1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Trồng rau xanh ở Trường Sa

Thời tiết ở huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) thường khắc nghiệt. Có lúc nắng như đổ lửa, khi mùa mưa bão thì sóng, gió cuồn cuộn, mịt mù. Vì vậy, thành công trong việc trồng rau xanh trên các điểm đảo ở Trường Sa, thực sự là một kỳ công.

Thượng tá Nguyễn Viết Thuận - Phó Chủ tịch UBND huyện Trường Sa cho biết: Tổng sản lượng tăng gia nuôi trồng của huyện Trường Sa năm ngoái đạt gần 2 tỷ đồng, trong đó việc trồng rau xanh đạt gần 200 tấn, dù chưa đủ tiêu chuẩn và phải dựa vào sự cung cấp thêm từ đất liền, nhưng chừng đó cũng đủ để rau xanh thường xuyên có trong khẩu phần ăn hàng ngày của cán bộ, chiến sĩ và người dân trên các điểm đảo...

 

Việc trồng rau xanh ở Trường Sa, kể cả đảo chìm và đảo nổi, vốn được tiến hành từ lâu. Tuy nhiên, quá trình gầy dựng trải qua không ít lần thất bại, vì các loại rau xanh vốn rất nhạy cảm với thời tiết biển nói chung, nay lại phải sinh trưởng trong môi trường vô cùng khắc nghiệt giữa biển cả, nên việc trồng và chăm sóc càng gian nan bội phần. Những năm trước đây, việc trồng rau chưa vào quy củ, thiếu nước tưới, phân bón và phương pháp trồng chưa mang tính kỹ thuật cao, nên phần lớn chỉ có các đảo nổi mới thực hiện được. Nhưng để có màu xanh trong... bữa cơm, những ngọn rau ấy được các chiến sĩ chăm sóc không khác gì “nuôi con nhỏ”. Thời gian gần đây, được sự chi viện từ đất liền, những hạt giống rau tốt nhất và phù hợp với thời tiết ở đảo, các thùng composite, khay nhựa được chuyển ra Trường Sa, giúp các chiến sĩ rất nhiều trong khâu ươm giống và chăm sóc.

 

Trồng rau xanh ở Trường Sa

Vườn rau xanh trên đảo An Bang thuộc tuyến các đảo phía Nam của quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa). Ảnh: Hoàng Hùng - TTXVN

 

Thượng úy Đỗ Văn Vui - Đảo trưởng đảo Đá Nam tâm sự: “Không ỷ lại vào hoàn cảnh thời tiết khắc nghiệt ở một đảo chìm, anh em trên đảo đều tích cực tăng gia nuôi trồng. Từ đầu năm đến nay, đảo đã sản xuất được trên 100 kg rau xanh, lại còn nuôi thêm được 30 con gà, vịt, 1 con lợn, 15 con chó.” Số liệu thì khô khan vậy, chỉ đến khi nhìn thấy những khay, thùng composite trồng rau được phủ kín chung quanh bằng những tấm bao ni lông để tránh sóng gió, nhất là hình ảnh các chiến sĩ ở đây tận dụng những ca nước ngọt sau khi vo gạo để tưới rau, mới thấy cuộc sống ở đảo sinh động đến nhường nào. Một chiến sĩ tôi quên bẵng việc hỏi tên, nói: “Gió tứ bề anh ạ. Hôm nào có giông bão, bọn em phải khuân hết số khay rau vào phòng kín, vậy mà có lúc rau vẫn bị nhiễm hơi mặn, chết sạch”.

 

Ở thị trấn Trường Sa, nơi được xem là điểm đảo có diện tích đất nhiều và điều kiện tối ưu để trồng rau xanh, cán bộ và chiến sĩ nơi đây đã tận dụng tối đa thực lực để phát huy thế mạnh này. Chính vì vậy, sản lượng rau xanh ở đây đạt kết quả khá mỹ mãn, qua đó đưa lượng rau xanh bình quân mỗi người đạt trên 90 kg/năm. Trên đảo, anh em còn trồng được cả một số cây ăn quả, nhất là đu đủ, cho quả to, ngọt không thua đất liền. Thượng tá Đinh Văn Hải - Đảo trưởng đảo Trường Sa nói: “Phát huy thế mạnh, điều kiện có được, không chỉ có rau, đảo còn mở rộng việc trồng cây xanh, cây ăn quả lâu năm. Riêng năm ngoái, chúng tôi đã chiết được gần 500 cây giống, trồng mới hơn 700 cây xanh các loại, chăm sóc tốt vườn cây ăn quả.” Có đến thị trấn Trường Sa đôi lần, mới thấy diện mạo nơi này ngày một thay đổi nhanh chóng. Nhưng điều dễ cảm nhận nhất là màu xanh của đảo, chúng phủ khắp nơi, khiến cho màu nắng nơi đây trở nên mát lành, dịu ngọt.

 

Chuyến ra huyện đảo Trường Sa lần này, chúng tôi đến thăm gia đình của ngư dân Nguyễn Hồng Thưởng ở xã Song Tử Tây, đúng lúc cả hai vợ chồng anh đang chăm bẵm mấy khay trồng rau mồng tơi sau nhà. Vừa nâng niu những cọng mồng tơi xanh tốt, lá to hơn cả bàn tay người, chị Mạnh Kiều, vợ anh Thưởng nói: “Chỉ năm ba lá thế này là được một nồi canh đấy, anh ạ”. Bỗng dưng tôi mường tượng đến nồi canh nghi ngút khói, nước mồng tơi deo dẻo, ngọt lừ...

 

Sau nhiều năm đúc kết thực tiễn, hiện các đảo đều đưa vào trồng một số loại rau chủ lực, thích ứng tốt với điều kiện khí hậu ở đảo, như: mồng tơi, rau muống, cải xanh, mơ, bí, bầu, mướp... Ở các đảo chìm như: Đá Tây, Đá Lát... nội dung tham gia trồng rau xanh hàng ngày được đưa vào những tiêu chí để cán bộ, chiến sĩ cùng thi đua. Nếu tận mắt chứng kiến ở một số đảo, những quả bí sau khi thu hoạch được dự trữ vào “kho” lên đến hàng tạ, để dành cho mùa mưa bão, mới thấy nội dung thi đua ấy không hề là khẩu hiệu, mà thiết thực vô cùng.

 

Tuy nhiên, việc tăng gia sản xuất rau xanh ở Trường Sa chỉ là một trong những nhiệm vụ hỗ trợ cho công tác sẵn sàng chiến đấu, góp phần cải thiện tốt hơn bữa ăn cho quân và dân trên các đảo, nhưng vẫn còn đó nhiều trở ngại. Do đó những kết quả nói trên đến thời điểm này chỉ mới đáp ứng phần nào bữa cơm ở đảo. Chuẩn đô đốc Trần Đình Xuyên - Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân, bày tỏ: Một trong những khó khăn hiện nay trên các đảo ở Trường Sa là chỉ tận dụng diện tích đất còn trống, rất eo hẹp để nuôi trồng, chứ chưa được đầu tư một cách cơ bản. Dự án biến nước biển thành nước ngọt trên toàn huyện đảo đang được triển khai. Nếu được đầu tư đồng thời những khu tăng gia, trồng rau, nuôi gia súc, gia cầm tập trung, sẽ đảm bảo thực phẩm tươi sống và rau xanh cho quân và dân trên đảo. Mặt khác, khi có tình huống phức tạp xảy ra, việc chi viện từ đất liền gặp khó khăn, thì chính cơ sở đó sẽ thực hiện chức năng hậu cần tại chỗ, đảm bảo sức khỏe cho quân và dân trên các đảo thực hiện tốt nhiệm vụ.

 

Một tin tốt lành cho Trường Sa khi từ năm nay, Viện Hải dương học Nha Trang được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hòa đặt hàng để thực hiện đề tài nghiên cứu với nội dung: “Chuyển giao kỹ thuật trồng, bảo quản và chế biến rong nho biển (Caulerpa lentillifera) cho quân và dân huyện đảo Trường Sa”. Rong nho là loài sinh trưởng ở biển, dùng làm rau rất bổ dưỡng, được nhập và trồng thử nghiệm thành công tại một số vùng biển ở Khánh Hòa những năm gần đây. Do đó rất hợp để loài cây này “di cư” ra các đảo. Đề tài có mục đích đưa rong nho ra trồng phổ biến tại Trường Sa, góp phần giải quyết thêm nhu cầu rau xanh cho quân và dân huyện đảo. Theo đó, cơ quan thực hiện sẽ xây dựng 2 mô hình trồng rong nho biển trong bể, được triển khai tại Vùng 4 Hải quân (thành phố Cam Ranh), đào tạo trực tiếp về kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo quản và chế biến rong nho cho 40 người thuộc Vùng 4 Hải quân, huyện đảo Trường Sa; đồng thời hoàn thiện tài liệu hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo quản và chế biến loài rong này phù hợp với điều kiện sinh thái và kinh tế - xã hội của huyện đảo Trường Sa, nhằm nhân rộng mô hình, tiến đến trồng phổ biến tại các đảo. Trong thời gian thực hiện, Viện còn cung cấp khoảng 100 kg rong nho biển thành phẩm, làm rau xanh cho quân và dân huyện đảo. Theo Sở Khoa học và Công nghệ Khánh Hòa, Viện Hải dương học Nha Trang còn xây dựng kế hoạch triển khai trồng rong nho biển tại Trường Sa đến năm 2015.

 

Về đến đất liền chỉ mấy hôm, tôi lại nhớ Trường Sa, nhớ những món rau đượm vị mặn mòi giữa biển cả. Hình như trong đó có cả nắng, gió và sóng Trường Sa. “Tất cả vì Trường Sa thân yêu”, mong rằng đất liền có thêm nhiều ý tưởng để gửi màu xanh cho Trường Sa xanh hơn, cho bữa ăn của quân và dân trên các đảo luôn đậm đà hương vị ngọt lành của đất liền.

 

Theo Tiên Minh

 Báo Tin tức