1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương bị nhắn tin đe doạ tính mạng

(Dân trí) - Một công dân khiếu nại, tố cáo tự xưng là Nguyễn Thị G. (tỉnh Bạc Liêu) đã nhắn tin đe dọa tính mạng của Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp và người nhà.

Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp.
Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp.

Theo báo cáo hoạt động công tác tháng 4/2017 của Ban Tiếp công dân Trung ương vừa gửi tới Thanh tra Chính phủ, tình hình khiếu kiện của công dân tăng cả về số lượt người, số vụ việc và số lượt đoàn đông người, có nhiều diễn biến phức tạp.

Công dân đến Trụ sở Tiếp công dân Trung ương ở quận Hà Đông, Hà Nội khiếu kiện có diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều đoàn đông người, đặc biệt là đoàn công dân huyện Văn Giang (Hưng Yên) và đoàn công dân tỉnh Sơn La. Tình trạng công dân căng lều, bạt, tổ chức ăn, ngủ hai bên vì hè trước cổng trụ sở gia tăng, gây sự chú ý của người đi đường.

Công dân Lưu Thị P. (phường Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã có hành vi la hét, chửi bới, xúc phạm uy tín danh dự của cán bộ, không chấp hành sự hướng dẫn của cán bộ tiếp công dân, lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ. Bảo vệ Trụ sở Tiếp công dân Trung ương đã lập biên bản vi phạm. Sau đó, công dân này đã thuê người đến trụ sở với hành vi côn đồ, đe dọa bảo vệ trụ sở.

Đặc biệt, một công dân tự xưng là Nguyễn Thị G., tỉnh Bạc Liêu nhắn tin đe dọa tính mạng của Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp và người nhà. Trước đó (tháng 5/2016), một nhóm công dân tỉnh Bạc Liêu cũng bao vây, túm áo, xô đẩy khiến ông Điệp ngã ngửa, đập đầu vào gốc cây trong sân Trụ sở Ban Tiếp công dân Trung ương.

Cơ quan này dự báo, tháng 5/2017 tình hình khiếu kiện của công dân sẽ diễn biến phức tạp đặc biệt tập trung vào lĩnh vực đất đai khi diễn ra kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV. Các công dân ở một số địa phương như: Hà Nội (các quận: Gia Lâm, Hoàng Mai, Hà Đông, Cổ Nhuế), Hưng Yên (Văn Giang), Bắc Ninh (thị xã Từ Sơn, thành phố Bắc Ninh), Bắc Giang (thành phố Bắc Giang), Hải Dương, TPHCM (Khu công nghệ cao), Đà Nẵng (vụ Giáo xứ Cồn Dầu), An Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Tiền Giang, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước sẽ tiếp tục đến Trụ sở Tiếp công dân Trung ương, Trụ sở các cơ quan Đảng và Nhà nước để khiếu kiện với mức độ gay gắt và phức tạp hơn.

“Với tính chất, mức độ phức tạp của vụ việc khiếu kiện gia tăng nên dự báo tình trạng công dân vi phạm nội quy Trụ sở, có hành vi đe dọa, hành hung cán bộ có thể xảy ra, đặc biệt trong thời gian diễn ra kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa IV. Vì vậy đề nghị lực lượng công an, an ninh cần tăng cường phối hợp với Ban Tiếp công dân Trung ương trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn tính mạng và tài sản cho cán bộ, công chức, người lao động”- báo cáo nêu rõ.

Tại cuộc họp ngày 19/4, ông Phan Văn Sáu - Tổng Thanh tra Chính phủ đánh giá, thời gian qua công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo diễn biến phức tạp, số lượng đơn thư, số lượng công dân và đoàn đông người về các cơ quan Trung ương tăng cao.

Ông Sáu yêu cầu khắc phục ngay một số tồn tại, hạn chế và theo dõi, bám sát tình hình khiếu nại, tố cáo để đưa ra phương án giải quyết kịp thời.

Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu yêu cầu, lãnh đạo các cục, vụ, đơn vị tiếp thu các ý kiến phát biểu tại giao ban, quán triệt tới công chức, viên chức đơn vị mình về việc thực hiện nghiêm nội quy, quy chế, tăng cường bảo vệ chính trị nội bộ cơ quan. Đặc biệt thực hiện nghiêm chỉ đạo không uống rượu, bia trong giờ hành chính vào các buổi trưa trong ngày làm việc.

Thế Kha