1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Trực tiếp bầu Bí thư: Trọng trách với người đứng đầu

Việc thí điểm đại hội đảng bộ trực tiếp bầu bí thư cấp ủy đã phát huy được tính dân chủ của mỗi đảng viên và người trúng cử khi điều hành công việc cũng quyết liệt hơn, tránh được chủ quan tự mãn.

Trực tiếp bầu Bí thư: Trọng trách với người đứng đầu - 1
Việc thí điểm đại hội trực tiếp bầu bí thư cấp ủy giúp người trúng cử thấy trách nhiệm cao hơn trong điều hành công việc. Ảnh minh họa
 
Đó là ý kiến của ông Nguyễn Đức Hà, Vụ trưởng Vụ cơ sở đảng, Ban Tổ chức Trung ương về thực hiện thí điểm chủ trương đại hội đảng bộ cấp huyện trực tiếp bầu bí thư cấp uỷ.

Xin ông cho một số đánh giá qua thời gian thực hiện thí điểm chủ trương đại hội đảng bộ cấp huyện trực tiếp bầu bí thư cấp uỷ theo chỉ thị số 37-CT/TW của Bộ Chính trị?

Việc thực hiện thí điểm chủ trương đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở trực tiếp bầu bí thư cấp uỷ là vấn đề mới, nhằm mở rộng dân chủ trong Đảng và tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.

Có thể thấy một số nét nổi bật qua đại hội cấp huyện và cơ sở vừa qua là các báo cáo của cấp uỷ trình đại hội được chuẩn bị kỹ, công phu và nội dung chính được các đại biểu tham luận tại đại hội đều tập trung vào những vấn đề trọng yếu của địa phương.

Bên cạnh đó, các ý kiến phát biểu, tham luận tại đại hội đều thể hiện tinh thần xây dựng với trách nhiệm và không khí dân chủ cao.

Việc giới thiệu để bầu cấp ủy khoá mới của cấp uỷ đương nhiệm đều bảo đảm có số dư so với số lượng cấp uỷ cần bầu từ 15% trở lên, nhiều nơi dư trên 30%; tỷ lệ nữ, tuổi trẻ nhiều nơi đạt và vượt 15% theo quy định.

Quá trình thực hiện đại hội cấp cơ sở và quận huyện vừa qua có những vấn đề gì đáng lưu ý không thưa ông?

Tuy nhiên, trong công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội còn bộc lộ một số hạn chế như: Báo cáo chính trị của một số cấp uỷ quá dài, nội dung dàn trải, chưa đi sâu đánh giá làm rõ những nhiệm vụ trọng tâm của đảng bộ mình.

Báo cáo kiểm điểm của một số cấp uỷ còn nặng kiểm điểm về sự lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, chưa đi sâu phân tích, làm rõ ưu, khuyết điểm trong xây dựng, thực hiện quy chế làm việc của cấp ủy và chức trách, nhiệm vụ của mỗi cấp ủy viên; chưa chỉ rõ những nguyên nhân chủ quan, khách quan và những kinh nghiệm từ thực tiễn để có biện pháp sửa chữa, khắc phục trong nhiệm kỳ tới.

Thời gian và số lượng ý kiến thảo luận tại đại hội còn ít; các ý kiến tham luận mới chủ yếu tập trung vào báo cáo của đảng bộ cấp mình, rất ít ý kiến tham gia, đóng góp vào báo cáo của đại hội đảng bộ cấp trên và các dự thảo văn kiện trình Đại hội XI của Đảng.

Trong khi đó, đoàn chủ tịch đại hội vẫn chưa gợi mở và hướng việc thảo luận vào những vấn đề trọng tâm của địa phương, cơ quan, đơn vị mình hoặc những nội dung quan trọng còn có ý kiến khác nhau nên chưa tạo được không khí trao đổi, tranh luận tại đại hội.

Một số cấp uỷ chuẩn bị nhân sự chưa kỹ, chưa nắm chắc tình hình tư tưởng của đảng viên và chưa đánh giá sát, đúng cán bộ nên vẫn có một số trường hợp cán bộ chủ chốt được cấp uỷ đương nhiệm giới thiệu tái cử nhưng không trúng cử ban chấp hành.

Hơn nữa, danh sách giới thiệu để bầu vào cấp uỷ khoá mới của một số cấp uỷ tuy có số dư từ 15% trở lên theo quy định nhưng còn thể hiện rõ tính định hướng như: trong một đơn vị giới thiệu cả cấp trưởng và cấp phó; giới thiệu cả những cán bộ, đảng viên chỉ là chuyên viên hoặc những đảng viên trẻ vừa mới được chuyển thành đảng viên chính thức.

Nhiều nơi khi chuẩn bị danh sách để bầu cử cấp uỷ khoá mới thì đạt tỷ lệ nữ 15% theo quy định của Trung ương, nhưng kết quả bầu cử thì không đạt; tỷ lệ cấp uỷ viên trẻ rất thấp, cá biệt có nơi không có cấp uỷ viên nào dưới 35 tuổi. Chứng tỏ việc chuẩn bị nhân sự vẫn chưa được kỹ càng.

Có thể thấy, đây phải là trách nhiệm của cấp ủy, bởi không phải hôm nay muốn có cán bộ trẻ, cán bộ nữ là có thể có ngay được mà cần bám sát chỉ đạo của Trung ương đó là phải tiến hành qui hoạch ngay từ đầu nhiệm kỳ, thường xuyên đào tạo thêm cho lớp cán bộ này.

Tiếp đến là trách nhiệm của mỗi đảng viên trong việc phát hiện và thấy được chiều hướng phát triển của lớp cán bộ đó để có hướng phân công đảm đương từng nhiệm vụ cụ thể, chứ không làm theo kiểu qui hoạch “treo” và cuối kỳ đại hội mà làm không được thì qui vào trách nhiệm của cấp ủy khóa đó.

Từ thực tiễn trên, Ban Tổ chức Trung ương sẽ có những kiến nghị gì nhằm nâng cao chất lượng của các đại hội cấp tỉnh thánh phố tới đây thưa ông?

Đây là vấn đề mới, do đó các cấp ủy cần quán triệt sâu sắc cho cán bộ, đảng viên để tạo sự thống nhất nhận thức trong đảng bộ, trước hết là trong cấp uỷ và đội ngũ cán bộ chủ chốt.

Cấp ủy cấp trên cần chỉ đạo chặt chẽ, thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra và nắm chắc tình hình, xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh trong quá trình chuẩn bị và tổ chức đại hội.

Công tác chuẩn bị nhân sự cấp uỷ và bí thư cấp uỷ phải thực sự mở rộng và phát huy dân chủ, thực hiện đúng qui trình hướng dẫn của Trung ương và cấp uỷ cấp trên; đề cao trách nhiệm của tập thể cấp uỷ và phát huy trí tuệ của đại biểu đại hội. Cấp uỷ chủ động nắm chắc tình hình, giải quyết dứt điểm những vấn đề có liên quan đến nhân sự cấp uỷ.

Trong quá trình chuẩn bị đại hội, các cấp ủy cần quan tâm chỉ đạo thực hiện toàn diện, đầy đủ các nội dung của đại hội...

Xin cảm ơn ông!

Theo Quảng - Hạnh
Vietnam+