Trùm mền trốn... lũ ống

Trong số 408 hộ phải di dời khẩn cấp ra khỏi vùng lũ ống, lũ quét thuộc triền sông Đak Rông và sông Ba Lòng - tỉnh Quảng Trị, có gần 100 hộ thuộc diện khẩn cấp của... khẩn cấp.

Họ sống tạm bợ, phiêu phỏng ngay bên mép sạt lở taluy âm của vực sông sâu hoắm, còn ngay trước mặt là núi dựng đứng, nguy cơ núi lở đè và lũ núi ụp xuống, tái bản thảm họa trong trận “đại hồng thủy” năm 2009.
Vợ chồng chị Hồ Thị Mới cùng hai đứa con sống trong ngôi nhà tạm. Ảnh: Lâm Chí Công
Vợ chồng chị Hồ Thị Mới cùng hai đứa con sống trong ngôi nhà tạm. Ảnh: Lâm Chí Công

Đã 3 năm trôi qua, dự án di dân khẩn cấp vẫn đang... “trùm mền”, người dân vẫn phải sống trong nỗi sợ hãi kinh hoàng mỗi khi rừng đổ mưa.  

Khẩn cấp... rùa bò

Trận lũ lớn và bất ngờ cuối năm 2009 xảy ra tại huyện vùng cao Đak Rông đã gây hậu quả rất lớn và lâu dài, ước tính kéo huyện miền núi này tụt hậu trở lại phải chục năm. Hàng trăm ngôi nhà của dân, trường học, nhà nội trú của con em đồng bào dân tộc thiểu số, trạm y tế, công trình nước sạch tại hai xã Húc Nghì và Ba Lòng đã bị lũ ống, lũ quét cuốn trôi chỉ trong nháy mắt. Ngay sau trận “đại hồng thủy”, nhiều đoàn quan chức trung ương về tận nơi thực địa, khảo sát, nghiên cứu.

Kết quả là dự án di dân khẩn cấp ra khỏi vùng lũ ống, lũ quét vùng chiến khu Ba Lòng, xã Húc Nghì và các xã lân cận thuộc huyện Đak Rông đã ra đời từ năm 2010. Theo đó, sẽ có 408 hộ sinh sống dọc triền sông Đak Rông hung dữ (do rừng đầu nguồn bị tàn phá cộng với hệ thống đập thủy điện ngăn sông) sẽ được di dời đến nơi ở mới, tập trung trước mùa mưa lũ năm sau.

“Nhưng, cho đến lúc này, mọi thứ vẫn chưa ra môn ra khoai gì cả, mặt bằng khu tái định cư cũng chỉ mới ủi trây ra thôi, cầu tràn qua sông cũng dang dở, chưa nói toàn bộ 188 hộ của dự án, đặc biệt là 25 hộ dân sống ngay bên mép sông Đak Rông đầy nguy hiểm vẫn chưa thể di dời ra khỏi vùng khẩn cấp được. Bà con sau trận lũ năm 2009, bị trôi hết nhà cửa, tài sản, hiện chỉ làm được nhà tạm ngay trên nền đất còn lại, nguy cơ sụt lở, trôi nhà rất là cao.

Bà con bức xúc lắm, kéo nhau lên ủy ban hỏi, răng Nhà nước nói di dời khẩn cấp khỏi nơi ở cũ, mà chờ mấy năm trời rồi vẫn chưa được ra. Lãnh đạo xã cũng không biết răng mà ăn nói với dân, cứ hứa tới, hứa tới rứa đó...” - ông Hồ Văn Đàm - Bí thư Đảng ủy xã Húc Nghì, thành viên Ban quản lý dự án di dân khẩn cấp - nói.

Chị Hồ Thị Mới (20 tuổi) hai tay địu hai đứa con, đứa 3 tuổi và đứa nhỏ gần 2 tuổi đi lấy nước trên núi bằng 2 cái bon loại 3 lít. Thấy tôi cùng Chủ tịch xã Húc Nghì là anh Hồ Văn Ngọc đứng nhìn xóm nhà tạm bên miệng sông, chị Mới kêu lên: “Khổ lắm cán bộ ơi! Từ ngày nhà trôi (2009) vì lũ ống đến nay, vợ chồng miềng ở trong căn lều tạm bợ như ri, mấy tấm tôn lợp trên mái gió đập hư cả rồi, bốn phía thì thưng bằng tre, mưa là nhà ướt sũng như ở ngoài trời vậy”.

Ông Hồ Văn Quyền - nhà chỉ còn cách mép vực sông lở chưa tới mét rưỡi - nói: “Nhìn khu tái định cư bên tê sông đã chộ chi mô, tới chừ mà san ủi mặt bằng chưa xong, cầu tràn qua sông cũng chưa xong, trong khi mùa mưa lũ đang tới rồi. Nếu mùa lũ ni mà vẫn ở ri miềng e sẽ trôi mất. Trận lũ ống hồi năm 2009 nước dâng lên quá nóc nhà tới mấy mét, tràn lên đường Hồ Chí Minh cả 2 mét. Dữ dằn lắm, chừ nghĩ tới trong người ớn lạnh như bị sốt rét rứa đó”.

Không có tiền, cầu tràn qua khu tái định cư bỏ dở dang... Ảnh: Lâm Chí Công
Không có tiền, cầu tràn qua khu tái định cư bỏ dở dang... Ảnh: Lâm Chí Công

28% và... trây ra

Tại trụ sở Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Trị - chủ đầu tư của dự án di dân khẩn cấp xã Húc Nghì, ông Nguyễn Hoàng Lan - Phó Chi cục trưởng - nói: “Theo quyết định, trung ương đầu tư cho dự án này 69 tỉ đồng, đến hôm nay (19.7-P.V) chỉ mới giải ngân được 20 tỉ đồng, đạt 28%, trong khi các nhà thầu đã hoàn thành khối lượng thi công từ 40 - 80%. Không có tiền, các nhà thầu ngừng thi công hoặc cầm cự có tính đối phó thôi.

Chúng tôi cũng đã nhiều lần họp, yêu cầu nhà thầu phải đẩy nhanh tiến độ, cũng dọa họ là rút lại công trình. Nhưng không phải dễ. Không có tiền thì rút lại giao cho ai, với lại các nhà thầu cũng có cái “gậy” pháp lý trong tay là quy định “không thực hiện khối lượng vượt quá mức vốn ngân sách trung ương, làm phát sinh nợ khối lượng và sẽ không có nguồn để thanh toán” do Sở KHĐT ban hành tháng 2.2012”.

Ông Lan cũng rên rỉ là mặc dù đã rất tích cực “vận động”, “đi lại” nhưng vốn liếng cho dự án khó khăn quá, mãi cho đến nay, khi thời hạn di dân ra khỏi vùng lũ ống, lũ quét đã cận kề (trước 31.7.2012), nhưng dự án vẫn chưa lọt được vào chương trình đầu tư nhà nước mà vẫn đang thuộc nhóm sử dụng nguồn dự phòng của ngân sách trung ương, mà đã dự phòng thì năm nào cũng vậy, đến cuối năm khi kết dư đã mới có vốn, nhỏ giọt.

“Bộ trưởng Cao Đức Phát lần nào vào Quảng Trị cũng đến thị sát vùng lũ ống, lũ quét Húc Nghì và chỉ đạo khẩn trương hoàn thành dự án di dân trước mùa mưa lũ, kẻo dân gặp nguy hiểm thì ân hận. Lãnh đạo tỉnh cũng chỉ đạo, ra lệnh hạn chót di dân. Nhưng, không có vốn thì chúng tôi cũng chịu” - ông Lan cho biết.

Những gì ông Lan nói đều là sự thật. Nhưng, còn có một sự thật nữa: Vốn đã ít nhưng lại bị chia năm sẻ bảy. Nếu nguồn lực được sử dụng tập trung và khôn khéo thì có lẽ ít nhất 25 hộ dân sống bên miệng lũ ống ở thôn Húc Nghì giờ này đã đến được vùng tái định cư. Những con số sau đây cho thấy điều đó: Đường nội bộ thi công được 40%, mặt bằng khu tái định cư san ủi được 80%, cùng lúc đó nhà công vụ giáo viên, cầu tràn, hệ thống cấp nước, kè chống xói lở bờ sông cũng... trây ra thi công mỗi nơi một chút.

Trong khi cầu tràn chưa xong, các hạng mục khác vẫn thi công được, người dân vẫn qua lại hai bờ sông để sản xuất trong mùa khô cho thấy chủ đầu tư đã trây vốn ra nhiều hạng mục, làm cho tiến trình di dời khẩn cấp 25 hộ đồng bào ra khỏi vùng nguy hiểm phải chậm lại và việc họ phải ở lại nơi cửa miệng lũ ống thêm một mùa mưa lũ 2012 này là hiện thực, chứ không còn là nguy cơ nữa.

20 triệu đồng để chạy lũ

Bà Nguyễn Thị Liên – Trưởng thôn Đá Nổi, xã Ba Lòng – nói: “Khu tái định cư Ba Lòng đã có mặt bằng và đường bêtông liên khu cơ bản rồi, nay bà con mong mỏi sớm có 20 triệu đồng hỗ trợ cho mỗi hộ như đã hứa để di dời nhà lên vùng tái định cư, càng mau càng tốt, chứ chậm thêm nữa là lũ về, khổ trăm bề mà nguy hiểm, mất của cải không biết bao nhiêu mà kể. Lụt năm ngoái, mới mưa chừng 3 tiếng đồng hồ, nước đã đổ về ngập hết cả 2 thôn Vạn Đá Nổi và Đá Nổi, hơn 130 hộ của 2 thôn chạy lũ, trốn vô 3 ngôi nhà cao nhất, còn lại heo, gà, của nả vứt hết, chạy thoát thân thôi mà cũng không kịp, vì nước về dữ lắm”.

Ông Lê Văn Hoàng – chủ hộ có 8 nhân khẩu ở thôn Đá Nổi – kéo tôi tới trước nhà ông, rồi chỉ cho tôi cái nền đất trước đó là nhà và  kể lể rất đau khổ: “Tích cóp cả đời làm được ngôi nhà xây, chưa kịp mừng, trận lũ ống hồi năm 2009 đã cướp đi toàn bộ ngôi nhà và tài sản. Cả nhà sống trong căn lều tạm chật chội ni chờ lên khu tái định cư khẩn cấp, nhưng chờ mãi vẫn không thấy. Mấy đứa con nít nhà tui trạo miệng với nhau, bữa ni tau khun (khôn) rồi, chộ nước lũ đổ về là lấy mền trùm kín trôốc (đầu) lại cho đỡ sợ đi. Nghe tụi nhỏ nói với nhau kiểu trốn lũ ống đó, tui càng lo hung, tui ngày mô cũng dặn, lỡ ba đi rừng chưa về mà nước lên to thì lo chạy qua đò nhà o Liên mà lên đôộng (núi) trốn nghe chưa”.

Cũng như ở “ống lũ” Húc Nghì, Chủ tịch UBND xã Ba Lòng Nguyễn Xuân Quang nói rằng, dự án phê duyệt thì có 220 hộ di dời khẩn cấp, nhưng tới thời điểm này, mặt bằng, đường sá, nước uống, điện đóm chi cũng đang lây bây cả, nhưng khẩn cấp nhất vẫn là gần 50 hộ ở tạm ngay cửa lũ ống, quá nguy hiểm. “Người dân chờ đợi 20 triệu đồng hỗ trợ để dời nhà lên khu tái định cư, nhưng trên nói chưa có tiền. Song thực tế là, nếu có tiền cấp ngay cũng không thể dời nhà kịp trước lũ” - ông Quang khẳng định.

Vậy là, khẩn cấp của... vấn đề là lúc này cần có ngay kế hoạch trợ giúp nơi ở, di dời 25 hộ dân sống trước cửa... lũ ống thôn Húc Nghì và kế hoạch di dân khi có mưa to cho 50 hộ ở 2 thôn Vạn Đá Nổi và Đá Nổi. Cả hai ông chủ tịch xã là Hồ Văn Ngọc và Nguyễn Xuân Quang cùng một giọng khẩn thiết, lo sợ: “Chứ mà lũ ống, lũ quét tràn về, dân có chuyện chi, bầy tui bị “cắt cổ” trước...”.

TheoLâm Chí Công

Lao động