1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Trở về từ lầm lỗi

(Dân trí) - Nhìn họ say sưa làm việc, hoạt động xã hội, chăm lo gia đình, ít ai ngờ họ đã có một thời lầm lỗi. Quá khứ tủi hổ gắn với hai từ "ma túy" nhưng hiện tại họ hạnh phúc vì đã trở lại làm người lương thiện.

Những mảnh đời quằn quại

Tôi biết Phan Văn Kiên (khối 4, phường Hà Huy Tập, TP Vinh, Nghệ An) từ khi cậu còn nhỏ. Kiên rất hiền, hiền đến mức nghe tin cậu nghiện ma túy tôi không dám tin. Rồi đến khi lại nghe tin cậu cai nghiện thành công, tôi cũng không mấy tin. Nhưng đó là sự thật.
Trở về từ lầm lỗi - 1
Phan Văn Kiên đang say sưa sữa chữa hàng điện tử cho khách.
Vì thu nhập chưa ổn định nên Kiên chưa muốn tính chuyện vợ con.
 
Tôi tìm gặp Kiên, để nghe Kiên kể lại con đường sa ngã của mình: Vào năm 1995, khi đó Kiên vừa tốt nghiệp THPT chưa có việc gì làm nên rơi vào con đường nhàn cư. Rồi bạn bè rủ rê, rồi sau vài lần dùng thử, Kiên "dính" hẳn vào ma túy. Để có tiền thỏa mãn cơn nghiện, Kiên cứ bán dần đồ đạc trong nhà, cho đến khi không còn gì để bán, nhà Kiên rơi vào cảnh khuynh gia bại sản.
 
"Có lúc thấy mọi người nhìn mình với ánh mắt cảnh giác, em cũng thấy xấu hổ lắm. Nhưng mỗi khi lên cơn thì đâu còn biết gì ngoài ma túy. Em biết lắm rằng mình là thằng con nghịch tử, nhưng thèm thì phải làm liều..." - Kiên tâm sự. Rồi Kiên đồng ý cai nghiện. Cai tại nhà, cai ở trại... cũng chẳng ăn thua gì. Nhưng "con ma trắng" đã bám chặt vào Kiên, không thể dứt bỏ.
 
Cùng ở TP Vinh, tại khối 4, phường Quang Trung, người ta còn nhắc đến một "con ma nghiện" khác là Tô Thanh Sơn. Hai mươi năm trước, Sơn là con nghiện "có tiếng". Thời đó, nhắc đến Sơn "bộ đội" là nhiều người đã sợ. Nhớ lại thời đen tối, anh bảo: Con đường đến với ma túy của các con nghiện hầu như đều giống nhau. Đứa nào cũng thử cho biết, thử rồi là "dính" luôn.

"Tôi bị nghiện từ năm 1989. Năm 1990 đi bộ đội mà vẫn không cai được. Cứ tưởng xuất ngũ mình sẻ từ bỏ được nó, ai ngờ ra quân càng nghiện hơn. Nhiều khi thấy mình kém cỏi, thấy mình là gánh nặng nên nghĩ đến con đường quyên sinh. Khổ lắm, ngửi thấy mùi đó là lại cứ lao vào" - anh Sơn tâm sự.

Rồi cũng như bao con nghiện khác, đồ đạc nhà anh Sơn cũng dần dần bị "sơ tán". Để có tiền, anh lại lao vào con đường trộm cắp, móc túi... Mấy năm trời đi "bụi", hết vào Nam lại ra Bắc, làm đủ trò để có tiền hút chích. Thế là vào tù...

Lương tâm thức tỉnh

Với Kiên, sau 4 lần cai nghiện không thành, mọi người đã coi cậu như thứ bỏ đi. Năm 2003, bố Kiên - ông Phan Văn Vượng ốm nặng. Ông ốm không gượng dậy nổi vì buồn chuyện của Kiên. Ông nói coi như đã mất Kiên, ông còn sống làm gì. Thương cha, tủi hổ với bản thân, lương tâm thức tỉnh, Kiên tự đi cai nghiện. Và cậu đã thành công chỉ hơn một năm sau đó. Bây giờ Kiên vừa chăm chỉ với nghề rửa xe máy, vừa giỏi giang  sửa chữa điện tử. Bà con lối xóm ai cũng khen: Thằng Kiên thành người tốt rồi, vừa hiền lại vừa giỏi.

Kiên tâm sự: "Em muốn chuộc lại lỗi lầm của hơn mười năm nghiện ngập. Vì thế mà em tình nguyện gia nhập nhóm đồng đẳng vừa để giúp đỡ người nghiện hoàn lương, vừa tham gia chăm sóc người có HIV. Nhóm của em đã giúp được 30 người cai nghiện thành công. Em nghĩ mình phải làm có trách nhiệm làm những việc ích cho đời".

Tô Thanh Sơn cũng vậy. Để cắt được cơn nghiện, anh đã lấy gia đình làm điểm tựa. Vì thế mà chỉ sau 9 tháng, anh đã cai nghiện thành công. "Khổ nỗi, bạn nghiện không buông tha sau khi mình đã "làm người" - anh nói - không dễ gì giữ được mình nếu không có sự giúp đỡ của gia đình, của bà con lối xóm".
 
Trở về từ lầm lỗi - 2
Anh Tô Thanh Sơn tâm sự: "Giờ đây vợ chồng tôi sống như trong mơ, trước đây nghiện ma túy nặng lắm,
nghĩ mình chắc chết rồi. Nhưng giờ đây tôi đang vun xới tất cả vào đứa con 3 tuổi và cùng vợ tu chí làm ăn...".

Ngày đó, các đồng chí ở phường khuyên tôi nên lập gia đình để thực sự "làm người". Tôi nghĩ, ai dám lấy mình chứ. Thế rồi có người bà con giới thiệu, tôi đã về Thanh Hóa "cưa cẩm" được bà xã đây. Ngày đó, nghe nói tôi vốn là một con nghiện, cả gia đình đằng vợ đều khiếp đảm. Nhưng trước lời hứa quyết tâm của mình, mọi người cũng yên tâm giao con gái họ cho tôi.

Đám cưới diễn ra giản dị, đơn sơ. "Hai mâm cơm cưới vợ, thật không ai tin nổi. Nhưng để có được hai mâm cơm đó cũng phải nhờ đến sự giúp đỡ của bà con đấy. Nhà tôi còn gì nữa đâu, tôi đã nướng vào ma túy hết rồi" - anh Sơn kể lại. Nghèo nhưng hạnh phúc, vợ chồng anh giờ đã là chủ một cửa hiệu bánh xèo có tiếng ở Vinh và một tài sản vô giá khác là đứa con 3 tuổi.

Anh Sơn cho rằng, muốn thực sự làm người tốt thì phải biết giúp người khác thoát ra khỏi con đường quằn quại ấy. Việc đầu tiên là cứu lấy em trai mình, cũng là một con nghiện nặng. Lấy gương mình mà giúp em. Kể lại những tội lỗi của mình để em trở về. Và anh đã thành công, Tô Thanh Tường, em trai anh, đã dứt hẳn ma túy trở về làm ăn lương thiện.

Từ thành công đó, anh Sơn đã gia nhập đội tuyên truyền phòng chống ma túy, HIV/AIDS của phường Quang Trung. Anh cười thật tươi: "Cuộc đời thật không thể ngờ. Đến bỏ đi như tôi mà bây giờ vẫn có thể làm lại. Tôi nghĩ chỉ có một con đường là tự mình phải có nghị lực, tự mình phải có khát vọng làm người thì chắc chắn sẽ thành công". 

Nguyễn Duy