Trợ giá xe buýt liên tục… “leo thang”

(Dân trí) - Đảm bảo cho xe buýt hoạt động, năm 2011 Hà Nội chi 841,5 tỷ đồng, năm 2012 chi 990 tỷ đồng, năm 2013 dự kiến chi 1.100 tỷ đồng tiền trợ giá. Lý do “leo thang” tiền trợ giá được giải thích là do tăng tuyến, tăng lương, nhiên liệu tăng giá… qua các năm.

Tăng giá vé, vẫn đội trợ giá

Từ khi đi vào hoạt động đến nay, mỗi năm thành phố Hà Nội phải chi ra hàng trăm tỷ đồng tiền trợ giá cho các doanh nghiệp vận hành hệ thống xe buýt. Cụ thể, trong các năm gần đây như 2011 Hà Nội chi 841,5 tỷ đồng, năm 2012 chi 990 tỷ đồng và năm 2013 dự kiến chi 1.100 tỷ đồng tiền trợ giá.

Mỗi năm Hà Nội chi hàng trăm tỉ đồng trợ giá cho xe buýt
Mỗi năm Hà Nội chi hàng trăm tỷ đồng trợ giá cho xe buýt

Để giảm gánh nặng cho ngân sách thành phố và doanh nghiệp chủ động tăng chất lượng dịch vụ xe buýt, theo ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị thuộc Sở Giao thông vận tải Hà Nội (GTVT) cách duy nhất là tăng giá vé. Trước đó, vào ngày 1/10/2012, UBND thành phố đã phê duyệt tăng giá vé xe buýt trên địa bàn thành phố.

Mức giá các tuyến tăng bình quân 2.000 đồng/lượt. Với vé tháng, tăng hơn 25 nghìn đồng. Sở GTVT tính toán với mức điều chỉnh như trên, một hành khách đi vé lượt chỉ phải chi trả bình quân 86% chi phí/hành khách và ngân sách phải hỗ trợ 14% chi phí/hành khách. Trong khi đó một khách đi vé tháng chỉ phải chi trả bình quân 26%/hành khách, ngân sách hỗ trợ 74% chi phí/hành khách.

Theo tính toán của Sở GTVT Hà Nội vào thời điểm đó, sau khi điều chỉnh giá vé, trong trường hợp không có biến động về chi phí cho vận tải hành khách công cộng thì trợ giá xe buýt một năm giảm gần 300 tỷ đồng so với những năm trước.

Tuy nhiên, theo Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị dự kiến năm 2013, Hà Nội phải chi 1.100 tỷ đồng tiền trợ giá cho xe buýt. Điều đó có nghĩa dù từ tháng 10/2012, Hà Nội đã tăng giá vé xe buýt nhưng tiền trợ giá cho xe buýt vẫn tiếp tục “leo thang” lên khoảng 200 tỷ đồng so với 2012.

Nguyên nhân của việc tiếp tục đội trợ giá xe buýt được ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị giải thích lý do từ sau khi tăng giá vé Hà Nội đã mở thêm 2 tuyến xe buýt mới (tuyến 61 và 62). Ngoài ra, theo ông Hải từ khi tăng giá vé xe buýt đến nay, tiền lương cũng đã tăng. Hơn nữa, chi phí nhiên liệu cũng lên vì xăng dầu tăng giá nhiều lần.

“Sản lượng dịch vụ xe buýt vẫn tăng như tính toán nhưng khi tăng giá vé, hàng loạt các vấn đề tăng theo. Do vậy, để đảm bảo cho dịch vụ xe buýt được hoạt động, thành phố vẫn phải “gồng lên”. Còn nếu để hỏng dịch vụ này, người dân lại tỏa đi dùng phương tiện cá nhân thì thành phố còn ùn tắc nữa. Vì thế mà thành phố sẵn sàng bỏ tiền ra cung cấp dịch vụ cho dân”, ông Hải giải thích thêm.

“Bầu sữa” trợ giá được sử dụng ra sao?

Việc mỗi năm, thành phố dùng “bầu sữa” ngân sách lên đến nghìn tỷ đồng để trợ giá cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xe buýt được sử dụng ra sao cũng khiến nhiều người quan tâm. Theo ông Hải, hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội có gần 10 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xe buýt, trong đó có 5 doanh nghiệp, khai thác 70 tuyến được trợ giá (dự kiến từ giờ đến cuối năm thêm 3 tuyến).

Nhiều tuyến xe buýt bị quá tải vào giờ cao điểm (ảnh Việt Hưng)
Nhiều tuyến xe buýt bị quá tải vào giờ cao điểm (ảnh Việt Hưng)

Trong năm 2011, Hà Nội trợ giá cho xe buýt là 841,5 tỷ đồng cho 65 tuyến, năm 2012 chi 990 tỷ đồng cho 67 tuyến, dự kiến năm 2013 chi 1.100 tỷ đồng cho 70 tuyến. Ông Hải cho biết, trong 5 doanh nghiệp được trợ giá, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) là doanh nghiệp chủ đạo chiếm tới trên 80% thị phần điều đó đồng nghĩa với việc mỗi năm doanh nghiệp này được trợ giá khoảng 800 tỷ đồng.

Về nguồn vốn ngân sách trợ giá cho xe buýt hoạt động, ông Hải cho biết, được thành phố quản lý rất chặt chẽ. “Mỗi năm thành phố đều đặt hàng các doanh nghiệp chạy bao nhiêu tuyến, mức độ dịch vụ ra sao, sản lượng dự báo như thế nào rồi mới dự kiến trợ giá bao nhiêu tiền. Khi doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ, Sở GTVT có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát xe buýt có chạy đúng đơn đặt hàng không. Chạy đúng thì nghiệm thu, nếu không đúng thì bị trừ”, ông Hải cho biết.

Ngoài ra, việc thanh toán trợ giá xe buýt cũng phải dựa trên định mức thành phố ban hành để chi mỗi kilomet là bao nhiêu tiền ví như ô tô to hay bé, bao nhiêu phần trăm chi cho khấu hao, bao nhiêu chi cho lương, sửa chữa, quản lý….

“Định mức đó đủ để cho doanh nghiệp vận hành xe buýt đảm bảo yêu cầu, chất lượng thành phố đặt hàng. Khi liên ngành thành phố vào nghiệm thu theo thực tế hoạt động của doanh nghiệp thì mới chính thức được thanh toán tiền”, ông Hải nói.

Theo ông Hải tất cả các lượt, chuyến xe buýt đều được kiểm soát chặt chẽ dựa trên các thiết bị giám sát hành trình và lực lượng thanh tra, kiểm soát của Sở GTVT. Hơn nữa, xe buýt cũng không được chạy một cách tùy tiện, các tuyến phải hoạt động đúng biểu đồ. Những xe không thực hiện chuyến, thậm chí chạy nửa đường quay đầu đều bị phát hiện xử lý.

“Do không bảo đảm dịch vụ, tất cả các doanh nghiệp đều đã bị phạt. Cũng có rất nhiều phụ xe thu tiền nhưng không xé vé cho khách thanh tra bắt được bị đuổi việc. Tiến tới chúng tôi áp dụng vé điện tử để chấm dứt tình trạng gian lận vé xe”, ông Hải nói.

Quang Phong