Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương làm việc tại Huế
(Dân trí) - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cần kiên trì trong việc bảo tồn văn hóa, giải phóng mặt bằng khu vực kinh thành.
Ngày 13/11, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa làm việc với Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế về vấn đề quy hoạch, bảo tồn, quản lý, khai thác, phát huy giá trị di tích Cố đô Huế; công tác tuyên truyền, vận động nhân dân di dời, giải phóng mặt bằng khu vực Kinh thành Huế.
Tham dự buổi làm việc có Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương.
Tại buổi làm việc, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế báo cáo, ở thời điểm này, di sản văn hóa Huế đã vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp và đang từng bước hồi sinh diện mạo ban đầu của một cố đô lịch sử.
Huế có 5 di sản được UNESCO công nhận, gồm: Quần thể di tích cố đô Huế (được công nhận từ năm 1993), Nhã nhạc cung đình (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014) và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016).
Ngoài ra, Huế còn đồng sở hữu 2 di sản thế giới là Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu và Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ.
Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, cho hay, theo đánh giá của UNESCO, công cuộc bảo tồn di sản Cố đô Huế hiện đang chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững.
Đặc biệt, việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa đã luôn gắn chặt với quá trình khai thác, phát huy và tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực, trọng tâm là kinh tế du lịch, dịch vụ.
Những kết quả quan trọng ấy được thể hiện trên các mặt bảo tồn, trùng tu di tích; bảo tồn văn hóa phi vật thể; bảo tồn, tôn tạo cảnh quan môi trường các khu di sản; hợp tác quốc tế, ứng dụng thành tựu khoa học bảo tồn và đào tạo nguồn nhân lực; phát huy giá trị di sản.
Tại buổi làm việc, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá cao những kết quả về bảo tồn, phát huy giá trị của văn hóa, di sản Huế trong thời gian qua.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhận định, càng nghiên cứu sâu, càng tự hào về vùng đất Thừa Thiên Huế, đồng thời mong muốn vùng đất này ngày càng phát triển, xứng danh là vùng đất địa linh nhân kiệt từ tầm nhìn về bảo vệ Tổ quốc, về phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là về văn hóa.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa cũng lưu ý, công tác bảo tồn văn hóa cần phải kiên định, kiên trì và bền bỉ, làm tới đâu nghiên cứu sâu tới đó.
Thời gian tới, tỉnh phải tiếp tục quán triệt, thông tin, tuyên truyền, quảng bá những giá trị lịch sử của di tích, việc bảo tồn các di tích, giá trị ẩm thực, văn hóa con người Huế, việc ứng xử của người dân với lịch sử.
Công tác quy hoạch phải hài hòa, chặt chẽ giữa phát triển kinh tế và văn hóa, lấy văn hóa là điểm sáng để phát triển.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục phát huy các nghiên cứu khoa học nghiên cứu, đặc biệt các di sản trọng điểm; tập trung vào công tác ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý di sản.
Đặc biệt, Thừa Thiên Huế cần truyền thông, quảng bá, tuyên truyền di sản văn hóa Huế và Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.
Cùng ngày, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và đoàn công tác đã làm việc về công tác đào tạo báo chí và truyền thông với Đại học Huế.
Đại học Huế hiện có 2 đơn vị đào tạo lĩnh vực này đó là khoa Báo chí - Truyền thông thuộc Trường Đại học Khoa học và Khoa Quốc tế.
Trong đó, khoa Báo chí - Truyền thông thuộc Trường Đại học Khoa học trong 15 năm qua đã đào tạo hơn 1.500 cử nhân hệ chính quy và phi chính quy, hơn 700 học viên các lớp ngắn hạn, phục vụ hiệu quả cho các cơ quan báo chí khu vực miền Trung và cả nước.
Riêng khoa Quốc tế hoạt động từ năm 2021 để đào tạo ngành truyền thông đa phương tiện theo hình thức chính quy.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nguyễn đánh giá cao những kết quả đã đạt được của Đại học Huế thời gian qua, nhất là về chương trình đào tạo báo chí và truyền thông.
Ông Nghĩa cũng đề nghị Đại học Huế cần rà soát lại công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng báo chí; nghiên cứu thực tiễn, đổi mới giáo dục, lấy chất lượng đào tạo làm đầu, tăng cường thực tập từ thực tiễn, xây dựng báo chí đa phương tiện, truyền thông hiện đại; chú trọng đến đạo đức nghề báo, phát triển báo chí trên mạng xã hội, tăng cường hợp tác, đào tạo chất lượng cao.
Trong chuyến làm việc tại Huế, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cũng đã đến thăm và chỉ đạo hội chợ, triển lãm trong khuôn khổ chuỗi sự kiện "Ngày hội thắm tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào năm 2023".
Sự kiện do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức diễn ra tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Thừa Thiên Huế (41A Hùng Vương, TP Huế) từ ngày 11/11 đến ngày 15/11.
Tại triển lãm, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa một lần nữa khẳng định lại mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào.
Kể từ khi thiết lập quan hệ Ngoại giao Việt Nam - Lào (ngày 5/9/1962), quan hệ hai nước đã đạt được rất nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực và trở thành mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, truyền thống đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào.