1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Trộm khỉ lộng hành trong nội ô Tòa thánh Tây Ninh

Ngoài cách rải thức ăn có tẩm thuốc, bọn trộm khỉ ở Tòa thánh Tây Ninh này còn vào trong rừng thiên nhiên đặt bẫy hoặc dùng thức ăn có tẩm thuốc để bắt khỉ.

Một người phụ nữ tên N., làm công quả trong Nội ô Toà thánh Cao Đài Tây Ninh, đến Phòng Bạn đọc – Tư liệu Báo Tây Ninh phản ánh tình trạng đàn khỉ trong Nội ô Tòa thánh Tây Ninh bị kẻ xấu bắt trộm rất nhiều. Bà mong các ngành chức năng sớm có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu để bảo vệ đàn khỉ.

Những chú khỉ như thế này có thể là mồi ngon cho bọn trộm khỉ.

Những chú khỉ như thế này có thể là mồi ngon cho bọn trộm khỉ.

Phóng viên Báo Tây Ninh đã đến Nội ô Toà thánh. Bà N. dẫn chúng tôi vào vườn thiên nhiên chỉ cho xem hiện tại đàn khỉ chỉ còn lại không tới 20 con. Bà N. cho biết, từ nhiều năm nay, bà và một vài người khác chuyên làm nhiệm vụ chăm lo cho đàn khỉ. Mỗi ngày ba buổi sáng, trưa, chiều, bà đạp xe đến chợ Long Hoa xin trái chín, rau dạt, gạo, lúa, bắp rồi đem vô rừng thiên nhiên, để vào các thau, chậu cho khỉ ăn. Vì thường xuyên tiếp xúc với đàn khỉ trong nhiều năm, nên bà N. biết rất rõ số lượng đàn khỉ.

Bà N. nói: “Ở Nội ô có ba đàn khỉ rõ rệt. Một đàn ở khu rừng thiên nhiên bên khán đài phía Tây, có khoảng 30 con. Hai đàn ở cánh rừng bên khán đài Đông, mỗi đàn khoảng 25 con. Tổng cộng có khoảng 80 con. Nhưng khoảng ba tháng gần đây, đàn khỉ bị thưa dần, đến nay, chỉ còn không tới 20 con”.

Theo bà N. nguyên nhân dẫn đến số lượng đàn khỉ giảm là do thời gian gần đây, có một số kẻ bắt trộm khỉ. Qua theo dõi, bà N. và một số người khác thấy có một số thanh niên dáng vẻ “bặm trợn”, cứ lén lút bắt khỉ. Chúng giả dạng du khách, đến rải thức ăn dọc theo hàng rào rừng thiên nhiên. Khi khỉ ăn phải thức ăn này, bị trúng thuốc đi không nổi, chúng quay lại nhặt khỉ bỏ vào bao (loại đựng diêm), rồi lên xe mô tô phóng đi mất. Chúng liên tục thay đổi phương thức và giờ giấc bắt khỉ.

Có lúc, những thanh niên này đi bằng xe mô tô, thỉnh thoảng đi bằng xe ô tô loại 7 chỗ. Có ngày, mới tờ mờ sáng chúng tháp tùng theo những người vào nội ô Toà thánh tập thể dục để rải thức ăn cho khỉ. Có lúc chúng lại hành động vào buổi trưa, khi mọi đạo hữu tập trung đi cúng. Cũng có khi chúng lén lút bắt khỉ vào lúc chập choạng tối.

Ngoài cách rải thức ăn có tẩm thuốc, bọn trộm khỉ này còn vào trong rừng thiên nhiên đặt bẫy hoặc dùng thức ăn có tẩm thuốc để bắt khỉ. Chúng thường gài loại bẫy thòng lọng, khỉ lọt đầu hoặc chân vào là bị thòng lọng giật lên, treo lủng lẳng trên cao. Mặt khác, chúng dùng cả chục cái chén đựng thức ăn đã tẩm thuốc để rải rác trong các lùm cây. Chờ khỉ ăn bị ngấm thuốc, chúng lẻn vào bắt rồi trèo hàng rào ra ngoài trốn mất.

Để chứng minh cho lời mình nói, bà N. dẫn chúng tôi vào rừng thiên nhiên chỉ cho xem một vài cái chén đựng thức ăn có tẩm thuốc mà bọn “khỉ tặc” bỏ lại. Bà N. còn đem ra hai bao diêm của bọn “khỉ tặc” giấu trong hốc cây. Bà N. giải thích: “Chúng để sẵn hai cái bao này trong hốc để khi khỉ trúng thuốc, chúng giả dạng khách tham quan đi vào rừng tay không; sau đó gom khỉ bỏ vào bao rồi đem ra. Rất nhiều lần tôi thấy mấy con khỉ bị trúng thuốc cứ ngồi ngả nghiêng trên mặt đất. Những lần như vậy, tôi phải ở lại canh chừng đàn khỉ, chờ cho chúng tỉnh thuốc, trèo lên cây tôi mới ra về”.

Thương cho đàn khỉ, bà N. đã lặn lội tìm đến cơ quan Công an thị trấn Hoà Thành (huyện Hoà Thành), Chi cục Kiểm lâm tỉnh để trình báo sự việc. Bà N. kể tiếp: “Hai cơ quan này cũng có cử nhân viên đến theo dõi, nhưng bọn trộm khỉ cảnh giác dữ lắm. Khi thấy có cơ quan chức năng vào thì chúng ngưng hoạt động. Khi những cán bộ này ra về là chúng lại tiếp tục bắt khỉ”.

Tức mình, bà N. viết thông báo về tình trạng khỉ bị mất trộm và số điện thoại nóng của Chi cục Kiểm lâm tỉnh lên giấy, ép nhựa rồi cột lên thân cây trong rừng thiên nhiên; đồng thời, bà dùng mực viết chữ trên tường hai đầu khán đài phía Đông những nội dung tương tự và số điện thoại nóng của Cảnh sát hình sự thị trấn Hoà Thành để nhiều người biết cùng cảnh giác, bảo vệ đàn khỉ.

Một người thợ chuyên hành nghề chụp ảnh dạo trước Toà thánh kể: “Có vài lần tôi nhìn thấy hai thanh niên quảy bao khỉ từ trong rừng thiên nhiên nhảy qua hàng rào rồi lên xe mô tô đi mất. Thấy chúng bắt khỉ một cách ngang nhiên, tôi cứ ngỡ đó là nhân viên kiểm lâm vào tỉa thưa đàn khỉ nên tôi không hỏi han gì”. Một người phụ nữ bán vé số dạo trong Nội ô Toà thánh cũng khẳng định đã từng thấy một vài thanh niên bắt khỉ, nhưng bà cũng cho đó là nhân viên của cơ quan kiểm lâm đang làm nhiệm vụ chứ không biết đó là bọn trộm khỉ.

Ông Lê Ngọc Bình- 67 tuổi, Phó trưởng Ban Trật tự Nội ô Toà thánh cũng bức xúc về vấn đề này. Ông lấy cho chúng tôi xem một cái lồng sắt dùng để bẫy khỉ của bọn xấu gài trong rừng thiên nhiên mà nhân viên của ông phát hiện, thu hồi.

Ông Bình cho biết, trong thời gian gần đây, Ban Trật tự của ông đã phát hiện và thu giữ hai chiếc lồng sắt như thế này và một số bẫy thòng lọng trong vườn thiên nhiên, nhưng tình trạng mất khỉ vẫn diễn ra. “Chúng tôi cũng bức xúc chuyện này lắm, nhưng không biết làm sao ngăn chặn. Hằng ngày, tôi đều cử anh em ra trông coi đàn khỉ. Khi chúng tôi có mặt thì bọn trộm né tránh. Tôi nhắc nhở người dân đừng cho khỉ ăn để dễ kiểm soát đối tượng xấu, nhưng không được”, ông Bình nói.

Giấy cảnh giác, bảo vệ đàn khỉ do bà N. viết cột lên cây.
Giấy cảnh giác, bảo vệ đàn khỉ do bà N. viết cột lên cây.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Hoà An- Đội Trưởng Đội Kiểm lâm cơ động, phòng cháy chữa cháy rừng- Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh, cho biết: “Cách nay hơn một tháng, có người đến báo tin trong trong nội ô Toà thánh có kẻ xấu vào bắt trộm khỉ. Chúng tôi có cử nhân viên kiểm lâm thường xuyên vào kiểm tra, nhưng đến nay chưa bắt quả tang được trường hợp nào. Tuy nhiên, với bất kỳ hình thức bắt trộm khỉ như thế nào cũng đều vi phạm pháp luật”.

Ông An cho biết thêm, hai năm trước, Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh có tổ chức vào Nội ô Toà thánh bắt 8 con khỉ đầu đàn hung dữ, thường xuyên cắn người đem thả về rừng lịch sử Chàng Riệc (huyện Tân Biên).

Từ đó đến nay, Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh không tổ chức bắt khỉ trong Nội ô Toà thánh thêm lần nào nữa. Nếu có vào đó bắt khỉ, nhân viên kiểm lâm đều mặc đồng phục và kết hợp với Ban Trật tự Nội ô Toà thánh đàng hoàng, chứ tuyệt đối không có chuyện hành động riêng lẻ hoặc mặc thường phục.

Việc đàn khỉ trong Nội ô Toà thánh bị giảm số lượng đáng kể đang gây bức xúc cho nhiều người. Mong các ngành chức năng sớm có biện pháp ngăn chặn, bảo vệ đàn khỉ một cách hữu hiệu, để chúng góp phần làm phong phú môi trường sinh thái trong Nội ô Toà thánh.

Theo Dương An
Báo Tây Ninh