Trùm “sưa tặc” lĩnh 9 năm tù
(Dân trí) - Trùm “sưa tặc” được xác định là đối tượng tổ chức, lôi kéo nhiều người, có cả trẻ vị thành niên làm 14 vụ chặt trộm sưa trong đêm. Bị cáo nhận án 9 năm tù giam trong khi nhiều đồng phạm được hạ án treo so với đề nghị hôm qua của VKS.
Nhóm bị cáo "đầu vụ" trong giờ tuyên án.
Nguyễn Đăng Mạnh, Đào Trọng Sơn được xác định vai trò đồng phạm tích cực với Tuấn khi cùng tham gia lên kế hoạch, định vị trí “hành sự” mỗi đêm, cùng nhận 4 năm 6 tháng tù. Phạm Văn Dũng vai trò cảnh giới và trực tiếp cưa chặt cây trong 14 vụ đi cùng nhóm Tuấn, cũng chịu chung mức án như trên.
Bị cáo Đào Văn Đằng khởi xướng, rủ rê đồng bọn 2 vụ “ăn lẻ”. Sau đó Đằng bị bắt trong 1 vụ trộm cắp tài sản khác, bị phạt 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Khi bị phát giác tham gia vụ chặt trộm cây, Đằng được xác định phạm tội trong thời gian thử thách. Mức án dành cho bị cáo, ngoài 3 năm tù tội “trộm cắp tài sản”, 1 năm tội “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội” trong vụ gỗ sưa, cộng với bản án còn treo, Đằng còn phải chấp hành án 6 năm 11 tháng 27 ngày tù.
Trong nhóm 25 tay cưa tay rìu dính tội “trộm cắp tài sản”, nhiều bị cáo được xét cho hưởng án treo hơn so với đề nghị của đại diện VKS hôm qua. 4 bị cáo khác được áp mức án bằng đúng số ngày bị tạm giam, được trả tự do ngay sau phiên tòa.
Nhóm 10 bị cáo “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội” hầu hết mức án chỉ 12-15 tháng tù, nhiều người được cho hưởng án treo.
Các "sưa tặc" bị áp giải trở lại trại giam.
Hình phạt dành cho các bị cáo tập trung vào trách nhiệm bồi thường số tài sản đã chiếm đoạt, thu hồi những khoản lợi bất chính. Từng cây sưa trong mỗi vụ án các bị cáo chặt hạ trộm được đơn vị chủ quản nêu mức yêu cầu bồi thường hoặc được định giá để xác định số tiền chiếm đoạt.
Nếu số tiền yêu cầu bồi thường thấp hơn so với giá trị tài sản các bị cáo bán được, chia chác, khoản chênh lệch sẽ tiếp tục bị tịch thu xung công quỹ nhà nước.
Vụ chặt cây sưa ở chùa Trầm (Hoài Đức), chính quyền xã yêu cầu mức bồi thường 200 triệu đồng nhưng cơ quan định giá xác định giá trị thực tế của cây sưa bị chặt chỉ 20,6 triệu đồng nên các bị cáo chỉ bị buộc chia trách nhiệm hoàn trả khoản đó. Tương tự, cây sưa ở đền thờ Hai Bà Trưng chỉ được chấp nhận bồi thường 39 triệu đồng so với 100 triệu đồng đơn vị quản lý yêu cầu.
Trong khi đó, vụ chặt cây thứ 16 tại sân nhà K16-17 khu tập thể Bách Khoa được xác định giá trị 80 triệu triệu đồng, các bị cáo bán được 93 triệu đồng, Cty công viên Cây xanh Hà Nội chỉ đòi 2,7 triệu đồng theo đơn giá trồng mới, tòa quyết định các bị cáo phải truy nộp khoản chênh lệch hơn 90 triệu đồng xung công.
P.Thảo