1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Trình Quốc hội phương án đổi tên nước

(Dân trí) – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, UB Thường vụ QH đã thống nhất 2 phương án giữ nguyên tên nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và phương án lấy lại tên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa trình Quốc hội xem xét.

Chủ trì họp báo trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII sẽ khai mạc vào ngày 20/5 (thứ 2 tuần tới), Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết một số thông tin mới nhất về dự thảo Hiến pháp sửa đổi sẽ trình Quốc hội xem xét.

Cụ thể, ông Phúc giải thích, trong quá trình lấy ý kiến nhân dân về sửa Hiến pháp, liên quan đến Điều 1, quy định về tên nước có 2 phương án được UB Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đưa ra. Phương án 1 giữ nguyên như hiện tại (tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Phương án 2 quy định tên nước là Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

“Đây là 2 phương án sẽ trình ra Quốc hội xin ý kiến trong kỳ họp này” – ông Phúc nói.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì cuộc họp báo trước kỳ họp.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì cuộc họp báo trước kỳ họp.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khái quát, kết quả tập hợp ý kiến về nội dung này cho thấy đa số người dân đồng tình với tên nước hiện tại, chỉ một số ý kiến khác đề cập phương án đổi tên nước.

Tên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa được xác lập, ghi trong Hiến pháp từ năm 1946, đến năm 1976 thì đổi thành Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tên Việt Nam Dân chủ cộng hòa như vậy đã duy trì trong lịch sử 30 năm, tên Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tồn tại đến nay là 37 năm.

Ông Phúc lý giải, người dân đồng tình với tên nước hiện tại vì tên này thể hiện chủ trương, đường lối, mục tiêu tiến lên của đất nước. Cũng theo ông Phúc, tên nước như vậy không ảnh hưởng gì trong quá trình xây dựng quan hệ ngoại giao với hơn 200 quốc gia trên thế giới mấy chục năm qua. Mọi giấy tờ, văn bản hiện tại cũng đang thể hiện với tên nước như vậy.

Dự thảo Hiến pháp được chỉnh lý sau 3 tháng lấy ý kiến người dân đã thể hiện 2 phương án về tên nước như trên. Trong phiên họp thứ 18, ngay trước kỳ họp này, UB Thường vụ QH đã một lần nữa thảo luận về hướng giải trình, tiếp thu dự thảo Hiến pháp và chốt lại, 2 phương án về tên nước sẽ tiếp tục được trình ra Quốc hội.

Không lấy phiếu tín nhiệm Bộ trưởng Tài chính, Tổng Kiểm toán nhà nước

Một nội dung khác Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận nhiều câu hỏi trong cuộc họp báo là về công tác nhân sự. Ông Phúc xác nhận nội dung Quốc hội sẽ tiến hành miễn nhiệm đối với Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ vào ngày 23/5. Khi miễn nhiệm ông Huệ, Quốc hội cũng xem xét phê chuẩn nhân sự thay thế do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giới thiệu.

Vấn đề danh sách giới thiệu ứng viên Bộ trưởng Tài chính mới có số dư hay không, ông Phúc cho rằng, hiện tại vẫn còn sớm để đề cập. Đến thời điểm này vẫn chưa có danh sách ứng viên từ phía Chính phủ.

“Việc có số dư hay không phụ thuộc vào danh sách ứng viên giới thiệu do Thủ tướng đưa ra. Nếu có 2 ứng viên trở lên mà không có người xin rút thì Quốc hội sẽ bàn chốt danh sách và tiến hành bỏ phiếu, chọn người có số phiếu cao hơn” – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu quy trình.

Việc thay đổi nhân sự trong kỳ họp này cũng ảnh hưởng đến cuộc lấy phiếu tín nhiệm lần đầu tại Quốc hội. Cụ thể, ông Phúc phân tích, người được đưa ra lấy phiếu phải hội tụ đủ 2 điều kiện: là người nằm trong số 49 chức danh đã được xác định và có thời gian giữ chức danh này ít nhất 1 năm.

Vì việc miễn nhiệm Bộ trưởng Tài chính đối với ông Vương Đình Huệ diễn ra từ 23/5, trước phiên lấy phiếu (ngày 10/6) nên ông Huệ không còn trong danh sách nhân sự phải lấy phiếu tín nhiệm kỳ này. Nhân sự thay thế vị trí Bộ trưởng Tài chính khi đó cũng mới chỉ nhận nhiệm vụ ít ngày, không được đưa ra lấy phiếu.

Việc điều chuyển Tổng kiểm toán Nhà nước Đinh Tiến Dũng như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết trước đó, cũng trong tình huống tương tự. Như vậy, sẽ chỉ còn 47 cá nhân được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm trong kỳ họp này.

Đối với những người này, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, bản cáo cáo công tác, tự đánh giá về năng lực, phẩm chất đạo đức, lối sống của mỗi người đều đã được gửi tới các đại biểu Quốc hội theo yêu cầu.

“Bản báo cáo này; kết quả giám sát của Hội đồng dân tộc, các UB về chuyên ngành các vị này quản lý hơn 2 năm qua; kết quả thực hiện công tác qua thực tiễn; ý kiến đánh giá của người dân, dư luận… là những căn cứ để đại biểu Quốc hội cân nhắc, đánh giá về tín nhiệm. Làm sao để việc lấy phiếu khách quan, công tâm là vấn đề chúng tôi cũng như cử tri mong muốn. Tôi, với tư cách là người bỏ phiếu đánh giá những người khác, cũng là đối tượng để các đại biểu khác bỏ phiếu, cũng dựa vào những cơ sở đó để đưa ra quyết định của mình” – ông Phúc “chốt” lại.

P.Thảo  

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm