1. Dòng sự kiện:
  2. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
  3. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Trung thu thăm “làng đèn ông sao”

(Dân trí) - Những ngày này, đến làng Báo Đáp, từ đầu làng đến cuối làng đều tràn ngập đèn ông sao. Từ Báo Đáp, đèn ông sao tỏa đi từ Bắc tới Nam, mang cái tết Trung thu đầy ý nghĩa đến cho thiếu nhi.


Làng Báo Đáp, xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định từ lâu đã nổi tiếng là làng nghề làm đèn ông sao truyền thống. Mỗi năm làng Báo Đáp cung cấp hàng triệu chiếc đèn ông sao đi khắp cả nước. Mùa Trung thu, người dân Báo Đáp tất bật làm đèn giao hàng cho đúng hẹn với khách hàng.

Theo như sử sách thì trước kia làng Báo Đáp có tên là làng Hóp, vào thời vua Lê - chúa Trịnh, người dân làng Hóp đã có công lớn trong việc giúp vua Lê diệt chúa Trịnh, vì vậy đến năm Cảnh Hưng thứ 15 (Quý mùi - 1763), vua Lê Hiển Tông xuống chiếu đặt tên mới cho làng Hóp là làng Báo Đáp, với ngầm ý trả ơn những nghĩa cử cao đẹp của dân làng Hóp.

Ngày nay, làng Báo Đáp còn được gọi với một cái tên khác là làng “đèn ông sao”. Hiện nay, gần như chỉ còn duy nhất làng Báo Đáp là làm đèn ông sao truyền thống thủ công. Trải qua biết bao nhiêu thăng trầm, biến cố của lịch sử, nhưng làng Báo Đáp vẫn giữ nguyên được vẻ đẹp và truyền thống làm đèn ông sao đã trở thành thương hiệu nổi tiếng khắp cả nước. Nghề làm đèn ông sao ở Báo Đáp đã có từ rất lâu đời, người dân Báo Đáp cứ nối tiếp thế hệ này sang thế hệ khác, cứ đến dịp tết Trung thu hàng trăm vạn chiếc đèn lồng từ nơi đây lại tỏa đi khắp nơi.

 Đến làng Báo Đáp không khó để gặp cảnh mọi người làm đèn ông sao.
 Đến làng Báo Đáp không khó để gặp cảnh mọi người làm đèn ông sao.

Để chuẩn bị làm đèn ông sao vào dịp tết Trung thu là cả một quá trình. Bắt đầu từ tháng giêng (âm lịch), người dân nơi đây bắt đầu kết hợp lại với nhau, thông thường thì 3 đến 4 hộ gia đình, thuê một chuyến xe vào huyện Quan Hóa và Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa mua tre nứa về ngâm dưới sông khoảng 2 tháng. Như vậy khi tre nứa được chẻ ra làm nan sẽ có độ dẻo, chiếc đèn sẽ căng phồng, không bị gãy. Sau đấy họ lại thuê xe mua xương cây đay ở các huyện Nam Trực, Hải Hậu hoặc đến tận Thái Bình về làm thanh cầm đèn, rồi lại mua giấy về in màu… Tất cả các công việc trên đều được chuẩn bị trong vòng 4 tháng trước khi làng Báo Đáp vào mùa làm đèn.

Từng công đoạn làm chiếc đèn ông sao dù có nhỏ như thế nào từ chẻ tre, vót nứa, in hoa văn, màu sắc trên giấy bóng, đến cắt khung, làm xương đèn, dán giấy bóng, lắp cán… Tất cả đều đòi hỏi sự chính xác, tỷ mỉ, kiên trì của người làm đèn. Đèn ông sao được chia làm 3 loại, loại lớn có đường kính 50cm, loại vừa 40cm và loại nhỏ 30cm.

Tìm đến nhà anh Nguyễn Văn Bản, một trong những gia đình làm đèn ông sao truyền thống lâu đời, nhìn xung quanh nhà khắp nơi chi chít đèn lồng. Cậu con trai 9 tuổi của anh đang thoăn thoắt ghép những đèn lồng lại với nhau. Từ khi vào mùa làm đèn gia đình anh cũng đã làm được hơn 4 vạn cái xuất đi khắp nơi, xa nhất là tại thành phố Hồ Chí Minh.

Để làm được một chiếc đèn ông sao phải trải qua nhiều công đoạn.
Để làm được một chiếc đèn ông sao phải trải qua nhiều công đoạn.

Để kịp giao hàng cho khách khi tết Trung thu đã cận kề, gần như nhà nào cũng tận dụng hết nhân lực, từ người gia đến trẻ em đều có thể trở thành những người thợ lành nghề. Trung bình mỗi một người 1 ngày có thể làm được hơn 20 chiếc đèn ông sao.

Anh Bản cho biết: “Giá mỗi chiếc đèn lồng lớn trung bình là 4.500đ/chiếc, đèn nhỏ là 3.500đ/chiếc. Trừ chi phí đi nếu không thuê người làm thì mỗi chiếc đèn lời được khoảng độ 1.000đ đến 1.500đ. Nếu mùa Trung thu nào mà có bão thì hàng ế gần hết, còn nếu thời tiết đẹp thì bán rất chạy…”.

Gia đình ông Nguyễn Văn Xã (sinh năm 1963) là một trong những hộ làm đèn ông sao nhiều nhất nhì ở Báo Đáp. Tiếp chúng tôi nhưng tay ông Xã vẫn làm thoăn thoắt việc chẻ tre làm đèn, thời gian gấp rút nên ông và vợ cũng cố làm giao hàng kịp cho khách, gần 3 tháng làm đèn ông cũng đã bán được hơn 7 vạn cái đèn cho thương lái từ Bắc tới Nam.

Từ cụ già cho đến các em nhỏ đều trở thành những người thợ lành nghề.
Từ cụ già cho đến các em nhỏ đều trở thành những người thợ lành nghề.
Từ cụ già cho đến các em nhỏ đều trở thành những người thợ lành nghề.

Ông Xã cho biết, gia đình ông đã gắn bó với nghề được gần 40 năm nay. Mặc dù là nghề “mưa không đến mặt, nắng không đến đầu”, nhưng lại đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỷ mỉ và khéo tay. Để cho năng suất cao hơn, trước đây một số gia đình đã thử áp dụng làm đèn ông sao bằng máy móc. Các thanh tre nứa được thay bằng nhựa ép, sản xuất hàng loạt nhanh gấp mấy lần làm thủ công. Nhưng khi dán giấy bóng vào các thanh nhựa lại không kết dính tốt, nên phải quay lại làm thủ công.

Cùng với sự phát triển của xã hội, điều kiện kinh tế của các gia đình cũng tăng lên, trẻ em cũng được bố mẹ quan tâm nhiều hơn. Trước sự du nhập của đồ chơi hiện đại, sự lấn át của hàng ngoại như đèn lồng điện, đèn ông sao điện… đèn ông sao Báo Đáp vẫn giữ nguyên được vẻ gần gũi và thấm đậm tính dân tộc.

Đức Văn


Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm