Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - Vị tướng nặng tình với đồng đội

(Dân trí) - Đi qua chiến tranh, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên không thể quên những đồng đội, chiến sĩ đã ngã xuống. Là Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, ông đã đề xuất xây dựng một nghĩa trang quy mô làm nơi an nghỉ vĩnh hằng cho các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh.

Đường Trường Sơn (đường Hồ Chí Minh) đã gắn liền với tên tuổi và cuộc đời binh nghiệp của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn. Bản thân ông cùng các đồng chí, đồng đội đã làm nên một huyền thoại, góp phần đem lại sự thắng lợi cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.

Đường Trường Sơn trên bộ ra đời ngày 19/5/1959, do yêu cầu chi viện ngày càng lớn cho chiến trường miền Nam. Thời điểm ấy, nhiệm vụ xây dựng con đường xuyên Trường Sơn trở thành nhiệm vụ chiến lược, có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của cách mạng. Từ tính chất quan trọng như vậy, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương có chủ trương xây dựng và phát triển đoàn 559. Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên là người được giao nhiệm vụ làm Tư lệnh của Bộ đội Trường Sơn.

 

Khu di tích Bến Tắt, địa danh lịch sử trên tuyến đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh
Khu di tích Bến Tắt, địa danh lịch sử trên tuyến đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh

Những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, đường Trường Sơn (đường Hồ Chí Minh) là tuyến giao thông chiến lược và có ý nghĩa quan trọng trong việc chi viện sức người, sức của vào chiến trường miền Nam.

Thời gian Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đảm nhận vị trí Tư lệnh (1967-1975) được xem là giai đoạn ác liệt của cuộc chiến tranh. Từ những con đường mòn nhỏ, đường Hồ Chí Minh đã phát triển thành tuyến vận tải lớn, vào lúc cao điểm quân số lên tới trên 12 vạn người, với 8 Sư đoàn trực thuộc cùng 1 Sư đoàn cao xạ và tên lửa.

Khu di tích Bến Tắt, địa danh lịch sử trên tuyến đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên báo cáo với Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch đường 9 - Nam Lào (ảnh tư liệu)

Có thể khẳng định rằng, đường Hồ Chí Minh đã làm tròn sứ mệnh chuyển tải cơ sở vật chất, vũ khí, cơ động các lực lượng quân, binh chủng với quy mô ngày càng lớn, cả chiến lược, chiến dịch, chiến thuật, thỏa mãn mọi nhu cầu, bảo đảm cho chiến trường, góp phần đưa cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi hoàn toàn.

 

Đền tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ Bộ đội Trường Sơn
Đền tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ Bộ đội Trường Sơn

Trong cuộc chiến ấy, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ đã vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất này để đảm bảo cho tuyến đường luôn được thông suốt, phục vụ tốt việc chi viện từ hậu phương miền Bắc vào chiến trường miền Nam.

Để trọn tình, trọn nghĩa với đồng chí, đồng đội đã hy sinh, đầu năm 1974, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã quyết định xây dựng nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn tại khu đồi Bến Tắt, nằm ở chân phía Đông dãy Trường Sơn, cạnh trục đường Hồ Chí Minh Đông Trường Sơn.

Khu đồi Bến Tắt ở bờ Nam sông Bến Hải, thuộc xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh cũng là nơi đóng Sở chỉ huy của Bộ Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn trong giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Khu vực Bến Tắt, phía Nam sông Bến Hải cũng từng là nơi đặt Sở chỉ huy của Bộ đội Trường Sơn
Khu vực Bến Tắt, phía Nam sông Bến Hải cũng từng là nơi đặt Sở chỉ huy của Bộ đội Trường Sơn

Nghĩa trang Trường Sơn do Bộ đội Trường Sơn thiết kế, quy hoạch và trực tiếp xây dựng, quản lý. Các phần mộ liệt sỹ được chính đồng đội của mình đã chiến đấu ở Trường Sơn quy tập về đây chôn cất và chăm sóc.

Nghĩa trang Trường Sơn, nơi an nghỉ vĩnh hằng của hơn 10 vạn anh hùng, liệt sĩ
Nghĩa trang Trường Sơn, nơi an nghỉ vĩnh hằng của hơn 10 vạn anh hùng, liệt sĩ

Việc đề xuất xây dựng nghĩa trang cũng như công tác quy tập hài cốt các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trên các chiến trường đưa về đây an nghỉ đã thể hiện tâm huyết lớn lao của vị tướng Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn. Từ trong tâm khảm của mình, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên luôn đau đáu về đồng đội, những cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Từng có nhiều năm gắn bó với đường Hồ Chí Minh huyền thoại, dù sống đến gần cuối cuộc đời nhưng Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên vẫn luôn nghĩ về đồng đội. Mới đây, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên vừa có đơn gửi UBND tỉnh Quảng Trị bày tỏ nguyện vọng sau khi từ trần được về an nghỉ tại Nghĩa trang Trường Sơn, để được gần gũi với đồng chí, đồng đội của mình. Đáp lại những tình cảm sâu sắc của ông, UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã đồng ý với nguyện vọng trên của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã từng nhiều năm gắn bó với con đường Hồ Chí Minh, góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đặc biệt, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là người dành nhiều tâm huyết, thường xuyên quan tâm chỉ đạo và trực tiếp điều hành quá trình tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ bộ đội Trường Sơn.

“Ban thường vụ tỉnh đã họp và đồng ý nguyện vọng trên của ông, nhưng còn phải chờ ý kiến của Bộ Lao Động, Thương binh - Xã hội. Về việc chọn địa điểm an nghỉ sau này cho Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, tỉnh sẽ xem xét, bố trí cho ông nằm cạnh Nghĩa trang Trường Sơn” – ông Chính nói.

Những đóng góp của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cùng các cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn Trường Sơn đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận. Tuyến đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh đã góp phần quan trọng, đem lại sự thắng lợi trong chiến tranh, và ngày nay đang tiếp tục phát huy vai trò to lớn trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua nhiều tỉnh trong nước, đặc biệt là tỉnh Quảng Trị đã tạo nên bước đột phá trong phát triển khu vực phía Tây các tỉnh này.

Đi trên con đường huyền thoại, chúng ta có thể nhận thấy một diện mạo mới là những bản làng trù phú dọc hai bên con đường Trường Sơn lịch sử, một màu xanh ngút ngàn của cây cối, ruộng đồng được hồi sinh một cách mạnh mẽ từ trong đau thương, chết chóc.

Đặc biệt, vào năm 2014, nhân kỷ niệm 55 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh – Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 – 19/5/2014), Chính phủ đã trao tặng Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh.

Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn nằm trên “mảnh đất thép” Quảng Trị hiện là nơi an nghỉ của hơn 10 vạn anh hùng, liệt sĩ. Phần lớn trong số ấy là những cán bộ, chiến sĩ các binh chủng Bộ đội Trường Sơn, thanh niên xung phong, công nhân giao thông, dân công hỏa tuyến… đã hy sinh trong quá trình chiến đấu, mở đường Trường Sơn.

Thế hệ trẻ đến dâng hương lên phần mộ để tri ân các liệt sĩ
Thế hệ trẻ đến dâng hương lên phần mộ để tri ân các liệt sĩ

Mỗi ngày, Nghĩa trang này đón rất nhiều đoàn khách các nơi đến đây dâng hương, dâng hoa tri ân các anh hùng, liệt sĩ. Đặc biệt, vào mỗi dịp kỷ niệm ngày thương binh, liệt sĩ, ngày chiến thắng, các dịp Lễ, Tết…luôn thu hút hàng ngàn lượt người đến đây tri ân những người đã khuất. Những ai đến đây cũng bày tỏ sự thành kính, tưởng nhớ những người con của đất nước đã anh dũng ngã xuống vì nền hòa bình hôm nay.

Đ. Đức