3

Trường bỏ hoang, học sinh đi “ở nhờ” - 4
Cơ sở hạ tầng bị xuống cấp nghiêm trọng

Trước thực trạng trên, để đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh cũng như theo kịp chương trình dạy và học chung, chính quyền xã Gia Vân đã quyết định cho đóng cửa trường học từ cuối học kì II năm học 2010 - 2011. Đồng thời huyện cũng phê duyệt triển khai dự án xây mới trường học.

Từ ngày 15/8, nhà trường đã chính thức bắt đầu năm học mới 2011 - 2012. Sau nhiều giải pháp đã được đưa ra, như cho học sinh học tạm tại khu chợ của xã, nhà văn hóa thôn… cuối cùng Phòng Giáo dục huyện Gia Viễn đã chọn lựa một phương pháp tối ưu nhất, đưa toàn bộ số học sinh của trường chuyển sang học nhờ vào buổi chiều tại 8 phòng của trường Tiểu học Gia Vân. Riêng hội đồng nhà trường hoạt động nhờ tại phòng y tế và hát nhạc của trường mầm non.

Trường bỏ hoang, học sinh đi “ở nhờ” - 5
Dãy phòng học im lìm khi năm học mới đã bắt đầu

Trường bỏ hoang, học sinh đi “ở nhờ” - 6
Nhiều tháng nay, ngôi trường đã bị bỏ hoang

Toàn bộ bàn ghế của trường THCS đã được chuyển sang và bố trí kê xen kẽ với bàn ghế của trường tiểu học. Tuy nhiên, cũng không thể tránh khỏi tình trạng học sinh cấp 2 phải sử dụng bàn ghế cấp một và ngược lại, ảnh hưởng không ít đến yếu tố sức khỏe và chất lượng học tập của các em học sinh.

Ngoài ra, những bộ môn như vật lý, hóa học, sinh học hiện nay đều đang rất bế tắc, phải học chay do không có phòng học thực hành. Bên cạnh đó, do không có cơ sở ổn định, mọi thông tin chỉ đạo của không được kịp thời, nhanh chóng, cản trở rất lớn đến công tác giảng dạy của thầy và trò nhà trường.

Trường bỏ hoang, học sinh đi “ở nhờ” - 7
Học sinh cấp 2 đang ngồi học nhờ bàn ghế của học sinh  Tiểu học

Ông Phạm Đình Giang, Trưởng Phòng Giáo dục huyện Gia Viễn cho biết: “Hiện nay tỉnh, huyện vẫn đang đốc thúc nhà thầu tiến hành dự án. Tuy nhiên năm học 2011- 2012, xác định tình trạng học chung sẽ còn tiếp tục diễn ra. Về phía ngành, chúng tôi vẫn luôn cố gắng chỉ đạo tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để đảm bảo chất lượng cho công tác dạy và học”.

Trong khi tỉnh Ninh Bình đang cố gắng phấn đấu năm học 2011-2012 nâng tỉ lệ phòng học kiên cố lên 82%, tình trạng trường học bị xuống cấp nghiêm trọng tại trường THCS Gia Vân vẫn còn đang là vấn đề nhức nhối đối với ngành giáo dục nói riêng và tỉnh Ninh Bình nói chung. Mong sao các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để tiến hành xây mới trường học, đảm bảo an toàn để các học sinh yên tâm học tập.

Thanh Huyền - Duy Tuyên