Trôi nổi thị trường gia cầm sau tết

(Dân trí) - Cúm gia cầm vẫn đang hoành hành nhiều nơi trên thế giới, nhất là những nước lân cận Việt Nam như Indonesia, Hồng Kông - Trung Quốc. Việt Nam đã qua 50 ngày không phát hiện dịch mới nhưng nguy cơ tái bùng phát vẫn rất lớn. Vậy mà ngay tại Hà Nội, thị trường gia cầm đã sớm bị buông lỏng…

Gà "sạch" không dấu, gà "ngoài" có dấu

 

Điểm đến đầu tiên là chợ Ngọc Hà. Khu vực trưng biển "Gia cầm sạch" bên trong chợ, 4 - 5 quầy, gia cầm chất đầy ự các bàn. Không có dấu kiểm dịch, không có bao bì đóng gói, gà tươi, không phải là đông lạnh. Bà chủ kiốt gà làm sẵn thứ 3 đưa ra một tờ giấy chứng nhận kiểm dịch phôtô từ ngày 16/1/2006 ghi hộ kinh doanh gia cầm này đã đăng ký tại chợ Ngọc Hà, mua gà từ Đông Anh, địa bàn được công nhận là không có dịch.

 

Bà chủ cho biết, mỗi ngày quầy được phép nhập 50 con gà tại vùng này, đưa đến giết mổ tại khu Bắc Thăng Long rồi mới đem về chợ bán. Tuy nhiên, không có chữ nào trong tờ giấy chứng tỏ quầy hàng này được kinh doanh số lượng gia cầm và cách thức kinh doanh như bà chủ nói. Vậy không hiểu làm thế nào để chứng minh toàn bộ số gia cầm làm sẵn ở đây đúng là từ nguồn gốc đã được chứng nhận. Giá gà sạch ở đây cũng cao hơn hẳn gà ngoài: 70.000đ/kg.

 

Còn ngay đầu phố chợ Ngọc Hà, đoạn giao với đường Nguyễn Thái Học, đối diện bến xe Kim Mã, những "quầy" gia cầm làm sẵn được bày bán rải rác. Mấy cái mẹt kê sát hè đường chỏng chơ một vài con gà, một con ngan, nhìn không quy mô nhưng nếu khách hỏi thì muốn bao nhiêu con nữa cũng có. Số gia cầm mới làm, thịt rất tươi, chắc, ngon. Con nào cũng có 1 vệt mực màu tím loang lổ không ra hình thù gì mà bà chủ giải thích đó là "dấu kiểm dịch". Giá khá mềm: 50.000đ/kg.

 

Gà "lông" luôn đủ để phục vụ nhu cầu "thượng đế"

 

Cuộc giao ban của Ban Chỉ đạo phòng chống các dịch cúm chiều qua đã đề cập đến ba yếu tố có thể khiến dịch H5N1 bùng phát trở lại: Tư tưởng chủ quan coi thường của rất nhiều người dân trong việc tiêu thụ gia cầm; Số lượng gia cầm được vận chuyển giữa các vùng tăng lên; Nhiều đàn gia cầm mới được gây trở lại.

Tại những mẹt gia cầm "có dấu" đầu phố chợ Ngọc Hà trên, khi chúng tôi hỏi gà "lông" (gà còn sống), bà chủ thoáng nghi ngại nhưng rồi cũng gật đầu, hạ giọng: "Cần nhiều không. Chị còn mấy con khách đặt rồi nhưng chưa lấy. Vào đây". Hóa ra tại "đại bản doanh" cuối con ngõ sâu, nồi nước làm gà vẫn đang nghi ngút khói, Mấy bộ lòng mới làm đầy ự cái rổ con đặt trên nền đất. Gia cầm được giết mổ ngay tại đây.

 

Bà chủ lôi trong lồng giấu trong kho trữ than tổ ong nhốt gần chục con gà sống đôi gà mái tơ "chạy bộ" chính hiệu, đùi, lườn chắc nịch. Cần mua ngan to, nhỏ gì cũng có, 35.000đ/kg, chỉ cần đặt trước vài chục nghìn. Vịt thì khó hơn vì chưa đến mùa.

 

Tiễn khách đi, bà chủ mới hỉ hả giải thích: "Lúc đầu chị tưởng em là kiểm dịch thú y nên phải cẩn thận. Sáng mai tới lấy là cũng phải nhét vào tải kín đấy. Họ phát hiện ra thì phạt nặng lắm".

 

Điểm khảo sát thứ hai: Chợ Thành Công. Tất cả các kiốt kinh doanh gia cầm "sạch" đều ở dạng giống như các kiốt chợ Ngọc Hà. Chủ hàng đều từ chối yêu cầu gà "lông" của khách. Chỉ có 1 người đàn bà ngồi mé ngoài một kiốt hạ giọng gọi khách: "Cần gà sống? Mấy con?". Hóa ra "quầy hàng lưu động" ngồi ké này chỉ có 1 chiếc xô cũ trong lỏng chỏng 2 con gà làm sẵn, hoàn toàn không dấu kiểm dịch. Giá gà ở "quầy" ăn theo này thấp hơn các kiốt 5 giá (65.000đ/kg).

 

Tại điểm khảo sát ngẫu nhiên thứ ba: chợ Nghĩa Tân, vừa bước vào khu vực bán gà người mua đã được hỏi ngay: “Lấy gà sống không?”. Khách chưa kịp gật đầu, người bán đã lôi ra một chiếc lồng hình trái bầu được bao bọc cẩn thận trong một bao tải dứa. Khoảng hai chục con gà được ních chặt trong chiếc lồng này. Vừa lôi ra một con gà sống đẩy về phía người mua, chị bán gà vừa chào hàng: “Gà khỏe, mào đỏ như ớt, gáy te te”…

 

Người bán hàng cho biết, nếu khách ưng ý con nào sẽ mổ ngay tại quầy. Theo chị này, có vô khối những con gà mổ sẵn được bày bán nhưng đa số người mua thích gà tươi. Hỏi về nguồn gốc của gà, chị này cho biết: lấy từ Phú Thọ. Chuyển sang khâu kiểm dịch, chị này chối quanh rồi “phản đòn”: muốn ăn gà "lông" còn đòi kiểm dịch?   

 

Ngay sát bên cạnh, một thanh niên đang vặt lông gà cho vị khách đang đứng đợi. Vị khách cho biết, đã hết sợ vì chẳng thấy ai nói gì về dịch nữa.

 

Như vậy là bằng mọi cách, gia cầm lậu không rõ nguồn gốc vẫn đang lan tràn ngoài thị trường. Tâm lý cảnh giác có phần bị lơ là trong thời gian này.

 

Phương Thảo - Cấn Cường