1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Nam Định:

Trung tâm bảo trợ Trực Ninh không đủ điều kiện thành lập?

(Dân trí) - Vì mục đích nhân đạo, nhiều điều kiện, quy chuẩn thành lập một trung tâm bảo trợ xã hội đã được “chín bỏ làm mười”, lãnh đạo huyện Trực Ninh cho biết về thủ tục thành lập Trung tâm bảo trợ xã hội của huyện này.

Sau những sai phạm về việc làm giả hồ sơ, giấy tờ nguồn gốc hàng trăm trẻ bị bỏ rơi “gom” vào Trung tâm trợ giúp nhân đạo trẻ huyện Ý Yên và Trung tâm bảo trợ xã hội huyện Trực Ninh bị phát giác, Sở LĐ-TB&XH tỉnh đã tiến hành kiểm tra, giám sát lại hoạt động của 2 trung tâm này.

Thông tin ban đầu, Trung tâm bảo trợ xã hội huyện Trực Ninh không đủ điều kiện thành lập nhưng vẫn được “cấp phép” tháng 2/2005, theo quyết định của UBND huyện. Trung tâm đã tổ chức tiếp nhận trẻ và đưa đi nước ngoài hàng loạt trong thời gian 3 năm hoạt động.

Điều kiện hạn chế, Trung tâm không thể tiếp nhận, nuôi dưỡng cùng lúc số lượng lớn trẻ. Nhưng hơn 3 năm qua, 242 trẻ, chủ yếu là sơ sinh đã được đưa về trung tâm. Hầu hết các cháu chỉ “dừng chân” ở trung tâm trong một vài tháng là được làm thủ tục cho làm con nuôi người nước ngoài.

Đến nay, đã có 221 trẻ “xuất ngoại” thành công, chủ yếu là sang Pháp, Ý, Mỹ. Hiện vẫn chưa có thống kê chính xác bao nhiêu trẻ trong số này được “chạy” hồ sơ trót lọt.

Chủ tịch UBND huyện Trực Ninh, ông Nguyễn Mạnh Đạt, xác nhận, vào thời điểm thành lập, do nghĩ đến mục tiêu nhân đạo, huyện đã chấp nhận “nới tay”, bỏ qua một số điều kiện, quy chuẩn thành lập một trung tâm bảo trợ xã hội.

Giám đốc Sở Tư pháp Nam Định Lê Cao Tuyên cũng khẳng định, trung tâm bảo trợ xã hội huyện Trực Ninh do UBND huyện quyết định thành lập, huyện phải có trách nhiệm quản lý, giám sát. Để xảy ra sai phạm ở đây, lãnh đạo Trung tâm và chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm.

Về vấn đề thủ tục “đầu ra” đưa trẻ ra nước ngoài làm con nuôi quốc tế, ông Tuyên khẳng định đã làm đúng thủ tục quy định. Hồ sơ của trẻ đưa về trung tâm đều chuyển qua công an tỉnh để xác minh nguồn gốc, trình tự đăng ký hộ tịch, vấn đề an ninh khi trẻ được người nước ngoài nhận làm con nuôi.

Việc thẩm định lý lịch trẻ, do đó, không phải do Sở Tư pháp mà do cơ quan công an tiến hành. Giám đốc Sở Tư pháp cho rằng, nếu có việc giả mạo hồ sơ, gian lận nguồn gốc trẻ mà công an tỉnh không phát hiện thì Sở cũng “bó tay”.

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm