1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Trưng bày hiện vật về cắm mốc biên giới Việt - Trung

(Dân trí) - 8 năm đàm phán, gùi từng cân xi măng, sắt thép, phương tiện… lên đỉnh núi để “trồng” nên 1.971 cột mốc trên 1.400km biên giới Việt - Trung. Những con số, hình ảnh đó được tái hiện trong triển lãm “Biên giới hoà bình, hữu nghị” khai mạc chiều 7/4.

Trưng bày hiện vật về cắm mốc biên giới Việt - Trung  - 1
Hàng trăm tư liệu lịch sử về mốc giới Việt - Trung được trưng bày tại triển lãm
 
Gần 300 tư liệu, hiện vật được trưng bày tại Nhà triển lãm 45 Tràng Tiền, Hà Nội là câu chuyện sinh động về công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Triển lãm do Cục thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp với Bảo tàng Biên phòng, Cục chính trị (Bộ Tư lệnh biên phòng), Uỷ ban biên giới quốc gia (Bộ Ngoại giao) tổ chức.

Không gian phòng triển lãm tập trung vào chùm ảnh giới thiệu một số cột mốc trong hệ thống mốc quốc giới (gồm 314 mốc) từ Móng Cái đến tận biên giới Lào - Trung do Chính phủ Pháp (nhân danh Việt Nam) và Triều đình Mãn Thanh (Trung Quốc) cắm trên biên giới Việt Nam - Trung Quốc theo Công ước ngày 26/6/1887 và Công ước bổ sung ngày 20/6/1895 giữa Chính phủ Pháp và Triều đình Mãn Thanh.

Đây là các văn bản pháp lý quốc tế đầu tiên xác định biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc đang tồn tại đến ngày nay.

Nhiều hình ảnh và hiện vật sống động cũng phản ánh những vất vả, khó khăn của lực lượng làm nhiệm vụ phân giới cắm mốc trong suốt quá trình khảo sát, bám thực địa để cắm từng cột mốc giới. Cờ hiệu, trang bị thường dùng của cán bộ phân giới cắm mốc (bi đông, giày vải, thắt lưng…), đồ dùng của đồng bào dân tộc các tỉnh biên giới đã cùng chia sẻ những khó khăn, vất vả với các cán bộ phân giới cắm mốc khi vận chuyển cột mốc (mốc đại nặng 950kg, mốc trung 500kg và mốc tiểu 300kg) lên những địa hình hiểm trở... hội đủ trong phòng triển lãm.
 
Trưng bày hiện vật về cắm mốc biên giới Việt - Trung  - 2
Khu vực thác Bản Giốc đã hoàn tất việc phân giới, cắm mốc.

Triển lãm cũng phản ánh những hình ảnh và hiện vật cột mốc biên giới đầu tiên (trong đó có một số hiện vật gốc), mẫu thiết kế cột mốc mới.

Suốt 8 năm (kể từ Hiệp ước về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc năm 1999 cho đến 31/12/2008 hoàn thành công tác phân giới cắm mốc trên toàn tuyến Việt - Trung), đã có 13 vòng đàm phán cấp Chính phủ, 31 vòng đàm phán cấp Uỷ ban liên hợp phân giới cắm mốc.

Cùng với việc ký Hiệp định phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định Hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ năm 2000, việc hoàn thành phân giới cắm mốc đường biên giới trên bộ đã giúp hai bên giải quyết dứt điểm 2 trong số 3 vấn đề lớn do lịch sử để lại trong quan hệ Việt - Trung.

P.Thảo