Trung tâm quản lý bay dân dụng giải thích về “sự cố” 1,4 triệu USD
(Dân trí) - Chiều 23/8, Trung tâm quản lý bay dân dụng Việt Nam (VATM) đã có buổi làm việc với một số báo để làm rõ những nghi vấn về sai phạm ở Trung tâm này khi thực hiện dự án: “Trung tâm kiểm soát không lưu đường dài, tiếp cận Hồ Chí Minh (AACC/HCM)”. Số tiền thất thoát được nêu ra trước đó <a href=" http://dantri.com.vn/Sukien/skphapluat/2006/7/131001.vip"> lên đến 1,4 triệu USD</a>.
Sự việc bắt đầu khi có thông tin về những phạm trong việc thực hiện gói thầu số 15, một trong 27 gói thầu của dự án. Đây là gói thầu mà hãng Thales (Pháp) trúng thầu với giá trọn gói là 9.650.000 USD.
Đáng chú ý nhất trong số những sai phạm của gói thầu này là việc VATM đồng ý thay đổi máy tính trong hợp đồng nên có thể gây thất thoát tài sản của Nhà nước.
Theo giải thích của VATM, trong quá trình thực hiện hợp đồng, do những nguyên nhân khách quan, bất khả kháng nên đã có những thay đổi liên quan đến phần máy tính và màn hình của hợp đồng ký kết. Khi thương thảo hợp đồng, Ban quản lý dự án đã chọn loại máy tính IBM pSeries 615-1 Power4 (giá từ 4.500-5.000 USD/chiếc). Nhưng khi thực hiện hợp đồng, hãng Thales cho rằng loại máy IBM này không phù hợp với cả phần cứng và phần mềm của Hệ thống tự động quản lý không lưu nên phải đổi chủng loại máy.
Ban quản lý dự án đã lựa chọn loại máy tính Thales AMD Opteron 64 (tương đương với AMD Opteron 146) của hãng sản xuất và cung cấp Nijkerk, Cộng hòa Pháp, xuất xứ Châu Âu thay cho loại IBM nói trên.
Điều khó hiểu là ngay từ khi chào thầu, hãng Thales đã chào loại máy tính AMD Opteron 144, CPU 64bit, xuất xứ Mỹ (2000USD/chiếc). Tuy nhiên, VATM lý giải là do chưa quen sử dụng loại máy này nên khi thương thảo hợp đồng, VATM đã chọn loại máy tính IBM pSeries 615-1 Power4. Cuối cùng lúc thực hiện hợp đồng, VATM lại đồng ý sử dụng loại AMD Opteron 64 (tương đương với AMD Opteron 146).
Giải thích về việc tại sao khi thay đổi máy tính, giá máy tính khác nhau nhưng VATM vẫn giữ nguyên giá thanh toán theo hợp đồng? Ông Nguyễn Văn Thăng, Phó tổng giám đốc VATM cho rằng, VATM đã cùng Thales tham khảo trên Internet và thống nhất, khi thay đổi máy tính từ IBM sang Thales AMD cũng phải lấy đúng đơn giá phần cứng tối đa là 5.000USD/cái.
Tuy nhiên, vẫn có ý kiến nghi ngờ vì tại sao đã đổi ngang như vậy mà Thales vẫn đồng ý cung cấp thêm 3 danh mục để “bù giá chênh lệch” với tổng trị giá hơn…300.000 USD. Đó là Hệ thống thử nghiệm độc lập, một khóa đào tạo kiểm soát viên không lưu tại nhà máy, cấp thêm 5 máy tính AMD Opteron 64…
Những phần này, lãnh đạo VATM cho rằng đã làm lợi cho nhà nước hàng trăm ngàn USD.
Một câu hỏi nữa được đặt ra và chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng, đó là chất lượng lâu dài và tính ổn định của loại máy Thales AMD 64 so với IBM pSeries 615-1 Power4.
Theo tài liệu, một số cấu kiện bên trong của máy tính đã bị thay đổi, đa số là sản xuất ở Trung Quốc, Đài Loan… Giải thích về vấn đề này, VATM cho rằng, theo hồ sơ mời thầu “các thiết bị chính trong dự thầu phải đầy đủ, mới nguyên, sản xuất sau 2002 tại các nước Bắc Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản…”. Như vậy, máy tính phải được hiểu là tích hợp nguyên chiếc, không có yêu cầu liên quan đến cấu kiện bên trong máy tính và trong xu thế hội nhập có sự dịch chuyển các nhà máy sản xuất cấu kiện từ Châu Âu, Bắc Mỹ hoặc Nhật Bản sang các nước đang phát triển nên không nhà thầu nào có thể đáp ứng yêu cầu về nơi sản xuất.
Lời giải thích này chưa thuyết phục được những người tham dự.
Đức Hòa