1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Trưởng Ban cơ yếu lương cao hơn Phó Thủ tướng?

(Dân trí) - Thảo luận về dự án Luật cơ yếu chiều 11/8, thường vụ QH “bác” thẳng nhiều nội dung về vị trí, trách nhiệm của Ban cơ yếu Chính phủ. Ngoài ra các chế độ chính sách đối với cán bộ cơ yếu cũng bị “soi” nhiều bất hợp lý.

Vấn đề lớn được UB quốc phòng an ninh và ban soạn thảo dự án luật đưa ra xin ý kiến là đặt Ban cơ yếu Chính phủ là cơ quan thuộc Bộ Nội vụ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng hay thuộc Chính phủ để phù hợp với tính chất của hoạt động cơ mật đặc biệt về an ninh quốc gia.
 
Theo tinh thần của Nghị quyết TƯ 5 thì không giữ các cơ quan ngang bộ, thuộc Chính phủ có chức năng quản lý nhà nước. Phương án bố trí Ban cơ yếu thuộc một trong các Bộ Nội vụ, Công an hoặc Quốc phòng sẽ hợp định hướng.
 
Tuy nhiên, đặt ở Bộ Nội vụ thì giữ được ổn định, tránh xáo trộn về tổ chức nhưng lại không phù hợp với tính chất hoạt động cơ yếu cũng như việc tố chức, quản lý, thực hiện chế độ chính sách với cán bộ công tác ở Ban cơ yếu.
 
Sau phiên thảo luận lần đầu trong kỳ họp QH vừa qua, chỉ 11/130 đại biểu nhất trí phương án đặt Ban cơ yếu Chính phủ thuộc Bô Nội vụ. Tý lệ tán đồng lớn nhất lại “đi ngược” Nghị quyết TƯ 5 với 53/130 ý kiến biểu quyết.
 
Trưởng Ban cơ yếu lương cao hơn Phó Thủ tướng? - 1
Đặt Ban cơ yếu thuộc Bộ Quốc phòng để phù hợp truyền thống của lực lượng?
 
Về chế độ, chính sách đối với người làm việc trong tổ chức cơ yếu, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng tỏ ý băn khoăn cho rằng, quy định hiện tại, mức trần về lương cho một cán bộ cơ yếu lên tới hệ số 8,6 lần lương tối thiểu, tương ứng cấp Trưởng Ban cơ yếu mang hàm thiếu tướng. Nếu lên hàm trung tướng, hệ số lương là 9,2.
 
Ngoài bậc lương này, cán bộ cơ yếu còn được hưởng thêm hệ số 1,3 phụ cấp trách nhiệm. Khi đó, lương của cán bộ này còn cao hơn chế độ áp dụng cho Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng.
 
Chủ nhiệm UB dân nguyện Trần Thế Vượng nhìn nhận ở khía cạnh khác. Ông nêu con số 70% cán bộ Ban cơ yếu Chính phủ hiện nay là sĩ quan quân đội, công an, chỉ hơn 20% thuộc khối dân sự.
 
Ông Vượng cho rằng đây là điểm mâu thuẫn nếu đặt Ban cơ yếu thuộc Bộ Nội vụ như đề xuất của cơ quan soạn thảo. Ngoài ra phần lớn người trong Ban là cán bộ biệt phái, nói là người thuộc Bộ Nội vụ nhưng lại chỉ chịu trách nhiệm với đơn vị “gốc” của mình.
 
Việc phong hàm, thăng tước, giáng cấp bậc… cũng không do bộ chủ quản mà do thủ trưởng đơn vị bộ đội, công an có cán bộ biệt phái quyết định. Mặt khác, Bộ trưởng Nội vụ cũng không thể quản lý được công việc của lực lượng cán bộ cơ yếu này vì đây là lĩnh vực cơ mật, bất khả tiết lộ.
 
Ông Vượng suy ra, có xảy ra việc gì dù tốt hoặc chưa tốt ở Ban cơ yếu thì xác định trách nhiệm thuộc lãnh đạo Bộ Công an hay Bộ Nội vụ vẫn khó thuyết phục. “Bản chất vấn đề là ‘đầu’ công an, quân đội mà về tổ chức lại ‘đặt gá’ vào Bộ Nội vụ” - ông Thuận “phê” thẳng.
 
Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu lại “xoáy” vào quy trình. Bộ Chính trị vừa qua đã yêu cầu Chính phủ sơ kết việc thực hiện Nghị quyết 41 về công tác cơ yếu để làm cơ sở đánh giá, xây dựng luật mới. Nhưng đến nay, sau khi dự thảo luật “ách” lại trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, ban soạn thảo vẫn chưa hoàn thành việc sơ kết mà vẫn tiếp tục trình xin ý kiến thường vụ.
 
Trưởng Ban cơ yếu đương nhiệm Trần Nguyên Bình “đỡ lời”, việc sơ kết vẫn đang tiến hành, cuối tháng 9 dự kiến sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc về công tác này để tổng hợp kết quả.
 
Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng kiên quyết gạt bỏ mọi lý lẽ biện minh, tuyên bố “rút” vấn đề, yêu cầu thực hiện đúng quy trình như chỉ đạo của Bộ Chính trị dù việc này có thể làm chậm lộ trình thông qua Luật cơ yếu (dự kiến trong kỳ họp QH cuối năm).
 
P. Thảo