1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Trưởng Ban Công tác đại biểu nói về vụ cô giáo thân mật với nam sinh

Nguyễn Hải

(Dân trí) - Bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Công tác đại biểu cảm thấy rất đau xót trước việc cô giáo vận động phụ huynh học sinh góp tiền mua máy tính hay vụ cô giáo thân mật quá mức với học sinh tại lớp.

Sáng 8/10, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến (lần 2) về dự án Luật Nhà giáo.

Trưởng Ban Công tác đại biểu nói về vụ cô giáo thân mật với nam sinh - 1

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Ảnh: Media.quochoi.vn).

Đảm bảo thầy cô giáo là chuẩn mực về đạo đức

Nêu ý kiến thảo luận về dự thảo Luật Nhà giáo, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải đánh giá dự luật này đang được dư luận rất quan tâm.

Theo bà Hải, trong thời gian qua, trong lúc xây dựng, thảo luận về dự thảo Luật Nhà giáo, qua phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng có một số hiện tượng đau xót, ảnh hưởng đến hình ảnh của nhà giáo. 

Trong đó có việc cô giáo vận động phụ huynh học sinh góp tiền mua máy tính; cô giáo thân mật quá mức với học sinh ngay tại lớp học, trước thanh thiên bạch nhật và trước một số học sinh khác, trong một khung cảnh sư phạm tôn nghiêm là lớp học. 

Bà cũng đưa ra ví dụ về việc nhiều giáo viên, thủ quỹ có sai phạm trong thu tiền của học sinh, bị chuyển cơ quan điều tra tại Bình Thuận.

"Điều này, tôi thấy rất đau xót, ngày trước chúng tôi được học nghiệp vụ sư phạm, học tâm lý trẻ em, kể cả thầy cô giáo lên lớp mà mặc quần áo sặc sỡ cũng có thể ảnh hưởng đến sự chú ý của học sinh", bà Hải nói và kỳ vọng vấn đề liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng cho nhà giáo được thể hiện sâu sắc, cụ thể hơn trong luật. 

Ngoài ra, cần tập trung những điểm đột phá, đặc thù của luật để đảm bảo thầy cô giáo là chuẩn mực về đạo đức, hành vi cho người học...

Thảo luận về dự luật, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, các nội dung đã được điều chỉnh tại luật chuyên ngành khác thì không quy định tại Luật Nhà giáo.

"Chúng ta không quy định cụ thể, chi tiết, luật hóa nghị định, thông tư vào luật này. Giao cho Chính phủ, bộ ngành theo thẩm quyền quy định tại các văn bản, hướng dẫn thi hành luật", ông Mẫn nêu.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, các nội dung, chính sách đặc thù với nhà giáo khác với các luật hiện hành đã được rà soát, bổ sung, chỉnh lý. Do đó, ông đề nghị tiếp tục đánh giá luật tác động tới đâu để quy định phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng tới đó nhằm đảm bảo tính phù hợp, khả thi. 

"Về chính sách Nhà nước đối với Nhà giáo chúng ta có 10 chính sách lớn. Tuy nhiên theo tôi cần tiếp tục rà soát khung chính sách đảm bảo đầy đủ", ông Mẫn nói.

Đánh giá định kỳ đối với nhà giáo

Trước đó, trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã rà soát, xác định rõ đối tượng áp dụng của luật và điều chỉnh tại dự thảo luật.

Theo đó, Luật Nhà giáo áp dụng đối với nhà giáo được tuyển dụng, làm việc toàn thời gian trong các cơ sở thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (không phân biệt công lập, tư thục, bao gồm cả người Việt Nam và người nước ngoài).

Dự thảo luật quy định những nội dung riêng về đánh giá định kỳ đối với nhà giáo; còn quy trình, thủ tục, tiêu chuẩn xếp loại nhà giáo thực hiện theo pháp luật về viên chức (với nhà giáo công lập) hoặc pháp luật về lao động và quy chế của cơ sở giáo dục (đối với nhà giáo ngoài công lập).

Về chính sách đối với nhà giáo, những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau, Chính phủ đã đưa ra khỏi dự thảo (quy định về áp dụng luật nhà giáo, về tổ chức xã hội - nghề nghiệp của nhà giáo, về chuẩn người đứng đầu các cơ sở giáo dục...).

Trưởng Ban Công tác đại biểu nói về vụ cô giáo thân mật với nam sinh - 2

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại phiên họp (Ảnh: Media.quochoi.vn).

Bên cạnh đó, một số nội dung chính sách quy định về chính sách tiền lương, phụ cấp, hỗ trợ đối với nhà giáo được rà soát kỹ lưỡng để vừa bảo đảm có đột phá, vừa phù hợp với bối cảnh thực hiện cải cách tiền lương trong thời gian tới.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, dự thảo sau khi được chỉnh lý đảm bảo không làm thay đổi 5 chính sách, gồm định danh nhà giáo; tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; quản lý nhà nước về nhà giáo.

Báo cáo thẩm tra dự án Luật Nhà giáo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Thường trực Ủy ban cơ bản nhất trí với các nội dung giải trình bổ sung về sự cần thiết xây dựng dự án Luật Nhà giáo của Chính phủ. 

Về hồ sơ dự thảo luật, Chính phủ đã tiếp thu nghiêm túc kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo luật đã được chỉnh lý, giảm 26 điều, chỉ quy định các nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội, không quy định các nội dung đã được điều chỉnh bởi các luật thi hành khác.

Hồ sơ dự thảo luật sau khi chỉnh lý cơ bản đáp ứng điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Về chính sách tiền lương, phụ cấp, đãi ngộ đối với nhà giáo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đánh giá đây là một trong những nội dung đột phá, đảm bảo thu hút, phát triển đội ngũ nhà giáo và ông cơ bản đồng tình. Song đề nghị tờ trình của Chính phủ cần lý giải đầy đủ hơn, lập luận cho thuyết phục.

Theo ông Tùng, dự thảo đang đề xuất giữ lại rất nhiều khoản phụ cấp, trong khi nghị quyết 27 đề nghị thu hẹp các chính sách phụ cấp.

Do đó, cần phân tích, lý giải hết sức đầy đủ để nghiên cứu xem nên giữ cái gì, không giữ cái gì, thuyết phục Quốc hội và báo cáo cơ quan có thẩm quyền.

Tương tự, vấn đề nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ hưu và không trừ tỷ lệ lương hưu cũng cần có nghiên cứu, lý giải một cách thuyết phục, trong trường hợp có quy định thực hiện khác phải có sửa đổi đồng bộ ở các luật.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm